vĐồng tin tức tài chính 365

Châu Âu đề xuất đánh thuế carbon hàng hóa gây ô nhiễm môi trường

2021-07-19 14:15

Châu Âu đề xuất đánh thuế carbon hàng hóa gây ô nhiễm môi trường

Khánh Lan

(KTSG Online) - Liên minh châu Âu (EU) đang đề xuất áp thuế phát thải carbon lên hàng hóa của những nước bên ngoài EU không áp dụng các biện pháp quyết liệt như EU để cắt giảm khí thải nhà kính. Nếu được triển khai, đây sẽ là chính sách thuế carbon xuyên biên giới đầu tiên trên thế giới.

Các lãnh đạo EU công bố các đề xuất để thực hiện “Thỏa thuận xanh” tại cuộc họp báo ở Brussel, Bỉ hôm 14-7. Ảnh: Reuters

Chính sách mới nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp của châu Âu trước sự cạnh tranh của các đối thủ nước ngoài có thể sản xuất với mức chi phí thấp hơn nhờ không bị đánh thuế carbon. Tuy nhiên, kế hoạch này sẽ đối mặt thách thức lớn vì có thể vấp phải sự phản đối kịch liệt từ các đối tác thương mại lớn của châu Âu như Nga, Trung Quốc và không loại trừ họ sẽ triển khai các biện pháp trả đũa.

Áp thuế carbon với sắt thép, nhôm, xi măng, phân bón và điện

Hôm 14-7, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của EU, đã thông qua gói đề xuất theo “Thỏa thuận xanh EU”, bao gồm đề xuất về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM-Carbon Border Adjustment Mechanism) nhằm ngăn chặn tình trạng “rò rỉ carbon” qua biên giới bằng cách áp chi phí phát thải carbon lên hàng hóa nhập khẩu từ các đối tác thương mại của EU. Cơ chế CBAM là một phần của nỗ lực nhằm đạt mục tiêu đến năm 2030, cắt giảm khí thải nhà kính ở EU ít nhất 55% so với mức của năm 1990.

Ban đầu, cơ chế này sẽ áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu vào EU ở các lĩnh vực sản xuất phát thải lượng carbon lớn gồm sắt thép, nhôm, xi măng, phân bón và điện nhưng miễn trừ cho một số sản phẩm nhất định như sắt phế liệu hay các loại phân bón không phát thải nhiều carbon trong quá trình sản xuất.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn chuyển tiếp 2023-2025, các nhà nhập khẩu châu Âu trong các lĩnh vực nói trên phải giám sát và báo cáo lượng carbon phát thải trong quá trình sản xuất các hàng hóa mà họ nhập khẩu. Bắt đầu từ năm 2026, các nhà nhập khẩu này sẽ phải mua các chứng chỉ phát thải carbon (hay còn gọi là chứng chỉ CBAM) tương ứng với lượng phát thải carbon ở hàng hóa mà họ nhập khẩu theo giá thị trường.

Chẳng hạn, một công ty châu Âu nhập khẩu 10.000 tấn nhôm từ các nhà sản xuất bên ngoài châu Âu, có mật độ phát thải carbon 1,5 tấn carbon/tấn nhôm có thể phải mua 15.000 chứng chỉ CBAM. Tuy nhiên, nếu các nhà nhập khẩu châu Âu có thể chứng minh, dựa vào thông minh được xác thực từ các nhà sản xuất bên ngoài EU, rằng thuế carbon đã được trả trong quá trình sản xuất những mặt hàng nhập khẩu gồm gồm sắt thép, nhôm, xi măng, phân bón và điện, họ sẽ được khấu trừ ở mức tương ứng.

Tạo sân chơi công bằng cho các nhà sản xuất châu Âu

Thuế carbon xuyên biên giới đã được EU thảo luận trong nhiều năm qua nhằm giải quyết một vấn đề cơ bản là tạo ra một sân chơi công bằng cho các nhà sản xuất ở châu Âu và loại bỏ nguy cơ họ chuyển hoạt động sản xuất ra bên ngoài EU để né các quy định kiểm soát khí thải nhà kính chặt chẽ ở khu vực này.

