vĐồng tin tức tài chính 365

Trẻ đường phố mùa dịch - Kỳ 4: Những đứa trẻ bất cần đời

2021-07-19 14:08
Trẻ đường phố mùa dịch - Kỳ 4: Những đứa trẻ bất cần đời - Ảnh 1.

Mỗi lần được thuyết phục giúp đỡ, Cao đều lảng tránh để sống lang thang trên phố - Ảnh: TÂM LÊ

Rời quê, các em tới thành phố để tìm giấc mơ cổ tích, nhưng thực tế không phải lúc nào cũng như mong muốn.

Bé lại muốn làm đàn anh

Những cuộc gặp gỡ không chỉ giúp chúng tôi biết khó khăn của trẻ đường phố giữa "bão" dịch, mà còn hiểu thêm phía sau mỗi số phận nhỏ bé đó lại chứa phần bí mật đáng kinh ngạc.

Người nhỏ thó, giọng nói the thé, mới 14 tuổi nhưng Nguyễn Hoàng Cao (đã đổi tên) nói chuyện với người lớn bằng giọng ngang hàng. Thái độ "không coi ai ra gì", nên đi tới đâu Cao cũng gây sự, đánh lộn, muốn làm đàn anh, trùm khu vực.

Nơi Cao thường ở là khu vực hồ Hoàn Kiếm, nhưng cậu cũng lang bạt và sành sỏi nhiều khu vực khác của Hà Nội. Ngồi với chúng tôi ở ghế đá bờ hồ, mới vài phút Cao đã thu hai chân lên ghế, lúc lại xoắn người ngồi lên bệ tựa lưng, dù người đi chung với tôi có nhiều phần làm Cao phải nể phục.

"Em làm quanh đây nhưng dịch nên nghỉ, thích thì làm không thích thì thôi" - Cao cười khẩy rồi cho biết nếu đói thì vào tổ chức giúp trẻ đường phố Rồng Xanh ở một thời gian, ở đấy được ăn chơi, được học nghề.

- Tại sao không ở Rồng Xanh luôn? - chúng tôi hỏi.

- Tại không thích bị quản lý, ra ngoài tự do hơn - Cao gãi đầu, mái tóc nhuộm vàng xác xơ.

Chốc chốc, Cao quay sang nói với cậu bạn to cao hơn: "Tao bảo thằng Dũng mà nghe lời tao thì có phải ăn đủ không?"- những lời "lãnh đạo" của Cao khiến cậu bạn im thin thít.

Các nhân viên giúp trẻ đường phố cho biết Cao có khả năng sinh tồn tốt. Khi thì Cao đi kéo hoa quả thuê ở chợ Long Biên, khi thì bán hoa quả dầm ở hồ Hoàn Kiếm. Trời nóng thì lẻn vào nhà sách Tràng Tiền Plaza để... hưởng thụ điều hòa.

Cao cũng thích giao du với đám trẻ đường phố láu cá và một số con nhà giàu hư hỏng. Nhiều lần Cao được nhân viên bảo vệ trẻ Rồng Xanh đưa về tổ chức, nhưng cứ một thời gian ngắn cậu lại bỏ ra ngoài.

"Đã 3 năm, các nhân viên thay nhau miệt mài thuyết phục nhưng Cao vẫn bất cần. Xác định đứa trẻ này là một thách thức, nếu bỏ cuộc cậu có thể không có kết cục tốt. Chúng tôi phải tạo niềm tin dần dần" - Hoàng Anh, nhân viên tổ chức Rồng Xanh, cho biết.

Sở dĩ Hoàng Anh và đồng nghiệp không bỏ cuộc là vì Cao có tuổi thơ dữ dội mà cậu bé ít muốn nhắc. Chỉ tình cờ trong một lần cậu cởi trần và mặc quần cộc, Anh đã nhìn thấy những vết sẹo chẳng chịt ở người, cổ, vai của Cao.

"Tôi đã phải quay mặt đi vì không muốn nhìn lâu" - Hoàng Anh xúc động.

