vĐồng tin tức tài chính 365

Không thể chống dịch kiểu 'cắt khúc' theo địa giới hành chính

2021-07-19 17:48

Không thể chống dịch kiểu 'cắt khúc' theo địa giới hành chính

Song Nghi

(KTSG Online) - Tình trạng giãn cách xã hội 19 tỉnh thành phía Nam như hiện nay rất cần những chỉ đạo áp dụng quy chuẩn thống nhất trong toàn toàn khu vực. Giờ là lúc cần một bộ chỉ huy chung cho tình huống khẩn cấp, chỉ đạo chính sách thống nhất, không để mỗi nơi một quy định, cắt khúc theo địa giới hành chính như hiện nay.

Tính đến thời điểm hiện tại, đợt bùng phát dịch Covid-19 kéo dài khoảng ba tháng và đã lây lan ra toàn bộ khu vực phía Nam với 19 tỉnh, thành phố. Đây là đợt dịch căng thẳng nhất so với ba đợt dịch đã xảy ra trước đây cả về thời gian lẫn quy mô lây nhiễm.

Trừ một số ít địa phương có nhiều ca nhiễm trong đợt dịch đầu tiên năm 2020, đa số khu vực phía Nam đều tương đối an toàn với Covid-19 cho đến tháng 7 này. Điều đó lý giải khi dịch ập đến, chính sách phòng dịch của các địa phương có vẻ bị động, có khi cứng rắn quá mức cần thiết. Sự lúng túng còn thể hiện qua việc có tỉnh sáng ra văn bản quy định một số biện pháp phòng dịch, chiều thông báo rút lại văn bản vừa ban hành chưa ráo mực.

Mới đây nhất, trong ngày 18-7, toàn thành phố Vũng Tàu ghi nhận hơn 80 ca nhiễm Covid-19. Ngay tối hôm đó, UBND thành phố này ra công văn quy định từ 0 giờ ngày hôm sau, 19-7, không cho người dân đi làm bằng xe hai bánh hay đi bộ. Lệnh cấm chỉ có ngoại lệ là nhân viên giao hàng (shipper) có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19, nhân viên các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm/dịch vụ thiết yếu và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian thực hiện công vụ(*).

So với TPHCM nơi có số ca nhiễm cao hơn rất nhiều, có vẻ biện pháp này của Vũng Tàu đã đi quá mức cần thiết và đẩy doanh nghiệp vào thế khó, gần như bị buộc ngưng hoạt động. Tối 18-7 ban hành và áp dụng luôn từ ngày 19-7 thì làm sao doanh nghiệp kịp trở tay vì quá gấp. Nhân viên không đi làm được nếu doanh nghiệp của họ không tổ chức được xe đưa đón. 

Trước đó, giới doanh nghiệp vận tải cả nước một phen khốn đốn suốt mấy tuần lễ vì các tỉnh đồng loạt áp dụng "thông hành Covid-19" (giấy xét nghiệm âm tính đối với virus SARS-CoV-2) nhưng không theo một quy chuẩn nào: có tỉnh chấp nhận kết quả test nhanh, có tỉnh chỉ chấp nhận test RT-PCR. Thời hạn công nhận giá trị xét nghiệm cũng đủ loại: 1 ngày, 3 ngày, 5 ngày. Thậm chí có tỉnh chỉ công nhận giấy xét nghiệm do chính họ cấp, trong khi các tỉnh khác thì chỉ cần giấy hợp lệ là được. Vô lý đến mức, có tài xế xe tải mới xét nghiệm xong ở Yên Bái chạy xe 30 phút đến địa phận Lào Cai lại phải xét nghiệm tiếp vì giấy chứng nhận cấp tại Yên Bái không được công nhận(**)
   
Cho đến hôm 19-7, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 mới tháo gỡ vướng mắc này bằng cách ra quy định công nhận cả hai loại xét nghiệm nhanh và RT-PCR, giá trị hiệu lực thống nhất 3 ngày và do tất cả các cơ sở y tế từ cấp xã trở lên cấp. Ban Chỉ đạo quốc gia cũng quy định việc vận chuyển hàng hoá trong nội bộ 19 tỉnh, thành phố phía Nam không yêu cầu lái xe, người đi cùng trên xe phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19(***).

