Doanh nghiệp tại miền Trung triển khai phương án ‘3 tại chỗ’
Nhân Tâm
(KTSG Online) - Trước tình hình dịch bệnh bùng phát trở lại những ngày gần đây tại miền Trung, bao gồm có ca nhiễm trong các khu công nghiệp, một vài địa phương đã thực hiện phương pháp “3 tại chỗ” tại các nhà máy trong khu công nghiệp để tránh tình hình trở nên nghiêm trọng.
Xét nghiệm tại các nhà máy tại các khu công nghiệp tại Đà Nẵng. Ảnh: Hoàng Khánh Hưng |
Theo đó. trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp tại khu kinh tế (KKT) Dung Quất và các khu công nghiệp (KCN) Quảng Ngãi đã triển khai phương án “3 tại chỗ” - sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ và ở tại chỗ, cho hàng ngàn lao động tại doanh nghiệp mình.
Cụ thể, có 32 doanh nghiệp đã hoàn thiện phương án và sẵn sàng cho việc tổ chức làm việc tập trung tại nhà máy với số lượng dự kiến 19.400 lao động.
Trong đó, có 8 doanh nghiệp đã triển khai phương án “3 tại chỗ” cho 3.700 người lao động gồm Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất, Công ty cổ phần Vinaconex Dung Quất, Công ty TNHH MTV công nghiệp tàu Thủy Dung Quất, Công ty cổ phần Bia Sài Gòn Quảng Ngãi, Chi nhánh Công ty TNHH Trâm Nam, Công ty dịch vụ dầu khí Quảng Ngãi (PTSC) và Công ty cảng quốc tế Gemadept Dung Quất.
Theo ông Ngô Văn Trọng, Trưởng Ban quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi, trước tình hình dịch bệnh bùng phát tại các KCN trong nước, nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời những ca dương tính với SARS- CoV-2 nếu có trong các nhà máy, xí nghiệp, Ban quản lý đã yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn KKT Dung Quất và 3 KCN VSIP, Quảng Phú, Tịnh Phong tổ chức xét nghiệm Covid-19 đối với lao động tại doanh nghiệp.
“Các doanh nghiệp khi giữ công nhân ở lại để duy trì sản xuất phải được rà soát, kiểm tra, đánh giá bảo đảm điều kiện an toàn phòng chống dịch Covid-19 và được hướng dẫn đầy đủ các quy định, biện pháp bảo đảm an toàn trong điều kiện vừa sản xuất, vừa phòng chống dịch”, ông Trọng nói. “Doanh nghiệp chỉ sử dụng công nhân, người lao động đã được cơ quan y tế, chính quyền địa phương xác nhận đã được kiểm soát nguy cơ lây nhiễm dịch. Bố trí nơi lưu trú hoặc ký túc xá riêng biệt và thực hiện xét nghiệm định kỳ cho công nhân và người lao động”.
Tại miền Trung, ngoài Quảng Ngãi, các địa phương như Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế đều có nhiều KCN, KKT và khu công nghệ cao. Hiện nay, tuy rằng tình hình dịch Covid-19 không nghiêm trọng bằng TPHCM và các tỉnh phía Nam, nhưng tại các KCN này cũng đã có nhiều ca nhiễm.
Đà Nẵng là nơi đang có nhiều ca nhiễm, vì vậy, thành phố đã áp dụng biện pháp “3 tại chỗ”.
Công ty Murata Đà Nẵng (Công ty TNHH Điện tử Việt Hoa) - nơi đang có gần 100 ca nhiễm Covid-19 - Ban quản lý đã có văn bản yêu cầu công ty khẩn trương thực hiện nội dung 3 tại chỗ tại doanh nghiệp.
