Theo kế hoạch hiện tại, đội tuyển có vẻ thuận lợi nhưng các CLB thì lại lâm vào cảnh dở khóc dở cười, nhất là tiền lương, kinh phí, hợp đồng, lót tay, tài trợ trả cho cầu thủ của một mùa bóng phải kéo dài ngoài dự tính, trong đó có quãng dài chỉ tập chay không thi đấu.
Hai năm qua, do tình hình dịch bệnh, V-League nhiều lúc chỉ “đứng hình” ở những quãng thời gian ngắn nhưng nhiều CLB đã gặp khó vì kéo dài việc trả lương, nhất là quỹ lương cho ngoại binh lên rất lớn. Lần này thì CLB nào cũng than trời do V-League đã dừng sớm từ ngày 2-5 và lẽ ra bóng lăn lại vào đầu tháng 7 nhưng nay thì kéo đến tận tháng 2-2022 bóng mới lăn trở lại.
10 tháng bóng không lăn thì cầu thủ làm gì?
Bóng không lăn thì CLB làm gì để nhận tiền của các đối tác, khi chủ yếu kinh phí có được từ thi đấu mà ra. Quả là bài toán hết sức khó khăn trong việc lo lương bổng và duy trì phong độ của hầu hết cầu thủ các đội. Chưa kể là có nhiều hợp đồng với cầu thủ chỉ ký đến hết mùa giải, theo lịch cũ là đến đầu tháng 8-2021.
Chính vì nghỉ quá lâu mà bóng đá Malaysia, Indonesia... nhiều CLB bị khủng hoảng tài chính, kiện tụng và cả phá sản. Nhiều cầu thủ than bóng không lăn thì họ chỉ nhận mức lương hạn chế, bởi hợp đồng chú trọng vào yếu tố bóng lăn, có thi đấu.
Chưa thấy VFF hay VPF đưa ra những phương án tích cực trong việc hỗ trợ các CLB mà chỉ thấy các CLB giãy nảy lên sau quyết định của VPF về việc hoãn giải đến năm 2022, tức sau khi đội tuyển làm nghĩa vụ xong ở vòng loại thứ ba World Cup khu vực châu Á. VFF và VPF không phải trả lương và cũng không phải lo ăn từng bữa cho cầu thủ nên không thể hiểu được nỗi lo của 10 tháng bóng không lăn mà vẫn phải tập duy trì và trả lương.
Vẫn biết là vì khó khăn chung bởi dịch bệnh và vì đội tuyển vào vòng loại thứ ba nên tất cả phải thay đổi xoành xoạch nhưng kiểu gì thì cũng có thể ngồi lại bàn bạc hỗ trợ và tôn trọng các CLB được mà.