Nếu một nước EU thực hiện nghiêm ngặt chính sách cắt giảm phát thải carbon ở trong nước thì có nguy cơ các ngành công nghiệp của nước này, chẳng hạn ngành thép và xi măng sẽ đối mặt với chi phí cao hơn và rơi vào thế bất lợi trước các đối thủ nước ngoài có chính sách môi trường lỏng lẻo hơn.

Chẳng hạn, để đáp ứng các mục tiêu hạn chế khí thải nhà kính, mới đây, Tập đoàn thép ArcelorMittal (Luxembourg) đã ký thỏa thuận ghi nhớ với chính phủ Tây Ban Nha về việc đầu tư 1 tỉ euro để xây dựng một nhà máy thép vận hành hoàn toàn bằng nhiên liệu sạch hydrogen ở nước này.

Nếu hoạt động sản xuất thép và xi măng từ EU chuyển dịch ra nước ngoài để giảm chi phí carbon, điều này sẽ làm giảm hiệu quả của chính sách hạn chế phát thải nhà kính của EU. Theo lý thuyết, thuế carbon xuyên biên giới sẽ giúp ngăn chặn mối lo ngại trên. Nếu tất cả các nhà máy trên thế giới muốn bán thép, xi măng, nhôm và phân bón sang EU phải trả phụ phí ô nhiễm khí thải, họ buộc phải nỗ lực cắt giảm phát thải carbon.

Hơn nữa, các công ty ở châu Âu trong các lĩnh vực này cũng không còn động lực để chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài. Nếu ngày càng có nhiều nước bên ngoài EU áp thuế carbon đối với các ngành sản xuất gây ô nhiễm, những nước còn trì hoãn kiểm soát sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ đứng trước sức ép lớn.

Nhưng giới phân tích cho rằng cơ chế CBAM của EU sẽ không dễ thực hiện vì chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối của các đối tác thương mại lớn gồm Nga, Trung Quốc, có thể dẫn đến nguy cơ áp thuế trả đũa và các cuộc chiến tranh thương mại.

Những đối tác này cũng có thể khiếu nại cơ chế CBAM lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) dù các quan chức EU nói rằng họ sẽ thiết kế các quy định bảo đảm vượt qua được các thách thức pháp lý, chẳng hạn EU gọi đây là cơ chế “điều chỉnh” carbon biên giới, chứ không phải là “thuế”. Cách đây một thập niên, EU đề xuất áp thuế phát thải carbon đối với các hãng bay nước ngoài có máy bay cất cánh và hạ cánh ở châu Âu. Nhưng rốt cục, họ phải từ bỏ ý tưởng này vì chịu sức ép lớn của Mỹ và Trung Quốc.

Sau khi EU đề xuất cơ chế CBAM, Nga, một trong những đối tác thương mại lớn của EU, lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ vì cho rằng cơ chế này có thể khiến Nga thiệt hại 7,6 tỉ đô la mỗi năm. Nga là nước cung cấp hàng hóa lớn nhất của EU ở các lĩnh vực phát thải nhiều carbon như thép cuộn, dầu thô, than, nhôm với tổng kim ngạch xuất khẩu sang EU ước tính khoảng 10 tỉ euro trong năm 2019.

Dmitry Peskov, người phát ngôn Tổng thống Nga Vladimir Putin, nói: “Viễn cảnh nền kinh tế và các công ty của chúng tôi chịu thêm gánh nặng tài chính là điều cực kỳ gây bất mãn”. Ông cho biết Nga muốn thảo luận vấn đề này trực tiếp với EU nhưng không có nhiều hy vọng sau khi một số nước thành viên EU phản đối tổ chức một hội nghị thượng đỉnh với Nga theo đề xuất của Pháp và Đức.

Ngoài,Nga, những nước chịu ảnh hưởng lớn nhất nếu cơ chế CBAM được triển khai sẽ bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, nước đang cung cấp 1/3 sản lượng xi măng nhập khẩu của EU và Trung Quốc, chiếm 14% sản lượng thép nhập khẩu của EU.

Theo New York Times, Reuters

Xem thêm: lmth.gnourt-iom-meihn-o-yag-aoh-gnah-nobrac-euht-hnad-taux-ed-ua-uahc/405813/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Châu Âu đề xuất đánh thuế carbon hàng hóa gây ô nhiễm môi trường”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools