Kim Thảo "khoe" cô rất tự hào mỗi khi nói về những phần cơm do Bếp Chị Em làm - Ảnh: KIM THẢO
Bếp Chị Em là một nhóm gồm khoảng 10 phụ nữ, đang nấu hơn 1.200 phần cơm trưa hàng ngày dành cho người có hoàn cảnh khó khăn tại hàng chục khu vực trên địa bàn TP.HCM.
"Người TP.HCM hay có thói quen mời nhau ăn miếng cơm, uống ly trà, đó cũng là lý do tụi mình muốn mời các cô chú dùng những phần cơm, thay vì dùng chữ "tặng" hay "trao cơm từ thiện", MC truyền hình Bế Ngọc Kim Thảo, người đang chịu trách nhiệm điều hành nhóm, chia sẻ.
Đặt tấm lòng vào từng bữa ăn
"Không ai mong muốn phải xin cơm từ thiện ăn, nghe rất tội, nên tụi mình dùng từ "mời" để nghe thật nhẹ nhàng, để các cô chú biết rằng không ai phải đi xin ai thứ gì cả. Những mạnh thường quân thương các hoàn cảnh nên đóng góp, tụi mình có lực thì nấu, rồi mời các cô chú ăn. Lực tới đâu, mình mời tới đó", Kim Thảo chia sẻ.
Từ ngày 25-6, bếp ăn lúc ấy chỉ mới do một chị trong khu Kim Thảo sinh sống phát động, mỗi ngày với khoảng vài chục đến hơn 100 suất ăn. Những người thực hiện tự lực nấu và chi trả mọi khoản phí.
Khi Chỉ thị 16 được áp dụng, ngày càng có nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn xuất hiện. Bếp ăn nhanh chóng tăng vọt lên con số 1.200 phần ăn. Đó cũng là lúc Kim Thảo quyết định tham gia hỗ trợ.
Dần dà, cô trở thành người điều phối nhóm, tham gia mọi khâu, đồng thời đại diện kêu gọi hỗ trợ từ các mạnh thường quân. Tính đến ngày 15-7, theo thông báo trên Facebook Kim Thảo, tổng số tiền thu được lên đến hơn 742 triệu đồng.
Sắp xếp lại các nguyên liệu để chuẩn bị các bữa cơm tiếp theo - Ảnh: KIM THẢO
Những ngày bắt tay vào nấu bếp, phát cơm, cô phát hiện ra những bữa ăn của người khó khăn vô cùng bấp bênh. Họ ăn khoảng 9 - 10h sáng để "gộp" cả bữa trưa lẫn bữa sáng. Đôi khi mới 11h, không có cơm ăn, họ tìm cho mình một góc để ngủ cho quên cơn đói. Người vô gia cư luôn chừa lại một phần cơm để ăn tiếp vào chiều tối, bởi họ biết từng bữa ăn đều quý giá và hiếm hoi.
Kim Thảo "khoe" cô rất tự hào mỗi khi nói về những phần cơm do Bếp Chị Em làm. Những người phụ nữ đứng bếp đặt hết cái tâm cho từng món ăn, từ món mặn, món xào, món canh, ngay cả cơm cũng được chăm chút để chín đều, thơm ngọt.
Hương vị bữa ăn được thay đổi đa dạng theo từng ngày như ướp, rô ti, kho… và kèm thêm rau củ để đủ dinh dưỡng. Chiều tối, nhóm còn phát thêm từ 100 đến 200 phần ăn nhẹ gồm bánh mì hoặc bánh ướt.
"Càng kêu gọi, mình càng thấy trách nhiệm phải làm đầy đủ hơn chứ không phải chỉ làm cho xong. Mình cố gắng nấu thật ngon và đàng hoàng, đặt hết cái tâm vào bữa ăn cho các cô chú", Thảo nói.
Những người đứng ra nấu tại Bếp Chị Em này cũng không phải có cuộc sống đầy đủ hay giàu có để làm chuyện cộng đồng. Đó là những sư cô ở chùa, là những người lao động đang thất nghiệp hoặc bản thân họ cũng có hoàn cảnh chật vật. Mười con người đùm bọc, chia sẻ nhau nhiệm vụ, để lan toả tình thương cho nhiều người khác trong xã hội.
Bữa ăn đêm của nữ công nhân vệ sinh đường phố - Ảnh: KIM THẢO
"Khu mình là khu lao động. Trong 4 người nấu bếp chính, có cô đang ở trọ và là người giúp việc, nhưng tạm nghỉ do mùa dịch không có người nhận làm. Một chị khác bán hủ tiếu gõ cùng chồng, chịu trách nhiệm chặt thịt gà, làm cá, có khi lên cả trăm ký mỗi ngày. Hôm nọ, mình gửi hai vợ chồng hai trăm ngàn, họ lật đật mang tiền ra bệnh viện mua thuốc chữa bệnh", Kim Thảo nhớ lại.