Về phần mình, người dân và doanh nghiệp cũng cần phản ánh ngay những bất hợp lý nếu có trong chính sách phòng chống dịch để chính quyền cải thiện sửa đổi cho phù hợp. Tại Ấn Độ, trong đợt phong tỏa hiện nay, các doanh nghiệp đã yêu cầu chính quyền trung ương và các bang công bố danh mục hàng hóa/dịch vụ thiết yếu để họ có ý kiến. Một góp ý được chính quyền ở Ấn Độ ghi nhận để thay đổi là cho phép các dịch vụ như bảo hiểm và công ty tài chính phi ngân hàng được phép hoạt động trên phạm vi toàn quốc thay vì bang cho phép, bang cấm. Giới doanh nhân nước này còn chỉ ra điểm bất hợp lý như cho phép sản xuất và cung ứng thực phẩm, rau quả nhưng lại cấm các doanh nghiệp đóng gói, cung ứng bao bì hoạt động. Hậu quả là hệ thống cung ứng tê liệt vì không thể sản xuất mà không có bao bì(****).

Tình trạng giãn cách xã hội 19 tỉnh thành phía Nam như hiện nay rất cần những chỉ đạo áp dụng quy chuẩn thống nhất trong toàn toàn khu vực. Một quy chuẩn áp dụng chung đối với "thông hành Covid-19" trong vận tải hàng hóa không chỉ giúp khơi thông luồng vận chuyển thực phẩm thiết yếu cho TPHCM - vốn đã bị ách tắc dẫn đến thiếu hụt trong tuần qua - mà còn đỡ tốn kém thời gian công sức rất nhiều cho người dân và doanh nghiệp.

Đây là lúc cơ quan chức năng sớm mở rộng quy chuẩn hóa và ban hành những quy định chi tiết liên quan đến giãn cách xã hội, từ kết quả xét nghiệm Covid-19 đến đóng cửa chợ, hạn chế đi lại, cập nhật định nghĩa về hàng hóa/dịch vụ thiết yếu... để phù hợp với tình hình giãn cách có thể kéo dài và trên diện rộng.

Đã đến lúc cần bộ chỉ huy tập trung cho tình huống khẩn cấp, chỉ đạo chính sách thống nhất cho cả khu vực chớ không thể để mỗi nơi một quy định, cắt khúc theo địa giới hành chính như hiện nay. Người lãnh đủ hậu quả luôn là người dân và doanh nghiệp.

Mời xem thêm:

Doanh nghiệp than phiền 'mới xét nghiệm Covid-19 chỉ 30 phút sau phải xét nghiệm tiếp'

Lái xe vận chuyển hàng hóa trong 19 tỉnh, thành phía Nam không cần giấy xét nghiệm Covid-19

---------------------------------

(*) https://tuoitre.vn/vung-tau-khong-cho-di-lam-bang-xe-2-banh-hay-di-bo-shipper-phai-co-giay-xet-nghiem-20210719003148393.htm

(**) https://www.thesaigontimes.vn/318245/can-lam-gi-de-thong-hanh-covid-19-khong-hanh-dan.html
https://www.thesaigontimes.vn/318422/doanh-nghiep-than-phien-moi-xet-nghiem-covid-19-chi-30-phut-sau-phai-xet-nghiem-tiep.html

(***) Lái xe vận chuyển hàng hóa trong 19 tỉnh, thành phía Nam không cần giấy xét nghiệm Covid-19
https://www.thesaigontimes.vn/318496/lai-xe-van-chuyen-hang-hoa-trong-19-tinh-thanh-phia-nam-khong-can-giay-xet-nghiem-covid-19.html

(****) https://timesofindia.indiatimes.com/business/india-business/lets-define-essential-list-industry/articleshow/82190421.cms

Xem thêm: lmth.hnihc-hnah-ioig-aid-oeht-cuhk-tac-ueik-hcid-gnohc-eht-gnohk/325813/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Không thể chống dịch kiểu 'cắt khúc' theo địa giới hành chính”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools