Đó từng là một bờ sông yên tĩnh, thỉnh thoảng nghe thấy âm thanh vang tới từ Vịnh gần đó. Giờ đây, nó sắp trở thành trung tâm sắc màu và âm thanh của cuộc sống, vốn sẽ sớm được lấp đầy bởi 40.000 người hâm hộ hò hét quanh trái bóng tròn. Đó là sân vận động Ras Abu Aboud của Qatar, công trình đầu tiên trong lịch sử được xây để phục vụ World Cup và tháo dỡ ngay sau đó.
Được cấu thành từ 974 thùng cấu kiện được làm từ thép tái chế, Ras Abu Aboud sẽ là nơi diễn ra 7 trận đấu cho đến vòng tứ kết của World Cup 2022. Con số 974 là mã đầu số điện thoại của Qatar. Sân vận động không chỉ thể hiện bản sắc mà còn là lời cam kết với bền vững của quốc gia giàu dầu mỏ này.
Ngay sau khi giải đấu kết thúc, sân vận động sẽ được tháo dỡ. Chúng có thể được sử dụng cho các sự kiện thể thao hoặc phi thể thao khác, không chỉ ở Qatar mà còn ở nước ngoài.
Ông Mohammed Al Atwan, giám đốc dự án sân vận động Ras Abu Aboud, nói rằng: "Sân vận động 40.000 chỗ ngồi có thể được tháo dỡ toàn bộ và vận chuyển tới một quốc gia khác. Thậm chí, bạn có thể xây dựng nó thành 2 sân vận động động với 20.000 ghế ngồi mỗi sân".
Ông Al Atwan cũng nhấn mạnh rằng sân vận động này có thể dễ dàng được tặng cho một quốc gia khác, vốn thiếu cơ sở hạ tầng thể thao. Đó cũng chính là điều khiến sân vận động này trở thành một di sản vô tận. Bên cạnh đó, Qatar cũng hy vọng sân vận động mà họ phát triển có thể được áp dụng trên khắp thế giới.
Theo một báo cáo mà FIFA công bố vào tháng 6, World Cup 2022 tạo ra tới 3,6 triệu tấn khí thải carbon, nhiều hơn 1,5 triệu tấn CO2 so với những gì mà giải đấu năm 2018 ở Nga tạo ra. Tuy nhiên, quốc gia vùng VỊnh cam kết mang đến một World Cup không khí thải thông qua việc bù đắp trước, trong và sau sự kiện.
Nước chủ nhà hứa hẹn các biện pháp xây dựng bền vững trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng cho giải đấu. Bên cạnh đó, họ cũng khuyến nghị người tham dự nỗ lực giảm lượng khí thải nhà chính mà họ tạo ra, từ đi lại, ăn ở, thực phẩm đồ uống…. Ngoài ra, quốc gia này cũng tuyên bố sẽ bù đắp mọi khí thải carbon mà giải đấu tạo ra thông qua việc xây dựng 2 nhà máy điện mặt trời lớn trong vòng 10-15 năm tới. Ngoài ra, họ cũng sẽ chủ động hỗ trợ các điều kiện bền vững và ít phát thải carbon ở Qatar và khu vực.
Khả năng tái sử dụng của sân Ras Abu Aboud là một trong số đó. "Tính bền vững và di sản luôn được đặt lên hàng đầu trong kế hoạch chuẩn bị cho World Cup của Qatar. Sau giải đấu, địa điểm này sẽ là một khu vực dành cho các quầy bán lẻ và công viên giải trí lớn", ông Mohammed Al Atwan nói.
Về độ an toàn, những thùng riêng biệt được chế tạo để vận chuyển bằng đường biển hoặc đường hàng không. Tuy nhiên, khi gắn kết với nhau, chúng sẽ tạo thành một cấu trúc chắc chắn. Cùng với đó, lượng chất thải rắn cũng giảm xuống. Chi phí và thời gian xây dựng cũng được rút ngắn.