"Mọi người hay nghĩ người có điều kiện mới giúp được người khác, nhưng ở bếp này, mấy chị em mình bảo bọc nhau thôi. Mình đang thiếu nồi cơm điện có sức chứa lớn để nấu cơm, bởi thấy các sư cô ở chùa quá vất vả rồi, tội và thương các cô lắm", Thảo chia sẻ.
"Càng gặp nhiều, càng thấy mình phải ráng nữa"
Thảo kể, có cô gái mang bầu 8 tháng, con nhỏ 5 tuổi. Suốt thời gian dài trước khi gặp nhóm Bếp Chị Em, hai mẹ con nhai mì gói khô để cầm cự qua cơn đói mỗi ngày. Ngày gặp Thảo, cô gái mặc cảm, nói trong đời mình không nghĩ đến cảnh có ngày phải đi xin cơm ăn qua bữa.
"Cô ấy từng có điều kiện khá giả. Chồng chết, gia đình cô suy sụp, phải bán nhà đi ở trọ. Bỏ mặc cảm, cô ra đường xin cơm cho con ăn", Thảo kể.
Bữa đầu, thấy chỉ có người mẹ đi xin cơm, Thảo chỉ đưa một hộp. Sau đó, tình cờ biết gia đình còn con nhỏ, Thảo mời cả hai mẹ con ăn cơm.
"Vậy nhưng tối đó, mình tiện đường tạt qua thăm nhà, mới biết hai mẹ con chỉ ăn chung một hộp lúc trưa. Hộp còn lại để dành cho bữa tối. Ngày đầu tiên người mẹ mang hộp cơm về, con cô trông thấy hai cây xúc xích thì bật khóc, nói từ hôm dịch đến giờ mới được ăn ngon vậy", nữ MC truyền hình nhớ lại.
Có ngày, Kim Thảo nhận được cuộc gọi nhờ hỗ trợ 50 phần cơm cho một con hẻm ở phường Đa Kao (Quận 1). Ở đó, có rất nhiều ông, bà cụ đã hai ngày không có cơm ăn. Có người đã ăn trưa rồi nên không dám lấy, xin nhường lại phần ăn cho hoàn cảnh khác. Có những đứa trẻ bán vé số chỉ 6 - 7 tuổi luôn miệng dạ, thưa khi được hỏi.
"Thấy những cảnh đó, nhóm mình phải gồng, phải ráng nữa", Thảo nói. Ngày Chỉ thị 16 vừa được áp dụng, bếp của Thảo phải nghỉ một ngày để xin giấy phép tiếp tục hoạt động. Đó là ngày Thảo nói đến giờ nghĩ lại cô vẫn còn thấy có lỗi, bởi cô biết có biết bao người hôm đó lại chật vật với những bữa ăn.
Do lượng phần ăn liên tục tăng, Kim Thảo nói Bếp Chị Em dự định tính toán lại chiến lược nấu nướng. Đối với những người khó khăn ở khu vực phong toả, nhóm dự định hỗ trợ lương thực tươi kèm các phần quà để họ chủ động nấu bất cứ khi nào và bất cứ món gì mình muốn. Riêng Bếp Chị Em sẽ tiếp tục hành trình nấu cơm cho người vô gia cư, người bán vé số, bị tai biến, người cao tuổi và những người không có bếp để nấu.
Cô cũng dự tính tăng lên thành 2.000 phần để mời cơm cả những lực lượng tuyến đầu như các bác sĩ tại bệnh viện dã chiến và nhiều nhóm khác.
Chiều tối, nhóm còn phát thêm từ 100 đến 200 phần ăn nhẹ gồm bánh mì hoặc bánh ướt - Ảnh: KIM THẢO
Những người phụ nữ đứng bếp đặt hết cái tâm cho từng món ăn, từ món mặn, món xào, món canh, ngay cả cơm cũng được chăm chút để chín đều, thơm ngọt - Ảnh: KIM THẢO
Nụ cười từ trong ánh mắt của người có hoàn cảnh khó khăn được nhận cơm - Ảnh: KIM THẢO
Kim Thảo trao phần cơm trưa cho người vô gia cư bằng hai tay, thể hiện sự trân trọng - Ảnh: KIM THẢO
Hạnh phúc đơn sơ chỉ từ một bữa cơm ấm lòng - Ảnh: KIM THẢO
TTO - Ngày 16-7, lãnh đạo Ban dân vận Thành ủy, Ủy ban MTTQ VN TP.HCM, Thành đoàn TP.HCM cùng chương trình Vòng tay Việt tổ chức đến thăm, động viên y bác sĩ và các lực lượng hỗ trợ tại bệnh viện dã chiến số 2, 6, 7 và 8 trên địa bàn thành phố.
Xem thêm: mth.91261806181701202-hcid-aum-auq-touv-moc-na-noc-ab-iom-me-ihc-peb/nv.ertiout