Đỉnh điểm của cơn sốt giá rau xanh, củ, quả tại TPHCM trong tuần giãn cách đầu tiên vừa qua theo Chỉ thị 16 chính là việc người tiêu dùng “tố” chuỗi bán lẻ Bách Hóa Xanh tăng giá một số hàng hóa lên hơn gấp đôi so với những chuỗi siêu thị khác.
Bản chất vấn đề: Dòng chảy hàng hóa bị đứt gãy
Phải hồi lại, Bách Hóa Xanh cho rằng do chi phí tăng cao từ phí xét nghiệm cho tài xế chở hàng, tăng ca nhân viên, chi phí thuê chỗ ăn ở cho nhân viên gần kho và cửa hàng để hạn chế đi lại trong bối cảnh giãn cách, tỷ lệ hàng tươi sống hư hao tăng cao do quá trình vận chuyển bị ùn ứ, giá bán tại nguồn cũng tăng…
Tuy nhiên, nếu xét cho kỹ thì bản chất dẫn đến sốt giá chính là do dòng chảy lưu thông hàng hóa từ các tỉnh, thành, địa phương chuyên cung ứng các loại rau xanh, củ, quả… cho thị trường lớn nhất nước TPHCM những ngày qua bị ùn ứ, có lúc đình trệ.
Cán bộ truyền thông của một chuỗi bán lẻ lớn đã liên lạc với chúng tôi cho biết, nhiều xe chở nhu yếu phẩm mà hầu hết là rau, củ quả của chuỗi này từ các tỉnh ĐBSCL về TPHCM đang bị ùn tắc hàng giờ tại Tiền Giang (đến đầu giờ chiều thì được giải tỏa) vào sáng ngày 9.7. Lý do, các tài xế buộc phải có “giấy thông hành” xét nghiệm âm tính mới được qua chốt. Nhưng năng lực xét nghiệm tại địa phương lại giới hạn.
Chính dòng chảy lưu thông hàng hóa không được thông suốt, cụ thể là các chuyến xe chở hàng vẫn bị ách tắc trong quá trình vận chuyển, cho nên các sản phẩm từ nhà vườn ở nhiều tỉnh ĐBSCL và Đông Nam bộ dù rất dồi dào nhưng khó về TPHCM.
Đơn cử, nhiều vườn rau ở Đà Lạt, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng không có thương lái thu mua do vận chuyển gặp khó khăn nên nông dân phải cày bỏ; giá thịt heo tại TPHCM tăng mạnh cho dù giá heo hơi đang giảm xuống còn khoảng 60.000 đồng/kg – mức thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây…
Nguyên nhân gây ra sự đứt gãy dòng chảy hàng hóa từ các tỉnh về TPHCM được ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM - đề cập tại cuộc họp báo ngày 16.7, chính là vì mỗi tỉnh một quy định riêng khiến hoạt động lưu thông hàng hóa của doanh nghiệp gặp khó khăn.
Ông cũng cho rằng Trung ương cần có sự thống nhất phương án hành động giữa các tỉnh, tránh việc mỗi nơi làm mỗi kiểu ảnh hưởng đến việc cung ứng hàng hóa.
Bộ ngành vào cuộc, vấn đề phần nào được giải quyết
Từ ngày 9-16.7 vừa qua TPHCM đã chứng kiến tình trạng cung ứng, phân phối nhu yếu phẩm cực kỳ căng thẳng cả tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng cho đến trên các kênh bán nhu yếu phẩm trực tuyến.
Hình ảnh phổ biến là: Người dân phải xếp hàng dài chờ đợi; nhu cầu nhất thời tăng mạnh nên các kệ hàng trống không được châm hàng kịp thời; các kênh bán nhu yếu phẩm trực tuyến của nhiều hệ thống siêu thị lớn có tỷ lệ đặt hàng thành công cực thấp…
Tình trạng này dẫn đến hệ lụy thiệt đơn thiệt kép. Nông dân trồng rau, củ, quả… không bán được hàng, người tiêu dùng tại TPHCM phải chi phí đắt đỏ hơn, còn doanh nghiệp bán lẻ và vận chuyển cũng phải chi phí cao hơn.
Tuy nhiên, từ ngày 17.7, sau khi Bộ GTVT công bố thiết lập “luồng xanh” đường bộ và đường thủy để lưu thông hàng hóa về TPHCM, quá trình vận chuyển đã được mở nút thắt phần nào giúp cho hàng hóa về các siêu thị dồi dào hơn, giá cả cũng dần hạ nhiệt ngay cả tại một số chợ.
Việc đặt mua nhu yếu phẩm qua kênh online tại một số hệ thống siêu thị lớn như Co.opMart, Aeon… đã bớt khó khăn hơn những ngày trước đó.
Xem thêm: odl.507139-aoh-gnah-gnoht-uul-yahc-gnod-yag-tud-ar-yax-ihk-pek-teiht-nod-teiht/et-hnik/nv.gnodoal