Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định khi cần thiết sẽ điều hàng vận chuyển bằng máy bay - Ảnh: NAM TRẦN
Trao đổi với Tuổi trẻ, thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải - trưởng Ban chỉ đạo cung ứng hàng hóa - khẳng định Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương bảo đảm điều phối cung ứng hàng hóa thiết yếu cho thị trường, xử lý các khó khăn trong lưu chuyển hàng hóa kịp thời nhằm không làm đứt gẫy chuỗi cung ứng.
* Mặc dù khẳng định là đủ nguồn cung, nhưng thực tế người dân gặp nhiều khó khăn khi mua hàng. Tình trạng khan hàng, sốt giá vẫn diễn ra, có phải do khâu tổ chức phân phối còn bất cập không, thưa ông?
- Từ rất sớm, Bộ Công Thương đã chỉ đạo, đôn đốc các địa phương có phương án đảm bảo nguồn cung theo từng cấp độ diễn biến của dịch bệnh và có kế hoạch hỗ trợ cung ứng, nên địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch.
Tuy vậy, trong những ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16, tại TP.HCM có hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng, nhu cầu tăng cao đột biến khiến nguồn cung hàng hóa khan hiếm cục bộ, một số tiểu thương lợi dụng đẩy giá tăng cao.
Ngoài ra, việc vận chuyển hàng gặp khó khăn do các yêu cầu kiểm dịch nên vận chuyển mất thêm thời gian, giá tăng theo do chi phí vận chuyển, nhân công, hao hụt.
* Việc cung ứng hàng vẫn là dồn gánh nặng cho siêu thị vốn chỉ đáp ứng 30% nhu cầu. Bộ Công thương có trách nhiệm đảm bảo tổ chức, phân phối hàng hóa, vậy vai trò này thể hiện thế nào?
- Nguồn hàng được dự trữ tăng lên nhiều lần nên nguồn cung sẽ được đảm bảo. Ban chỉ đạo sẽ luôn bám sát tình hình, triển khai các công việc như đã nêu trên, đặc biệt là phối hợp các bộ ngành để thúc đẩy nhanh việc lưu thông hàng hóa.
Chúng tôi đề nghị Bộ Y tế giảm yêu cầu xét nghiệm cho các lái xe, phương tiện vận tải hàng hóa thiết yếu và người áp tải hàng hóa; Bộ Giao thông vận tải về việc tạo điều kiện thuận lợi trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa thiết yếu, có phương án tạo luồng "luồng xanh", luồng "ưu tiên đặc biệt".
Bộ cũng yêu cầu các địa phương phải tăng thêm điểm bán hàng lưu động, tạo các vùng đệm cho hàng hóa ra vào, nghiên cứu mở lại các chợ truyền thống nếu đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19, như bố trí các tiểu thương ngồi giãn cách, ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động tại chuỗi cung ứng hàng hoá, dịch vụ thiết yếu…
* Suốt một tuần qua báo chí phản ánh về tình trạng giá hàng hóa liên tục tăng chóng mặt, nhưng vẫn có những thông tin nguồn hàng, giá cả ổn định. Có phải chăng công tác nắm tình hình chưa sát thực tế hay không?
- Đúng là những ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội nên thiếu hàng cục bộ, cũng có tình trạng gom hàng siêu thị bán ra bên ngoài với giá cao. Thực tế này làm ảnh hưởng đến tình hình thị trường, giá cả, gây bức xúc trong nhân dân và vi phạm quy định.
Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường TP.HCM yêu cầu các đơn vị trực thuộc kịp thời phát hiện để ngăn chặn và xử lý. Công khai, niêm yết số điện thoại đường dây nóng tại tất cả các điểm phân phối để người dân phản ánh.
Gắn với đó là việc chủ động tuyên truyền người dân không hoang mang, không mua hàng tích trữ, doanh nghiệp, người buôn bán không tăng giá bất hợp lý và xử nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
* Tới đây 19 tỉnh thành phía Nam sẽ áp dụng Chỉ thị 16. Để đảm bảo cung cầu ông có nêu rằng điều kiện tiên quyết là phải mở lại chợ truyền thống. Vậy bộ làm thế nào để tổ chức hệ thống phân phối hiệu quả?
- Bộ Công Thương đã chủ động liên hệ với một số sở Công thương phía Bắc để sẵn sàng kết nối, tìm nguồn cung ứng các mặt hàng rau củ quả để điều chuyển, cung cấp cho thị trường TP.HCM, các tỉnh phía Nam qua đường máy bay trong trường hợp cần thiết.
Bộ cũng cung cấp danh sách nhà cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn cả nước để kết nối cung cầu.
Bộ cũng đã lập Tổ công tác tiền phương, cử cán bộ trực tiếp vào hỗ trợ miền Nam. Ngay trong ngày hôm nay (18-7), hai bộ trưởng Công thương và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã trực tiếp họp với các tỉnh phía Nam để thống nhất các biện pháp triển khai, tập trung công tác điều tiết cung cầu, tổ chức phân phối, điều động lực lượng hỗ trợ, tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường, giá cả...
Việc mở cửa lại một số chợ truyền thống, sẽ giúp tăng số lượng các điểm bán hàng thiết yếu là cần thiết để góp phần tăng nguồn cung hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của người dân. Tuy vậy, đặc điểm các chợ dân sinh/chợ truyền thống chủ yếu phục vụ người dân khu vực lân cận.
Do đó, bên cạnh việc mở lại các chợ truyền thống, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đa dạng hóa các kênh cung ứng (bán hàng online, điểm bán lưu động, siêu thị…), đặc biệt cần chú trọng bảo đảm lưu thông thông suốt, tạo "luồng xanh" cho vận chuyển lưu thông hàng hóa thiết yếu.
TTO - Trong mọi tình huống hai ngành công thương và nông nghiệp chịu trách nhiệm trước Đảng, nhân dân là không để đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là lương thực thực phẩm, rau củ quả, hàng tươi sống, thuốc men.
Xem thêm: mth.47472626181701202-teiht-nac-ihk-yab-yam-gnab-man-neim-av-mch-pt-oav-auq-uc-uar-aud/nv.ertiout