Mẹ mất lúc cậu còn nhỏ xíu. Cao lớn lên bằng những trận đòn thắt lưng da của bố. Ông bố đào hoa, cặp hết cô này với dì nọ nên Cao không quen với sự ổn định. Mỗi lần tin tưởng ai đó, họ lại rời bỏ Cao nên cậu không còn niềm tin.

Từ khi bố đi tù vì buôn ma túy, Cao ở với bác trai, nhưng cuộc sống không mấy thay đổi. Bác trai mê cờ bạc và thường đánh đập Cao. Tết rét buốt, cậu phải đứng ngoài cửa canh cho nhóm của bác đánh bạc. Bác gái thấy thế còn mắng Cao: "Ngày tết lại đứng ở cổng đuổi khách".

Thế là Cao bỏ đi, chưa lần nào quay về. "Cậu đã trải qua những ngày tháng thiếu thốn tình thương" - Hoàng Anh nhận định.

Nhưng Cao cũng có điều đáng quý, còn có thể hy vọng thay đổi được: "Mỗi lần cùng chúng tôi giúp đỡ các em nhỏ hoàn cảnh khác, Cao đã làm rất tốt. Chúng tôi giúp Cao dần nhận ra giá trị của mình".

Trẻ đường phố mùa dịch - Kỳ 4: Những đứa trẻ bất cần đời - Ảnh 2.

Hào còi "không muốn trở thành người tốt" - Ảnh: TÂM LÊ

Bị xâm hại và tự hủy hoại bản thân

Nhiều trẻ bị kẻ biến thái xâm hại tình dục thì cảm thấy bản thân không còn giá trị, sống buông thả, thậm chí phạm tội. Như đánh giá của nhiều nhân viên giải cứu trẻ đường phố: "Cú sốc này đã hoàn toàn "phá hủy" các em. Nó còn lớn hơn việc bị cha mẹ đối xử không tốt".

Đỗ Duy Vị, trưởng nhóm tìm kiếm trẻ đường phố của Tổ chức Rồng Xanh, đã nhắc lại chuyện cậu bé Hào, còn gọi Hào "còi", quê Bắc Giang. Hào từng bị cả một số kẻ biến thái người Việt và người nước ngoài xâm hại. Cậu phải phục vụ họ trong phòng đầy khói ma túy và tình dục, cuối cùng cậu trở thành con nghiện.

Để có tiền phê thuốc, Hào "còi" quay trở lại phục vụ cho đám biến thái. Chúng cần ma túy thì Hào tìm mua, chúng cần trẻ em để thỏa mãn thú tính thì Hào làm môi giới.

Câu nói của Hào khiến Vị thấy bất lực và đau xót: "Ai cũng muốn mình tốt đẹp, thành đạt, em thì ngược lại. Ước muốn cũng tùy hoàn cảnh mỗi người, em suy nghĩ từ lâu rồi. Chỉ là ý nghĩ vớ vẩn, nói chung em không muốn trở thành người tốt".

Vị rất tiếc vì Hào từng là cậu bé sống tình cảm, hay kể về người mẹ quá cố của mình: "Hôm em nằm ở ghế đá lạnh, em mới nhớ ở nhà lần nào lạnh mẹ cũng đắp chăn cho em, giờ mẹ không còn nữa".

Mẹ Hào mất vì tràn dịch phổi, bà làm nghề nhặt ve chai, còn bố thương mẹ nhưng lại say xỉn rượu chè.

Hào đã tới tổ chức của Vị thời gian đầu ở quê lên, sau đó bỏ ra ngoài và không bao giờ quay trở lại. Một phần vì sợ Rồng Xanh sẽ không chấp nhận vì đã bỏ trốn, phần vì Hào thích sống tự do, buông thả...

Ở khu vực vườn ổi, nơi nhạy cảm về tệ nạn xã hội, nhân viên của Rồng Xanh tìm thấy Linh đang nằm bẹp ở ống cống ximăng, một cậu bé khác nói Linh đang bị ốm. Khi tỉnh Linh kêu bị đau họng, nhưng nhân viên đưa Linh đến bệnh viện khám thì bác sĩ kết luận em bị ho lao và phải nằm viện điều trị lâu dài.

