Quầy thịt theo tại chợ Ngã Ba Bầu treo bảng giá niêm yết - Ảnh: BÔNG MAI
Trong thời gian này, các sạp hàng rau, thịt, cá... tại chợ Ngã Ba Bầu (quận 12, TP.HCM) được lắp vách ngăn trong suốt, nhằm hạn chế tiếp xúc giữa tiểu thương và khách hàng.
Để hạn chế trở ngại, đồng thời giúp khách hàng yên tâm mua thực phẩm, nhiều tiểu thương trong chợ này đã treo bảng giá niêm yết lên trên vách ngăn. Khách hàng chỉ cần nhìn giá, thuận mua vừa bán, không cần trả treo.
Bán rau trong chợ, tiểu thương Bùi Ngọc Cẩm Tú bày tỏ, gần đây giá rau nhập sỉ "mở mắt đã thấy tăng", nên giá bán cũng phải tăng theo. Tuy nhiên, chị Tú vẫn cố gắng bán với giá hợp lý nhất. Dù có niêm yết giá theo từng ngày, nhưng chị vẫn sẵn sàng thêm ít rau, hành... cho khách.
Dạo chợ, dù vào ngày cuối tuần (18-7), nhưng các mặt hàng rau xanh, củ, quả, trái cây, thịt, cá... khá dồi dào, đa dạng, giá cả niêm yết rõ ràng. Người dân dễ dàng mua sắm, không phải chen lấn.
Quận 12 có 10 chợ, nhưng hiện chỉ còn 3 chợ đủ điều kiện hoạt động trong bối cảnh dịch. Ông Nguyễn Văn Đức, quyền chủ tịch UBND quận 12, cho biết thời gian qua đã kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi tăng giá.
"Đến nay việc kiểm soát giá cả và tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu cho bà con đã đảm bảo ổn định", ông Đức khẳng định.
Tại chợ Bình Thới (quận 11), chị Lê Thị Nga (tiểu thương bán trái cây) chia sẻ, nguồn sống của gia đình phụ thuộc vào sạp hàng bán tại chợ. Do đó, dù nghe xuất hiện tình trạng đẩy giá ở một số nơi, nhưng chị Nga vẫn kiên quyết: "Không bán mắc. Bán đúng giá lời ít lắm, nhưng làm có tâm xíu, đang mùa dịch bán mắc không tốt".
Chị Lê Thị Nga (tiểu thương bán trái cây tại chợ Bình Thới, quận 11) chia sẻ, dù tình hình dịch phức tạp nhưng vẫn nỗ lực buôn bán, không bán mắc - Ảnh: BÔNG MAI
Để hoạt động, các tiểu thương ở chợ phải thực hiện xét nghiệm COVID-19, chích vắc xin đầy đủ.
TP.HCM có 237 chợ đầu mối và chợ truyền thống, chịu sức ép của dịch COVID-19, cùng với việc áp dụng chỉ thị 16, TP đã phải tạm dừng hoạt động 191 chợ (tính đến 17-7).
Với khoảng 10 triệu dân, việc tạm đóng nhiều chợ truyền thống đã gây áp lực không nhỏ đến thị trường. Theo Sở Công thương TP.HCM, dự kiến tuần sau sẽ mở các điểm bán mặt hàng tươi sống tại một số chợ đủ điều kiện, đồng thời triển khai mô hình bán trực tuyến.
Theo ghi nhận, ngay từ 6h sáng hôm nay 18-7, nhiều người dân vẫn phải đứng xếp hàng tại các cửa hàng Bách Hóa Xanh, Satrafoods, siêu thị Co.opmart... để được vào mua thực phẩm.
Hình ảnh mua thực phẩm một số nơi ở TP.HCM ngày 18-7:
Tại chợ Ngã Ba Bầu (quận 12), khách mua hàng và người bán cách nhau qua vách ngăn - Ảnh: BÔNG MAI
Tiểu thương chợ Ngã Ba Bầu (quận 12) treo bảng giá, giúp khách hàng thuận tiện mua hàng - Ảnh: BÔNG MAI
Các mặt hàng rau xanh khá dồi dào, tiểu thương tại chợ truyền thống đeo khẩu trang, ngồi bán trong vách ngăn để phòng chống dịch COVID-19 - Ảnh: BÔNG MAI
Cô Trương Thị Sậu (69 tuổi, phải) khai báo thông tin để được nhận thẻ ra vào chợ có in mã QR, nhằm thuận tiện truy vết - Ảnh: BÔNG MAI
Nhân viên bảo vệ chợ Bình Thới (quận 11) quét mã QR trước khi khách vào chợ - Ảnh: BÔNG MAI
Người dân xếp hàng mua trứng với giá bình ổn 80.000 đồng/vỉ 30 quả, tại một điểm bán ở quận Gò Vấp - Ảnh: BÔNG MAI
TTO - Sáng 18-7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đi kiểm tra 3 chợ truyền thống trong thành phố là Bình Thới (Q.11), Hạnh Thông Tây (Q.Gò Vấp) và Ngã Ba Bầu (Q.12).