Từ 0h ngày 19-7, Hà Nội yêu cầu người dân không tụ tập quá 5 người và hạn chế ra ngoài khi không thật cần thiết - Ảnh: NAM TRẦN
Sáng 19-7, ngày đầu tiên TP Hà Nội áp dụng công điện 15 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh về triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn TP. Nhiều biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn sẽ được áp dụng, đồng thời TP cũng yêu cầu đóng tất cả các cửa hàng dịch vụ không thiết yếu.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online tại Hà Nội trong buổi sáng 19-7, hầu hết các cơ sở kinh doanh mặt hàng không thiết yếu đều đóng cửa. Cửa hàng kinh doanh ăn uống đều dán thông báo chỉ bán mang về, thực hiện các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt.
Lực lượng chức năng các phường cũng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, phát thông báo đề nghị người dân nghiêm chỉnh chấp hành.
Tại các địa điểm vui chơi công cộng như bờ hồ, công viên, lực lượng chức năng cũng đã lập các rào chắn, giăng thông báo yêu cầu người dân không được tụ tập.
Tuy vậy, nhiều người dân vẫn chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh, đồng thời không tuân thủ các quy định mà UBND TP yêu cầu. Nhiều cửa hàng kinh doanh không thiết yếu vẫn mở cửa hoạt động, phớt lờ quy định từ TP.
Một người dân đi tập thể dục trên đường Thanh Niên (quận Tây Hồ) bị lực lượng chức năng nhắc nhở vì không đeo khẩu trang - Ảnh: T.ĐẠT
Tại một cửa hàng tiện dụng 24/24 ở quận Cầu Giấy, sáng 19-7, vì cửa hàng yêu cầu không được ngồi tại quán để ăn, uống, sử dụng các dịch vụ tại chỗ, nhiều người dân đã ngồi ở sảnh của cửa hàng trên để ăn uống. Lượng người tụ tập đông, nhiều người không đeo khẩu trang, thoải mái trò chuyện.
Một cửa hàng tiện dụng 24/24 ở quận Cầu Giấy, sáng 19-7, nhiều người vẫn tụ tập, đeo khẩu trang "đối phó" - Ảnh: PHẠM TUẤN
Đối diện chợ Đồng Xa (Mai Dịch, quận Cầu Giấy), các chợ cóc, điểm bán hàng tự phát vẫn ngang nhiên hoạt động trên vỉa hè, thu hút nhiều người qua đường dừng lại để mua hàng, bất chấp quy định cũng như nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
Tại tuyến đường Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội - đoạn gần bến xe Mỹ Đình), rất nhiều tài xế xe ôm công nghệ tụ tập thành từng nhóm đông người để nói chuyện, bắt khách, không đảm bảo các nguyên tắc phòng dịch của UBND TP Hà Nội.
Sáng 19-7, Bộ Y tế cho biết có thêm 2.015 ca bệnh COVID-19 mới, riêng TP.HCM 1.535 ca. Tại Hà Nội, trong ngày 18-7 đã ghi nhận 37 ca bệnh mới, cao nhất trong nhiều ngày trở lại đây. Trong ảnh: Một đoạn phố Hàng Mắm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội lập chốt xét nghiệm nhanh, phong tỏa vì có ca nhiễm COVID-19 trên đoạn phố này - Ảnh: NAM TRẦN
Hầu hết các cửa hàng kinh doanh không phải các mặt hàng thiết yếu đều đóng cửa - Ảnh: NAM TRẦN
Các cửa hàng kinh doanh ăn uống bắt buộc phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch, giãn cách 2m và chỉ được bán mang về - Ảnh: NAM TRẦN
Tất cả các khu vui chơi công cộng của thành phố đều dựng rào chắn, dán thông báo tạm dừng các hoạt động ngoài trời, người dân không được tụ tập đông người - Ảnh: NAM TRẦN
Xe ôm công nghệ tụ tập đông người trong sáng 19-7 - Ảnh: PHẠM TUẤN
Ngoài ra, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, một số cửa hàng quần áo, mỹ phẩm... (thuộc danh mục không thiết yếu) trên một số tuyến đường như Cầu Giấy, Nguyễn Khánh Toàn... vẫn mở cửa đón khách trong sáng 19-7.
Tại Hồ Tây (Hà Nội), sáng sớm nhiều người dân vẫn đi tập thể dục, đạp xe, câu cá, dù lực lượng chức năng đã tích cực nhắc nhở.
Người dân Hà Nội đi câu cá, tập thể dục trong sáng 19-7 - Ảnh: T.ĐẠT
Nhiều người ra đường đạp xe, bất chấp yêu cầu ở nhà trừ khi có việc cần thiết từ TP - Ảnh: T.ĐẠT
Tại siêu thị Big C Thăng Long (Cầu Giấy), công tác phòng dịch được siết chặt hơn, nhiều người dân đi mua sắm tại đây đều được yêu cầu khai báo y tế qua mã QR, khai báo qua tờ khai, đồng thời được đo thân nhiệt trước khi vào mua sắm.
Người dân khai báo y tế qua mã QR khi vào mua sắm tại siêu thị Big C - Ảnh: PHẠM TUẤN
Tuy nhiên, tại các quầy gian hàng thực phẩm, rau củ quả... dù không có tình trạng chen chúc, xô đẩy, lượng người mua hàng tại đây khá đông, không đảm bảo giãn cách 2m, cũng như không tuân thủ yêu cầu cấm tụ tập trên 5 người theo công điện 15 của chủ tịch TP.
Một số người dân khi đi mua sắm trong siêu thị trên đeo khẩu trang mang tính hình thức, để lộ phần mũi.
"Mình thấy siêu thị có các công đoạn phòng dịch nghiêm túc và chặt chẽ. Mình được đo thân nhiệt, khai báo từ ngoài cổng, tuy nhiên vào mua hàng thì có một số điểm đông người nên lo ngại", chị Cao Thị Thùy Dung (27 tuổi, Hà Nội) cho biết khi đi mua sắm tại Big C Thăng Long sáng 19-7.
Tại các gian hàng rau củ, thực phẩm vẫn đông người, không đảm bảo đúng giãn cách - Ảnh: PHẠM TUẤN
Cũng theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, các mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau củ tại các siêu thị trên khá dồi dào, đảm bảo nguồn cung, không xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu hàng.
TTO - Hà Nội thông báo ghi nhận thêm 17 ca COVID-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm từ ngày 5-7 đến nay lên 200 người.
Xem thêm: mth.23241513191701202-ex-pad-ac-uac-nav-nad-iougn-ion-oc-ahn-o-uad-yagn-ion-ah/nv.ertiout