Để nằm viện cần người nhà ký giấy tờ, may thay khi liên lạc về quê, ông nội Linh đã đón xe từ Hà Giang xuống ngay. Nhiều năm gặp lại nhau, ông cháu mừng tủi. Người ông không ngừng cảm ơn những người tốt bụng đã giúp đỡ cháu mình.

Cứ nghĩ gia đình được đoàn tụ, nào ngờ hai hôm sau Linh bỏ trốn khỏi bệnh viện.

Ông nội bất lực cầu xin giúp đỡ cháu, ông rút ra vài trăm ngàn đồng đưa cho nhân viên Tổ chức Rồng Xanh, đó là tất cả số tiền còn lại trong người. Nhưng họ đã từ chối, khuyên ông mua vé xe về quê trước, thuyết phục Linh không phải ngày một ngày hai và ông đã đồng ý.

Sau đó, các nhân viên tìm thấy Linh ở quán game. "Sức mạnh của game lớn quá, ước gì lúc này chúng tôi có thể đóng cửa tất cả quán game" - nhân viên Hoàng Anh bức xúc.

Anh nhớ lại hai năm trước đã gặp Linh ở bến xe Mỹ Đình. Cậu xuống Hà Nội để mong tìm được việc làm, nhưng mãi chưa tìm được vì không có giấy tờ. Lúc hết tiền, cậu được bà bán nước cho tiền ăn chịu. Hôm khác, có một người đàn ông bảnh bao đến trả tiền nợ cho Linh, rồi nói nếu đi chơi cùng sẽ cho 100.000 đồng.

Nào ngờ người đàn ông đó bắt Linh làm chuyện đồi bại. Linh bị hành hạ, sốc nặng, lại lang thang, rồi dạt vào quán game và vùi mình ăn ngủ trong đó. Khi hết tiền, đói thì lại ra ngoài ăn chịu, lại gặp cạm bẫy ấu dâm.

Ban đầu Linh căm ghét kẻ biến thái, sợ phải gặp lại. Nhưng khi đói và không có tiền để trả nợ, Linh đã chấp nhận đi cùng họ. Khi có tiền Linh vào quán game, lúc hết tiền lại ra thập thò ở vườn ổi. Linh thường ngủ dậy tầm 15-16 giờ chiều. Cuộc sống của cậu cứ lặp đi lặp lại như vậy cho đến một ngày đổ bệnh...

"Kẻ ấu dâm hoạt động rất tinh vi, chúng trả tiền cho môi giới như bác xe ôm, bà bán nước ở góc đường. Chúng ràng buộc trẻ bằng một vài đồng tiền và sự tự do nên cái khó của chúng tôi phải tìm được trẻ sớm hơn kẻ biến thái. Vì nếu trẻ bị xâm hại rồi sẽ tổn thương tinh thần và chán nản, tự hủy hoại bản thân mình" - Hoàng Anh chia sẻ.

********

Đội giải cứu cố gắng tiếp cận trẻ lang thang sớm nhất, nhanh chóng tách các em ra khỏi môi giới việc làm lừa đảo và kẻ xấu. Họ cố gắng đem đến cho trẻ sự an toàn và hy vọng về ngày mai tươi sáng hơn.

>> Kỳ tới: Tình thương giúp trẻ không nhà

Trẻ đường phố mùa dịch - Kỳ 3: Sa bước không nhàTrẻ đường phố mùa dịch - Kỳ 3: Sa bước không nhà

TTO - Dịch bệnh làm cho nhiều gia đình có hoàn cảnh thu nhập bấp bênh rơi vào túng quẫn, trẻ em phải ra đường kiếm thêm miếng ăn. Nhưng cũng có một số người lớn đã lợi dụng trẻ để lấy sự xót thương, bố thí của người qua đường...

Xem thêm: mth.1772621281701202-iod-nac-tab-ert-aud-gnuhn-4-yk-hcid-aum-ohp-gnoud-ert/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Trẻ đường phố mùa dịch - Kỳ 4: Những đứa trẻ bất cần đời”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools