Ngân hàng Nhà nước vừa cập nhật dữ liệu về tình hình tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tiền gửi của khách hàng tại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), tính đến tháng 4/2021.
Lấy mốc tháng 4 theo dữ liệu cập nhật gần nhất nói trên so với cùng kỳ nhiều năm trước cho thấy những khác biệt trong diễn biến tiền gửi của các tổ chức kinh tế và tiền gửi của dân cư.
Trước hết, tại tháng 4/2021, tổng quy mô tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt 4.977.830 tỷ đồng, bất ngờ có mức tăng trưởng 2,05% so với cuối năm 2020. Bất ngờ vì dữ liệu thống kê cùng kỳ từ năm 2012 đến nay cho thấy tiền gửi của các tổ chức kinh tế chủ yếu ở trạng thái tăng trưởng âm; thường chỉ có tăng trưởng dương vào nửa cuối các năm.
Với năm nay, trạng thái tăng trưởng dương tính đến tháng 4 của tiền gửi các tổ chức kinh tế có thể gắn với hiện tượng ứ đọng nguồn tiền, trong bối cảnh nền kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 (?).
Điểm đáng chú ý hơn có ở diễn biến tiền gửi của dân cư. Tính đến tháng 4/2021, quy mô tiền gửi của dân cư tại các TCTD ở mức 5.262.299 tỷ đồng, chỉ tăng 2,34% so với cuối năm 2020. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm trước trong lịch sử dữ liệu thống kê được công bố.
Theo tìm hiểu của BizLIVE, ngày 11/11/2011 Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 35 quy định việc công bố và cung cấp thông tin của Ngân hàng Nhà nước, có hiệu lực từ ngày 01/4/2012. Từ thời điểm đó, những dữ liệu trên mới bắt đầu được công bố một cách chi tiết và có hệ thống về con số tuyệt đối và mức tăng trưởng.
Chiếu theo "lịch sử" công bố và cập nhật dữ liệu đó, mức tăng trưởng tiền gửi của dân cư với 2,34% tại tháng 4/2021 là thấp nhất so với cùng kỳ những năm qua.
Cùng kỳ những năm trước, đặc biệt những năm 2013 và 2014 khi lãi suất huy động còn ở mức khá cao từ 7-9%/năm, tăng trưởng tiền gửi của dân cư cùng kỳ so sánh từng lên tới 13,55% và 9,83%. Cùng kỳ những năm sau đó đều ghi nhận các mức tăng trưởng cao với trên 7% đến trên 9%. Đến cùng kỳ tháng 4/2019 còn 5,98%. Đặc biệt cùng kỳ hai năm gần đây lần lượt xuống mức thấp 3,37% tại tháng 4/2020 và thấp nhất chỉ còn 2,34% tại tháng 4/2021.
Mức tăng trưởng thấp kỷ lục (theo kỳ so sánh trên) của tiền gửi dân cư tại tháng 4/2021 gắn với bối cảnh ảnh hưởng tiêu cực kéo dài của đại dịch Covid-19 có thể khiến thu nhập người dân suy giảm và tác động đến tăng trưởng tiền gửi; mặt khác yếu tố lãi suất huy động xuống mức thấp nhất từ trước tới nay cũng ảnh hưởng nhất định đến sức hút tiền gửi dân cư vào TCTD.
Và có một yếu tố khác có thể nhìn đến: dòng tiền trong dân cư có xu hướng ngày càng linh hoạt, năng động hơn giữa các kênh đầu tư thay vì có tính ổn định hơn khi lựa chọn gửi ngân hàng.
Một thực tế song song thể hiện rõ trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, thị trường chứng khoán bùng nổ quy mô giao dịch, với nhiều phiên duy trì tổng giá trị trên 20.000 tỷ đồng, thậm chí đạt tới khoảng 30.000 tỷ đồng…, mà đi cùng là lượng tài khoản các nhà đầu tư cá nhân mở mới liên tục gia tăng qua các tháng.
Số lượng tài khoản chứng khoán nhà đầu mở mới liên tục tăng cao
Số liệu của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy, lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 620.683 tài khoản chứng khoán, cao hơn tới 58% so với tổng số lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020 (393.659 tài khoản). Đáng chú ý, con số này thậm chí còn lớn hơn tổng tài khoản mở mới trong cả năm 2020 và năm 2019 cộng lại.
Tính tới cuối tháng 6/2021, tổng số tài khoản chứng khoán nhà đầu tư trong nước hiện đạt hơn 3,39 triệu, tương đương khoảng 3,5% dân số.
Minh Đức
Nhịp sống doanh nghiệp
Xem thêm: nhc.59223430191701202-ek-gnoht-us-hcil-gnort-paht-gnoux-uc-nad-iug-neit-gnourt-gnat/nv.zibefac