Nguồn án lệ dựa trên bản án dân sự phúc thẩm số 48/2010 ngày 29-7-2010 của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng. Đây là vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế và chia tài sản chung tại tỉnh Kon Tum giữa nguyên đơn là chị Trần Thị Trọng P1 với bị đơn là anh Trần Trọng P2 và anh Trần Trọng P3.
Khởi kiện yêu cầu chia thừa kế
Theo nguyên đơn, năm 1969, ông Trần Thế T1 chung sống với bà Tô Thị T2 sinh được hai người con là Trần Trọng P2 và Trần Trọng P3. Do mâu thuẫn vợ chồng nên bà T2 đã bỏ đi và kết hôn với người khác. Năm 1985, ông T1 chung sống với bà Trần Thị S. có con chung là chị P1.
Hình minh họa
Năm 1987, UBND thị xã K cấp cho ông T1 diện tích 8.500 m2 đất. Sau đó, ông T1 và bà S. đã làm nhà ở trên phần đất này. Năm 2003, ông T1 chết không để lại di chúc, toàn bộ tài sản do anh P2 và anh P3 quản lý, sử dụng.
Ngày 8-10-2004, chị P1 khởi kiện yêu cầu chia thừa kế đối với di sản của ông T1. Bà S. cũng có đơn yêu cầu chia tài sản chung giữa bà và ông T1, và chia di sản thừa kế của ông T1 cho bà, chị P1, anh P2, anh P3 đối với diện tích đất còn lại.
Bị đơn là anh P2 và anh P3 cho rằng tài sản trên là do ông T1 và hai anh tạo lập, bà S. không có công sức gì nên không đồng ý chia cho bà. Anh P2 và anh P3 yêu cầu trưng cầu giám định ADN để xác định hàng thừa kế.
Bà T2 (người liên quan) trình bày bà và ông T1 kết hôn năm 1969 (có giấy đăng ký nhưng bị mất), có hai con chung là anh P2 và anh P3. Năm 1982, bà bỏ vào Vũng Tàu sinh sống với người đàn ông khác và có ba con chung. Nếu được hưởng thừa kế của ông T1 thì phần của bà được chia sẻ cho anh P2, anh P3.
Hôn nhân thực tế đã chấm dứt
Ngày 29-10-2009, TAND tỉnh Kon Tum xử sơ thẩm đã tuyên chấp nhận đơn khởi kiện chia thừa kế của chị P1, đơn xin chia tài sản chung và chia di sản thừa kế của bà S. Tòa chia tài sản chung cho bà S. và chia thừa kế cho chị P1, bà S., anh P2, anh P3.
Sau đó, anh P2, anh P3 và bà T2 kháng cáo đề nghị bác yêu cầu của nguyên đơn.
Xử phúc thẩm, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng nhận định bà T2 chung sống với ông T1 không đăng ký kết hôn. Đến năm 1982, bà T2 đã bỏ vào Vũng Tàu lấy người khác, có con chung từ đó đến nay. Quan hệ hôn nhân thực tế giữa ông T1 với bà T2 đã chấm dứt từ lâu nên không còn nghĩa vụ gì với nhau. Vì vậy, bà T2 không được hưởng di sản của ông T1 để lại như án sơ thẩm xử là đúng.
Năm 1985, ông T1 sống chung với bà S. cho đến khi ông chết, có một con chung, có tài sản chung hợp pháp. Án sơ thẩm công nhận là hôn nhân thực tế nên được chia tài sản chung và được hưởng di sản thừa kế của ông T1 là có căn cứ.
Về yêu cầu đề nghị giám định ADN để xác định chị P1 có phải con ông T1 không, vấn đề này đã được trưng cầu giám định nhưng không giám định được. Tuy nhiên, trước đây, các anh P2 và P3, bà T2 cũng đã có lời khai thừa nhận chị P1 là con ruột của ông, phù hợp với lời khai của chị P1, bà S. và các chứng cứ khác như giấy khai sinh, lời khai các nhân chứng. Vì vậy, án sơ thẩm chấp nhận chị P1 được hưởng thừa kế di sản của ông T1 là có căn cứ.
Tuy nhiên, cấp sơ thẩm không tiến hành đo đạc lại để xác định chính xác diện tích thực tế của lô đất đang tranh chấp mà dựa vào lời khai để cắt chia là chưa đảm bảo tính chính xác, sẽ dễ dẫn đến khó khăn, ách tắc khi thi hành án. Đồng thời, cấp sơ thẩm cũng chưa yêu cầu anh P2 đến lô đất tranh chấp để đo đạc... Những vấn đề này cấp phúc thẩm không thể khắc phục.
Vì vậy, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho TAND tỉnh Kon Tum để giải quyết lại theo thủ tục chung.
Nội dung án lệ Bà Tô Thị T2 chung sống với ông T1 không đăng ký kết hôn. Đến năm 1982, bà T2 đã bỏ vào Vũng Tàu lấy người khác, có con chung từ đó đến nay. Như vậy, quan hệ hôn nhân thực tế giữa ông T1 với bà T2 đã chấm dứt từ lâu nên không còn nghĩa vụ gì với nhau, do đó bà T2 không được hưởng di sản của ông T1 để lại. Sau khi bà T2 không còn sống chung với ông T1 thì năm 1985, ông T1 sống chung với bà S. cho đến khi ông chết, có một con chung, có tài sản chung hợp pháp. Án sơ thẩm công nhận là hôn nhân thực tế nên được chia tài sản chung và được hưởng di sản thừa kế của ông T1 là có căn cứ. |