Trận lũ lụt lịch sử ở châu Âu tiếp tục càn quét khắp nhiều nước ở châu lục này, khiến nhiều vùng bị thiệt hại nặng nề với hàng trăm người thiệt mạng và mất tích.
Thủ tướng Đức: Một thảm họa "kinh hoàng"
Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 18-7 đã mô tả trận lũ lụt tàn phá các khu vực ở châu Âu là một thảm họa "kinh hoàng" khi số người chết vì trận lũ này đã tăng lên tới 188 người, theo hãng tin Reuters.
Thủ tướng Đức Angela Merkel nói chuyện với người dân trong chuyến thăm đến ngôi làng bị lũ lụt tàn phá ở bang Rhineland-Palatinate, Đức, ngày 18-7. Ảnh: REUTERS
"Thật sự kinh hoàng. Không từ nào trong tiếng Đức có thể mô tả được sự tàn phá khủng khiếp đã xảy ra" - bà Merkel nói khi tới thăm thị trấn Adenau thuộc bang Rhineland-Palatinate, một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt lũ lụt lịch sử này.
Thủ tướng Đức cam kết sẽ nhanh chóng hỗ trợ tài chính cho các vùng bị thiệt hại vì thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất tại quốc gia này trong gần sáu thập niên, khiến ít nhất 157 người thiệt mạng chỉ tính riêng tại nước Đức trong những ngày gần đây.
Bà cũng cho rằng chính phủ các nước cần phải tiến hành tốt hơn và nhanh hơn những nỗ lực giải quyết tác động của biến đổi khí hậu.
Nước lũ chảy xuống đường sau cơn mưa lớn ở Đức vào ngày 17-7. Ảnh: REUTERS
Trong khi các lực lượng cứu hộ trên khắp nước Đức vẫn đang cố gắng tìm kiếm những người mất tích, một trận lũ quét khác vào ngày 17-7 đã tàn phá khu vực Berchtesgadener, bang Bavaria, khiến ít nhất một người thiệt mạng.
Đường xá tại Berchtesgadener biến thành sông, một số phương tiện bị cuốn trôi và những vũng đất bị vùi lấp dưới lớp bùn dày. Hàng trăm nhân viên cứu hộ nỗ lực hết mình để tìm kiếm những người còn sống sót ở bang này.
"Chúng tôi chưa chuẩn bị cho những tình huống như thế này" - người đứng đầu khu vực Berchtesgadener Bernhard Kern cho hay, thêm rằng tình hình đã trở nên nghiêm trọng hơn vào cuối ngày 17-7 khiến các dịch vụ khẩn cấp có rất ít thời gian để hành động.
Tại quận Ahrweiler, phía nam thành phố Cologne, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của nước Đức, có khoảng 110 người đã thiệt mạng. Cảnh sát nhận định sẽ có thêm nhiều thi thể được tìm thấy một khi nước lũ rút đi.
Hàng hóa và đồ đạc bị đảo lộn hoàn toàn trong một cửa hàng ở Bad Neuenahr, Đức, vào ngày 16-7. Ảnh: AP
Các nước châu Âu rơi vào tình trạng báo động cao
Trận lũ lụt lịch sử ở châu Âu bắt đầu từ hôm 14-7, chủ yếu xảy ra tại các bang Rhineland Palatinate, North Rhine-Westphalia của Đức và nhiều vùng của Bỉ, Hà Lan, Thụy Sĩ. Người dân sinh sống tại các khu vực bị ảnh hưởng đã bị cắt điện hoàn toàn, thông tin liên lạc cũng bị gián đoạn.
Tại Bỉ, số người chết sau trận lũ đã lên tới 31 người. Chính quyền nước này thông báo sẽ tổ chức quốc tang vào ngày 20-7. Nhiều khu vực ở nước này cũng bắt đầu tiến hành các hoạt động dọn dẹp khi mực nước giảm dần từ hôm 18-7.
Quân đội Bỉ cũng được cử tới thị trấn phía đông Pepinster để tìm kiếm các nạn nhân còn sống sót. Rất nhiều tòa nhà tại khu vục này đã bị sập, trong khi hàng chục nghìn người rơi vào cảnh không có điện và nguồn cấp nước sạch.
Nước đọng lại ở trung tâm thị trấn Bad Muenstereifel, miền tây nước Đức, ngày 18-7. Ảnh: AP
Tại Hà Lan, các quan chức dịch vụ khẩn cấp thông báo tình hình đã phần nào ổn định ở phía nam của tỉnh Limburg, nơi hàng chục nghìn người phải sơ tán những ngày gần đây. Tuy nhiên, khu vực phía bắc tỉnh này vẫn còn trong tình trạng báo động cao.
Còn ở khu vực phía nam Limburg, chính quyền tỉnh bày tỏ sự lo ngại về mức độ an toàn của các cơ sở hạ tầng giao thông như đường sá và cầu đường.
Một xe máy xúc đang dọn dẹp các mảnh vỡ trên sông Ahr ở Đức vào ngày 18-7. Ảnh: AP
Hà Lan cho tới nay chỉ báo cáo thiệt hại về tài sản do lũ lụt gây ra mà không có thương vong hoặc người mất tích nào được ghi nhận trong thảm họa này, Reuters đưa tin.
Trong khi đó, nhiều khu vực của Thụy Sĩ vẫn đang trong tình trạng báo động lũ lụt. Tuy nhiên, mối đe dọa với một số vùng có nguy cơ cao nhất như hồ Lucerne và sông Aare đã giảm bớt.