Dựa trên nhiều nghiên cứu và nhận định của các chuyên gia kinh tế, địa chính trị, Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco Research) đã đưa ra một số xu hướng đầu tư chính, được dự báo sẽ hình thành và đẩy mạnh hậu đại dịch.
Đầu tiên phải kể tới xu thế đẩy mạnh đầu tư công về cơ sở hạ tầng – logistics. Các quốc gia đang và sẽ đẩy mạnh đầu tư công vào cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng và hiện đại hóa logistics. Điều này để đẩy mạnh khôi phục tăng trưởng kinh tế do tác động của đại dịch. Chuỗi cung ứng trong thời kỳ đại dịch đã lộ rõ những yếu kém khi cung ứng hàng hóa bị gián đoạn, không kịp thời và phụ thuộc nhiều vào các trung tâm sản xuất và các thị trường lớn. Đây là vấn đề cấp bách cần có sự thay đổi để thông suốt chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhóm ngành hưởng lợi từ xu thế này là: Xây dựng, Vật liệu xây dựng, Bất động sản và nhóm Logistics.
Thứ hai là xu thế chăm lo, bảo hiểm cho sức khỏe tiếp tục được thúc đẩy. Báo cáo của Globaldata chỉ ra ngành dược phẩm được ưu tiên đầu tư vào năm 2020. Các chỉ số MSCI về sức khỏe cũng cho thấy tỉ suất sinh lời tăng cao hơn hẳn so với chỉ số thông thường vào các tháng đầu năm 2020. Đây là cơ hội đầu tư trung và dài hạn đối với ngành bảo hiểm và ngành y tế.
Thứ ba là xu thế đầu tư vào năng lượng xanh. Theo nhiều chuyên gia, do yếu tố môi trường bị tàn phá và biến đổi khí hậu, khoảng cách xuất hiện giữa các đợt đại dịch đang dần ngắn lại. Một loạt các đợt đại dịch cúm Tây Ban Nha, cúm H1N1, cúm HongKong, Sars, Mers, Ebola đều xuất hiện vào đầu thế kỷ 20 với khoảng cách xuất hiện giảm đáng kể từ 20 – 50 năm. Dòng vốn đầu tư các quỹ ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) đã tăng hơn 4 lần trong 3 năm trở lại đây và sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới. Đây là cơ hội đầu tư vào những doanh nghiệp năng lượng tái tạo và các doanh nghiệp với các dự án thân thiện môi trường.
Thứ 4 là xu hướng thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Làn sóng toàn cầu hóa được đánh giá đã qua thời kỳ đỉnh cao với việc tình trạng bảo hộ đang gia tăng tại các quốc gia. Điều này có thể được thúc đẩy do ảnh hưởng của đại dịch. Mỗi quốc gia cần nâng cao năng lực tự cung, tự cấp; đặc biệt trong việc đảm bảo an ninh lương thực để chuẩn bị cho các sự kiện tương tự như COVID-19. Đại dịch đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng khiến các quốc gia dựa chủ yếu nhập khẩu các mặt hàng nông nghiệp bị ảnh hưởng. Nguồn cung khan hiếm đã xảy ra cục bộ tại một số quốc gia và khiến giá lương thực tăng mạnh. Đây là cơ hội đầu tư vào nông nghiệp (đặc biệt lương thực) và vật tư nông nghiệp.
Thứ năm là xu thế chuyển dịch nhà máy ra khỏi Trung Quốc. Xu thế này không còn mới mà từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã bắt đầu xuất hiện và càng được thúc đẩy sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Nhóm ngành được hưởng lợi từ xu thế này là bất động sản Khu công nghiệp, các ngành nhân công giá rẻ.
Thứ sáu là xu hướng đẩy mạnh chuyển đổi số. Đại dịch COVID – 19 đã tạo ra các xu hướng mới và chứng kiến sự phát triển vượt bậc của số hóa khi mọi thứ từ dịch vụ khách hàng trực tuyến, làm việc/học tập từ xa, dịch vụ giao hàng, mua sắm online đến việc sử dụng AI để cải thiện hoạt động. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa cũng đang trở thành xu hướng. Theo IDC dự báo vốn đầu tư trực tiếp vào chuyển đổi số sẽ tăng mạnh 15,7% CAGR giai đoạn 2017 – 2023.
Do đó, ngành công nghệ sẽ là xu thế tất yếu của tương lai. Theo Mckinsey, ít nhất 2/3 người tiêu dùng nói rằng họ đã thử loại hình mua sắm online và 13,65% trong số đó sẽ tiếp tục sử dụng mô hình này. Sự chuyển dịch sang bán hàng trực tuyến đang có xu hướng tăng cao. Tại Mỹ, mức độ thâm nhập của thương mại điện tử vào nửa đầu năm 2020 đạt 33% trên tổng doanh số bán lẻ. Nhóm ngành được hưởng lợi từ xu hướng này là công nghệ thông tin, bán lẻ, tiêu dùng – nhu yếu phẩm.
Xem thêm: odl.586139-91-divoc-uah-yk-ioht-ut-uad-gnouh-ux-6/et-hnik/nv.gnodoal