Sau khi có chủ trương xem xét khôi phục chợ đầu mối, mở lại các chợ truyền thống an toàn; thị trường thực phẩm tươi sống tại TPHCM đã được kích hoạt, giảm tải một phần nhu cầu cuộc sống của người dân.
Mở cửa các chợ truyền thống
Ngày 19.7, Sở Công Thương TPHCM cho biết, toàn thành phố hiện có 3.001 điểm bán hàng bình ổn tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Cùng ngày, Sở cũng công bố danh sách 40 chợ (đã bao gồm chợ mở cửa trở lại) bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn thành phố. Hiện 3 chợ đầu mối lớn của thành phố vẫn đang tạm ngưng hoạt động.
Theo Sở Công Thương, việc mở cửa của các chợ truyền thống trên địa bàn, hiện thành phố đã có chủ trương. Theo đó, để đảm bảo việc cung ứng hàng hóa thực phẩm thiết yếu cho nhân dân được nhanh chóng, kịp thời nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Đối với các chợ đang tạm ngưng hoạt động chỉ được mở trong điều kiện đảm bảo an toàn, kiểm soát dịch bệnh là yêu cầu có tính bắt buộc, có biện pháp kiểm soát hướng dẫn lưu lượng, mật độ tiểu thương bán hàng, mật độ người đi chợ đảm bảo 5K.
“Sở Công Thương đã có hướng dẫn giải pháp thí điểm về phương án tổ chức kinh doanh thực phẩm tươi sống; sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin để đặt lịch và quản lý khách đi chợ; các điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch 5K; phân luồng, bán hàng đồng giá, dựng vách ngăn...
Nếu không gian chợ chưa đảm bảo thì có thể sử dụng các mặt bằng phù hợp để tiểu thương và người dân họp chợ an toàn. Việc tạm dừng hoạt động hoặc mở lại do UBND quận, huyện căn cứ tình hình dịch bệnh và điều kiện thực tế quyết định" - ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết.
Nhiều giải pháp cho chợ truyền thống mở cửa
Thành phố cũng đã triển khai thí điểm mô hình "App đặt lịch đi chợ dành cho người dân" (thí điểm tại chợ Tân Chánh Hiệp - Quận 12) và mô hình "Tổng đài đặt lịch đi chợ" (thí điểm tại chợ Bình Thới - Quận 11). Trên cơ sở đánh giá hiệu quả tại các chợ thực hiện thí điểm, sẽ triển khai nhân rộng đến các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố.
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Bá Tùng - Trưởng Ban quản lý chợ Bình Thới (Quận 11) cho biết, chợ đã hoạt động trở lại, toàn chợ có gần 300 tiểu thương bán thực phẩm nhưng ban quản lý chợ sắp xếp mỗi ngày chỉ khoảng 85 tiểu thương bán hàng và luân phiên nhau.
Chợ cũng áp dụng cách phát phiếu cho người đi chợ cách ngày và hạn chế số lượng khách mỗi đợt vào chợ không quá 100 người. Sau mỗi buổi sáng họp chợ, Ban Quản lý sẽ tiến hành phun khử khuẩn toàn bộ chợ để ngày hôm sau người dân tới mua sắm được an toàn.
“Chợ kết nối với Sở Công Thương, chúng tôi đang chạy thử bản đề mô khi người dân có nhu cầu đi chợ sẽ gọi điện đến số điện thoại ban quản lý cung cấp để nghe hướng dẫn và đặt lịch đi chợ. Tổng đài sẽ gửi tin nhắn xác nhận lịch đi chợ với người dân và trước giờ đi chợ 30 phút, tổng đài sẽ gọi đến nhắc giờ cho người dân.
Đặc biệt, phần mềm này còn liên kết với khai báo y tế của thành phố, theo dõi các trường hợp F0, F1 khi gọi điện đến phần mềm sẽ tự động kết nối và không nhận đặt lịch với các trường hợp này" - ông Nguyễn Bá Tùng cho hay.
Hiện, các quận, huyện có chợ đã tổ chức mở hoạt động trở lại, gồm chợ Phú Thọ (Quận 11), An Đông (Quận 5), Kiến Thành (quận Bình Tân). Dự kiến, trong tuần này, các chợ Xã Tây (Quận 5), chợ Phú Định, chợ Minh Phụng (Quận 6), chợ Nhật Tảo (Quận 10), chợ Bà Lát, chợ Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh), chợ Hóc Môn (huyện Hóc Môn), chợ Cầu Kinh, chợ Ấp 3 (huyện Nhà Bè)… sẽ mở cửa hoạt động trở lại.