vĐồng tin tức tài chính 365

Đi lại 19 tỉnh thành phía Nam: Bỏ 'giấy thông hành' nhưng sợ... thông lệ

2021-07-19 10:35
Đi lại 19 tỉnh thành phía Nam: Bỏ giấy thông hành nhưng sợ... thông lệ - Ảnh 1.

Chốt kiểm soát dịch COVID-19 tại cửa ngõ vào TP Long Xuyên (An Giang) kiểm tra giấy tờ tài xế vận chuyển hàng hóa vào tỉnh - Ảnh: BỬU ĐẤU

Dù sáng 18-7, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã thống nhất lưu thông hàng hóa trong 19 tỉnh thực hiện chỉ thị 16 không cần giấy xét nghiệm âm tính nhưng ghi nhận của Tuổi Trẻ, tình hình vẫn cơ bản như cũ.

Vẫn "căng" tại chốt kiểm soát

Tại ĐBSCL, có những tỉnh thành đã áp dụng chỉ thị 16 từ khoảng 1 tuần đến 10 ngày qua, nhưng đa phần sẽ áp dụng chỉ thị 16 từ 0h ngày 19-7. Trước "giờ G", việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa vẫn đang được các địa phương siết chặt để phòng dịch.

Chiều tối 18-7, ghi nhận tại các cửa ngõ ra vào tỉnh Kiên Giang vẫn thông thoáng, không xảy ra tình trạng ùn tắc. Tại chốt kiểm dịch trên đường Võ Văn Kiệt đoạn nối với đường cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, cứ khoảng 5-7 phút mới có 1 xe ôtô chở hàng hóa vào làm thủ tục.

Tài xế cần trình 2 loại giấy tờ là lệnh vận chuyển của đơn vị có thẩm quyền cấp và giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính còn hiệu lực. Thời gian để qua chốt mỗi xe mất từ 3-5 phút. Những trường hợp vướng mắc hoặc thiếu giấy tờ sẽ được hướng dẫn đưa xe ra vị trí trống để nhường chỗ cho xe khác.

Tại An Giang, các cửa ngõ của tỉnh này trong ngày 18-7 vẫn thực hiện việc kiểm soát nghiêm ngặt như trước. Lãnh đạo Công an TP Long Xuyên cho biết việc lưu thông qua chốt cửa ngõ vào tỉnh tài xế chỉ cần xuất trình giấy xét nghiệm PCR âm tính COVID-19 còn hiệu lực trong 3 ngày hoặc có test nhanh âm tính trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên, tại đây kèm theo đó phải có hợp đồng mua bán, vận chuyển hàng hóa với đối tác ở An Giang.

Tại Long An, Sở GTVT đã công bố các lộ trình vận chuyển để tạo thuận lợi cho phương tiện thuộc các tỉnh, TP hoạt động quá cảnh qua địa phận tỉnh này theo một số lộ trình.

Trên các lộ trình này, khi đến các chốt kiểm soát tại cửa ngõ vào địa phận tỉnh Long An, người vận chuyển ngoài việc phải có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính còn cần có giấy vận tải (hoặc giấy vận chuyển) đủ các nội dung địa chỉ đi, đến, hành trình vận chuyển và nơi dừng nghỉ dọc đường...

Doanh nghiệp kêu khổ vì mỗi nơi mỗi kiểu

Theo ông Lê Văn Quyết - phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ, dù đã có chỉ thị của Thủ tướng cũng như Bộ GTVT về phân luồng hàng hóa nhưng nhiều địa phương vẫn có những chốt chặn làm khó người dân trong vận chuyển hàng hóa.

Đó là các quy định như cho vận chuyển gà thịt nhưng không cho vận chuyển gà con, cho vận chuyển cám nhưng không cho vận chuyển phân gà sau khi bán. "Các chốt chặn nói rằng gà con hay phân gà không phải là hàng thiết yếu thì không được vận chuyển. Nhưng nếu không dọn phân gà ra khỏi chuồng thì không thể thả lứa mới. Phải hiểu để hỗ trợ người dân thay vì làm khó như thời gian qua" - ông Quyết nói.

Ông Hồ Quốc Lực - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng) - cũng cho biết hằng ngày đơn vị của ông đều có nhiều xe container chở tôm đông lạnh lên các cảng để xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu.

Ông Lực cho hay không ngại quy định nhưng cái khó hiện nay là dọc đường đi bị nhiều chốt kiểm tra, mỗi nơi cứ làm một cách. Ông Lực kiến nghị nên sớm văn bản hóa bộ quy tắc, áp dụng chung cho các tỉnh và công khai để mọi người biết.