Công ty TNHH Daiwa Việt Nam tại khu công nghiệp Hòa Khánh chuyên sản xuất dụng cụ thể thao xuất khẩu với hơn 3.700 công nhân. Các đợt dịch bùng phát, hàng hóa không xuất khẩu được nên một số lượng lớn hàng ứ đọng. Tuy nhiên, công ty vẫn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo an toàn phòng dịch, việc làm cho người lao động. Ông Nguyễn Văn Phu, Giám đốc Công ty TNHH Daiwa Việt Nam, cho biết ngay khi xuất hiện ca mắc Covid-19 trong khu công nghiệp, đơn vị đã kích hoạt phương án sản xuất kinh doanh “3 tại chỗ”.
Nhiều doanh nghiệp tại các khu công nghiệp miền Trung đang tổ chức "3 tại chỗ" để vừa đảm bảo an toàn vừa sản xuất. Ảnh: Hoàng Khánh Hưng |
Theo đó, các hoạt động đều theo quy trình khép kín, người lao động ở phân xưởng nào sẽ ăn, ở, làm việc tại phân xưởng đó. Công ty đã liên hệ với các nơi cung ứng lương thực thực phẩm, đồ dùng, thiết bị cá nhân, nếu cần sẽ có đơn vị cung cấp tận nơi. Công ty chia thời gian ăn, nghỉ của công nhân ra nhiều đợt để giãn cách. Khu vực bàn ăn đều có các tấm chắn, ngăn cách tiếp xúc gần...
Đà Nẵng hiện có gần 500 doanh nghiệp với hơn 77.000 công nhân làm việc tại các khu công nghiệp. Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, cho biết, khi thực hiện “3 tại chỗ”, doanh nghiệp phải đảm bảo điều kiện sinh hoạt, nhu cầu thiết yếu cho người lao động và bảo đảm hoạt động của doanh nghiệp.
Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Đà Nẵng Sunshine (UACV) tại khu công nghệ cao Đà Nẵng xuất hiện một ca dương tính với SARS-CoV-2. Công ty đã nhanh chóng áp dụng các biện pháp phòng dịch, thực hiện xét nghiệm cho toàn bộ gần 700 lao động, thực hiện phun khử toàn bộ nhà máy.
Sau khi xét nghiệm, đánh giá nguy cơ lây nhiễm, hơn 100 F1 của ca COVID-19 tại công ty, trong đó 61 người được đưa đến các khu cách ly tập trung và 50 người khác ít nguy cơ hơn được công ty áp dụng mô hình “3 tại chỗ” (ăn, ở, sản xuất tại chỗ). Nhóm công nhân này khi vào nhà máy sản xuất cũng sẽ có lối đi riêng và khu vực làm việc riêng để đảm bảo không ảnh hưởng đến những nhân viên, người lao động khác. Hơn nữa, khu vực “cắm trại” của người lao động được phun khử khuẩn thường xuyên.
Tại Quảng Nam, Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Chu Lai (Cizidco) có văn bản gửi các doanh nghiệp tại khu công nghiệp Bắc Chu Lai, khu công nghiệp Tam Thăng (tỉnh Quảng Nam) thông báo về việc hỗ trợ chuyên gia, người lao động ở lại tại khách sạn Ven sông Bàn Thạch để đi làm việc.
Cizidco sẽ tiếp nhận và hỗ trợ chỗ ở tại khách sạn Ven sông Bàn Thạch cho chuyên gia, người lao động của các doanh nghiệp trong 2 khu công nghiệp trên. Cụ thể đối với chuyên gia, giá phòng sẽ được giảm 30%, đối với người lao động được giảm 70%.
UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn Đà Nẵng có sử dụng chuyên gia, công nhân thường trú ở tỉnh Quảng Nam thì tạo điều kiện cho họ ở lại tại đơn vị mình hoặc thuê các cơ sở lưu trú để ở lại Đà Nẵng cho đến khi tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn được kiểm soát tốt. |
Xem thêm: lmth.-ohc-iat-3-na-gnouhp-iahk-neirt-gnurt-neim-iat-peihgn-hnaod/984813/nv.semitnogiaseht.www