Phát biểu tại buổi họp báo kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT, ngày 8-7, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết TP dự định tổ chức kỳ thi vào cuối tháng 7. Tuy nhiên, hiện nay dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khó có thể triển khai.
Sở GD&ĐT cũng đã xây dựng các phương án như thi tuyển hoặc xét tuyển, hoặc kết hợp cả hai phương thức thi tuyển và xét tuyển. Đó cũng là một giải pháp trong điều kiện chúng ta không thể thi tuyển một cách bình thường như các năm.
Phương án phù hợp
Nhiều nhà giáo đề nghị TP.HCM tính đến phương án thi tuyển kết hợp với xét tuyển trong bối cảnh hiện nay.
Ông Trần Mậu Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn, quận 1, chia sẻ trong tình hình hiện nay, phương án trên là cần thiết. Bởi nếu chỉ xét tuyển sẽ không công bằng, cũng gặp khó khăn đối với những trường có chất lượng cao, trường chuyên.
Theo ông Minh, đối với những trường chuyên hoặc trường có lớp chuyên phải tổ chức thi tuyển. Học sinh (HS) đăng ký vào trường thường sẽ xét tuyển theo địa phương. Như vậy sẽ giảm được số lượng thí sinh, công tác tổ chức vừa thi vừa chống dịch sẽ đỡ vất vả hơn.
Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, bày tỏ: “Dựa trên tình hình thực tế của TP.HCM, việc thi tuyển là phương án tối ưu nhất. Tuy nhiên, trong điều kiện bất khả kháng, rõ ràng sở nên xem xét phương án xét tuyển kết hợp với thi tuyển. Tốt nhất là tổ chức thi tuyển với HS có nhu cầu thi vào trường chuyên, trường có lớp chuyên, trường có tỉ lệ chọi cao. Còn việc xét tuyển sẽ thực hiện với những HS còn lại”.
Ông Phạm Phương Bình, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP Thủ Đức, cho hay phương án kết hợp giữa thi tuyển với xét tuyển là phù hợp với tình hình chung. Bởi nó giải tỏa được áp lực lên HS và phụ huynh vì các em đã kết thúc năm học trong thời gian khá dài nên việc duy trì động lực học tập, kế hoạch ôn tập sẽ khó đạt chất lượng và hiệu quả. Thứ hai, từ đây đến hết tháng 8 khó xác định được tình hình dịch bệnh nên sẽ rất khó đưa ra phương án an toàn, xây dựng kế hoạch và thời gian tổ chức, chưa kể đến công tác chấm thi, xét duyệt kết quả và triển khai thủ tục nhận hồ sơ cho HS. Hơn nữa, TP tập trung mọi nguồn lực, ưu tiên kinh phí cho công tác phòng chống dịch, tiêm vaccine và hỗ trợ người lao động khó khăn. Như vậy việc xét tuyển trong bối cảnh hiện nay với một số khu vực là khả thi, vừa phù hợp với tình hình vừa đảm bảo an toàn cho HS, phụ huynh và giáo viên làm công tác thi.
Cách thức thực hiện
Đề cập đến vấn đề này, ông Trần Mậu Minh cho biết số lượng đăng ký thi vào trường chuyên, trường có lớp chuyên không nhiều. Do đó, nếu tổ chức thi cho đối tượng này sẽ giảm được số lượng thí sinh. Bên cạnh đó, công tác tổ chức vừa thi vừa chống dịch cũng đỡ vất vả hơn.
Trong khi đó, việc xét tuyển có thể thực hiện theo địa bàn. Hiện nay, để cho HS đăng ký lại sẽ rất khó do điều kiện dịch bệnh. Vì thế, có thể dựa vào ba nguyện vọng (NV) của các em để thực hiện.
“Những em không thi sẽ xét tuyển NV1 theo địa bàn. Nếu NV1 không đạt theo tiêu chuẩn, dựa vào học bạ và kết quả năm học sẽ xem xét NV2…” - ông Minh nói thêm.
Trong khi đó, ông Phạm Phương Bình cho biết phương án kết hợp trên có thể xây dựng hai kịch bản.
Thứ nhất, xét tuyển toàn TP với lớp 10 hệ công lập lớp thường, chỉ thi tuyển lớp chuyên (trường chuyên, trường thường có lớp chuyên). Phương án này sẽ tạo được sự chủ động trong tuyển sinh.
Thầy Võ Kim Bảo, giáo viên Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, dạy online ôn tập cho học sinh lớp 9. Ảnh: NVCC
Phương án 2, tổ chức thi tuyển hệ chuyên và một số quận, huyện, còn xét tuyển tại một số quận, huyện. Phương án này sẽ giải quyết được câu trả lời về tiêu chí xét tuyển, nhất là một số quận, huyện có số lượng HS lớn hơn gấp nhiều lần chỉ tiêu tuyển sinh. Tuy nhiên sẽ khó khăn là số lượng hội đồng thi sẽ nhiều hơn, số thí sinh sẽ đông hơn và nguy cơ an toàn phòng chống dịch sẽ cao hơn. Công tác chấm thi, công bố kết quả có thể sẽ dẫn đến ảnh hưởng kế hoạch chuẩn bị cho năm học mới của các trường.
Liên quan đến việc xét tuyển, ông Ngai góp ý: “Thi tuyển cho trường chuyên đã có quy chế nên sẽ đảm bảo sự công bằng. Tuy nhiên, việc xét tuyển cũng cần các tiêu chí cụ thể, rõ ràng. Cố gắng hạn chế chỗ hở để người ta lợi dụng sinh ra tiêu cực hoặc người dân khiếu nại sau khi có kết quả xét tuyển. Cái khó của xét tuyển là phải có quy chế xét tuyển rõ ràng, tránh tiêu cực để hạn chế khiếu nại, tiêu cực sau đó. Trong tình hình hiện nay, phương án nào cũng có cái được và chưa được. Tuy nhiên, điều quan trọng là phương án nào khả thi nhất”.
Năm nay tổng số thí sinh dự thi vào lớp 10 tại TP.HCM là 83.324. Trong đó, thí sinh đăng ký vào lớp 10 thường là 75.854, lớp 10 chuyên là 6.485, tích hợp là 985. Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 dự kiến diễn ra vào ngày 2 và 3-6. Thí sinh sẽ dự thi ba môn văn, toán, ngoại ngữ. Tuy nhiên, do diễn biến dịch bệnh phức tạp nên kỳ thi bị hoãn, chưa biết đến bao giờ mới tổ chức. |