Đồng tình, anh Nguyễn Văn Khải (TP Sóc Trăng) cho biết vận chuyển hàng hóa từ tỉnh đi TP.HCM và ngược lại gặp rất nhiều khó khăn, thay đổi quy định liên tục, liên quan nhiều thứ chứ không chỉ giấy xét nghiệm âm tính.

Doanh nghiệp của anh Khải có 6 tài xế xe container. Anh kể hôm 18-7, 1 tài xế xe container của anh từ TP.HCM chở hàng hóa thiết yếu về Sóc Trăng. Theo quy định, tài xế này khai báo y tế, đậu xe ngoài trung tâm để trung chuyển hàng hóa vào nội ô. Anh Khải xin cho tài xế ở trên xe, chờ nhận hàng rồi quay đầu đi TP.HCM, nhưng không được.

"Họ yêu cầu tài xế phải xuống xe đi khai báo y tế, sau đó cách ly 21 ngày do trở về từ vùng dịch. Tôi đã giải thích tài xế không vào TP, ở trên xe, giấy xét nghiệm âm tính còn hiệu lực, nhưng vẫn không được" - anh Khải bức xúc.

Trong khi đó, đại diện Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp cho biết địa phương áp dụng chỉ thị 16 trên toàn tỉnh từ ngày 14-7. Tuy nhiên, địa phương chỉ yêu cầu tài xế, phụ xe từ TP.HCM đi qua khu vực để vận tải hàng hóa khai báo y tế, có giấy xét nghiệm âm tính COVID-19, hành trình rõ ràng và không áp dụng cách ly.

Đi lại 19 tỉnh thành phía Nam: Bỏ giấy thông hành nhưng sợ... thông lệ - Ảnh 2.

Chốt kiểm soát trạm thu phí chợ Đệm (cao tốc TP.HCM - Trung Lương) kiểm tra giấy tờ tùy thân và giấy xét nghiệm âm tính của lái xe mới được vào TP.HCM sáng 18-7 - Ảnh: TỰ TRUNG

Gỡ khó thế nào?

Tại An Giang, UBND tỉnh này đã ban hành kế hoạch tổ chức thu hoạch và tiêu thụ nông sản. Theo đó, yêu cầu các địa phương chủ động rà soát, thống kê sản lượng nông sản trên địa bàn, nhu cầu kết nối tiêu thụ, giá cả... báo cáo về Sở NN&PTNT, Sở Công thương trước thời gian dự kiến thu hoạch ít nhất 10 ngày để phối hợp, hỗ trợ kết nối tiêu thụ.

Về vận chuyển nông sản và hàng hóa, Sở GTVT An Giang có văn bản đề nghị các tỉnh thành tạo điều kiện cho người, phương tiện vận chuyển nông sản của tỉnh đi qua địa bàn, đến nơi tiêu thụ.

Ông Trần Văn Lâu - chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - cũng cho biết thực hiện chỉ thị 16, tỉnh siết chặt quản lý nhưng phải đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa. Ông Lâu nói đã chỉ đạo Sở GTVT đảm bảo lưu thông của các phương tiện vận chuyển lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, nguyên vật liệu sản xuất, xe đưa đón công nhân...

Ông Nguyễn Thanh Trong - trưởng Ban quản lý khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng - cho biết đây là thời điểm "làm ăn" của các nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản. Lượng hàng hóa chuyển đến các cảng ở TP.HCM mỗi ngày rất lớn, cần đảm bảo thời gian giao hàng theo hợp đồng xuất khẩu.

Ngoài ra, còn một lượng lớn xe vận chuyển hàng hóa, trái cây về TP.HCM và ngược lại. Tuy nhiên, việc lập nhiều chốt kiểm soát, mỗi nơi làm mỗi kiểu đã gây khó cho ngành vận tải. Ông Trong đề nghị những xe chở hàng thiết yếu, cần gắn logo của địa phương để các chốt kiểm dịch dễ dàng nhận biết và kiểm tra.

Tại Cần Thơ, ông Lê Tiến Dũng - giám đốc Sở GTVT TP - cho biết phương tiện chở hàng hóa đi theo luồng xanh quốc gia khi đến các chốt sẽ được ưu tiên kiểm tra trước. Còn hàng hóa từ TP Cần Thơ đi TP.HCM, sở sẽ sớm công bố lộ trình luồng xanh nội tỉnh.

Dù lãnh đạo một số tỉnh cởi mở nhưng TS Võ Hùng Dũng - nguyên giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ - nhấn mạnh quy định hiện nay đan xen quá phức tạp, Hậu Giang khác, Cần Thơ khác, Tiền Giang khác. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 trung ương cần họp với các tỉnh miền Tây và TP.HCM, nghe thêm ý kiến của doanh nghiệp để xử lý vấn đề lưu thông, vận chuyển hàng hóa.

Một số doanh nghiệp cũng đề nghị cần sớm văn bản hóa quan điểm của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 việc lưu thông hàng hóa trong 19 tỉnh thực hiện chỉ thị 16 không cần giấy xét nghiệm âm tính để tránh biết bao nhiêu phiền hà, gian khó cho doanh nghiệp, người dân.

Đi trong nội bộ 19 tỉnh thành phía Nam không cần giấy xét nghiệm âm tính

Tại cuộc họp sáng 18-7 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 đã thống nhất giải pháp đột phá.

Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định Bộ Y tế chấp nhận kết quả xét nghiệm RT-PCR và xét nghiệm nhanh do tất cả cơ sở y tế từ cấp xã trở lên xác nhận, có hiệu lực trong 3 ngày. Bộ Y tế sẽ hướng dẫn các cơ quan y tế, Bộ GTVT để bố trí thêm các điểm xét nghiệm nhanh.

Ban chỉ đạo cũng thống nhất giao Bộ Y tế hướng dẫn việc vận tải, lưu thông hàng hóa trong nội bộ 19 tỉnh, TP phía Nam đang thực hiện chỉ thị 16 theo tinh thần: lái xe, người đi cùng không cần có giấy xét nghiệm âm tính nhưng phải khử khuẩn, không tiếp xúc người khác. Lái xe chạy giữa các địa phương cần có mã QR để đảm bảo thông suốt. (N.AN)

Cần có "nhạc trưởng", thống nhất về chủ trương

Theo đại diện Sở Công thương TP.HCM, hiện đơn vị đã làm việc với sở công thương của nhiều tỉnh thành, trong đó tập trung các tỉnh Tây Nguyên, khu vực miền Đông Nam Bộ, miền Trung, thậm chí cả miền Bắc để trong trường hợp khu vực miền Tây Nam Bộ gặp khó thì TP.HCM có nguồn cung khác thay thế kịp thời.

Tuy vậy, hiện nay việc thu mua, vận tải gặp khó khăn, đặc biệt khi nhiều tỉnh thành áp dụng chỉ thị 16 của Chính phủ. "Các cơ quan trung ương cần có chỉ đạo rõ, kịp thời, yêu cầu các địa phương thống nhất về chủ trương để áp dụng đồng đều, tránh trường hợp mỗi nơi áp dụng một kiểu gây khó khăn trong thu mua, vận tải hàng hóa, đặc biệt các khu vực cách ly, phong tỏa", đại diện Sở Công thương TP.HCM kiến nghị.

Một số doanh nghiệp tại TP.HCM cũng cho biết vài ngày qua việc lưu thông hàng hóa khó khăn hơn trước khi nhiều địa phương áp dụng chỉ thị 16. Do đó, những thị trường có mức tiêu thụ hàng lớn như TP.HCM sẽ có nguy cơ hụt thêm nguồn cung nếu các tỉnh giáp ranh như Bình Dương, Đồng Nai, Long An làm "mạnh tay".

"Các bộ, ngành trung ương cần sớm có chỉ đạo cụ thể bằng văn bản hướng dẫn cụ thể để đảm bảo thông suốt vận tải, đảm bảo nguồn cung đối với các tỉnh phía Nam", đại diện một doanh nghiệp kiến nghị. (N.TRÍ)

Hiểu sao cho đúng về ‘giấy thông hành’ đi lại ở TP.HCM?Hiểu sao cho đúng về ‘giấy thông hành’ đi lại ở TP.HCM?

TTO - Trong điều kiện đi lại hết sức hạn chế theo chỉ thị 16, nhiều người đã lầm tưởng hoặc cố ý hiểu sai mục đích của cái gọi là “giấy thông hành”. Thậm chí, có trường hợp mang giấy này khoe trên mạng xã hội như để “ra oai”.

Xem thêm: mth.26152408091701202-el-gnoht-os-gnuhn-hnah-gnoht-yaig-ob-man-aihp-hnaht-hnit-91-ial-id/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Đi lại 19 tỉnh thành phía Nam: Bỏ 'giấy thông hành' nhưng sợ... thông lệ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools