9 quận huyện không còn chợ truyền thống vì dịch
Cập nhật đến ngày 19.7, toàn TP.HCM chỉ còn 40 chợ hoạt động, còn lại tạm đóng vì chống dịch Covid-19. Trong 40 chợ đang hoạt động, chỉ có 2 chợ hạng 1, 6 chợ hạng 2 và 32 chợ hạng 3.
Đặc biệt, có đến 9 quận huyện không còn chợ nào hoạt động. Cụ thể, quận 1, quận 3, quận 4, quận 6, quận 7, quận 8, quận Phú Nhuận, quận Tân Phú, huyện Hóc Môn và huyện Nhà Bè. Toàn bộ đã bị đóng cửa do “bão” Covid-19, những ca F0 liên quan đến chợ.
Các quận còn lại cũng chỉ còn 1-2 chợ hạng 2 và hạng 3 hoạt động khá phập phồng. Chẳng hạn, tại quận 5 chỉ còn chợ An Đông (khu vực thực phẩm) vừa mới được hoạt động thí điểm trở lại sau khi tạm đóng vì dịch. Tương tự, quận 10 còn 1 chợ hạng 2 là Nguyễn Tri Phương, cũng vừa được hoạt động trở lại, chỉ kinh doanh bán mặt tươi, rau củ quả. Quận Bình Tân còn 1 chợ Kiến Thành hạng 3 hoạt động; quận Gò Vấp còn chợ hạng 2 An Hội và chợ hạng 3 Hạnh Thông Tây hoạt động.
Tại TP.Thủ Đức có các chợ loại 3 đang hoạt động như chợ Cát Lái, Bình Trưng, Thạnh Mỹ Lợi, Phú Hữu, An Bình (cũ), Linh Xuân, Tam Hải, Bình Phước; quận 12 có 3 chợ hạng 3 gồm Ba Bầu, Anh Phú Đông và Ngã Tư Ga; huyện Bình Chánh có 3 chợ hạng 3 gồm Chợ Đệm, Tân Nhựt, Thuận Đạt và 1 chợ hạng 2 Bình Chánh; huyện Cần Giờ có 8 chợ hạng 3 gồm Tam Thôn Hiệp, Đồng Hòa, Long Thạnh, An THới Đông, Bình Khánh, Cần Giờ, Hòa Hiệp, Lý Nhơn. Tương tự, huyện Củ Chi cũng còn các chợ hạng 3 gồm Lô 6, Phạm Văn Cội, Trung An, Trung Lập Hạ, Trung Lập Thương, Phú Hòa Đông, Củ Chi…
Việc quyết định đóng hay mở chợ truyền thống, theo Sở Công thương TP.HCM tùy thuộc vào UBND các quận huyện căn cứ tình hình dịch bệnh tại địa phương và điều kiện thực tế để quyết định, quan trọng là nếu mở phải bảo đảm an toàn tuyệt đối trong phòng chống dịch.
TP.HCM tổ chức lại chợ truyền thống, chỉ bán thực phẩm thiết yếu |
Rà soát gửi phương án mở lại chợ truyền thống trước ngày 23.7
Ngày 19.7, UBND TP.HCM có công văn khẩn 2382 gửi các Sở, quận huyện và các đơn vị quản lý chợ về tổ chức chợ truyền thống hoạt động trở lại trong điều kiện đảm bảo an toàn. Cụ thể thành phố giao cho Sở Công thương nghiên cứu, hướng dẫn tổ chức hoạt động của các chợ truyền thống; tổ chức các điểm bán thực phẩm tươi sống, hàng hóa thiết yếu tại các chợ đang tạm ngưng hoạt động với hình thức phù hợp, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân.
Quầy trái cây lớn tại chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình) trong thời gian chợ bị phong tỏa Ảnh: Ng.Nga |
Đặc biệt, hỗ trợ kết nối, cung cấp thông tin địa chỉ liên hệ, đầu mối cung ứng hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu (trong đó ưu tiên trước mắt đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả) đến các địa phương, đơn vị quản lý chợ, tiểu thương các chợ truyền thống có nhu cầu đặt hàng với các phương thức phù hợp.
Với các địa phương, thành phố yêu cầu rà soát, đánh giá hiện trạng tổ chức hoạt động, thực hiện đầy đủ các phương án phòng, chống dịch Covid-19 của các chợ truyền thống đang hoạt động và nhanh chóng xây dựng phương án tổ chức các điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng tươi sống tại các chợ hiện tạm ngưng hoạt động. Các phương án phải được gửi UBND TP.HCM (thông qua Sở Công thương TP.HCM) trước ngày 23.7 tới. Ngoài việc gợi ý các chợ truyền thống áp phương án phát phiếu vào chợ, bố trí các vách ngăn giữa các hộ tiểu thương, gian bán hàng, giữa người bán và người mua, phân luồng lối đi, UBND TP.HCM cũng cho rằng, có thể các chợ nên tổ chức cho thương nhân kinh doanh theo hình thức luân phiên, xen kẽ có phân chia thời điểm, vị trí bán hàng xen kẽ, hoặc chia theo ngày chẵn, lẻ… trong trường hợp cần thiết để giảm sự tập trung và đảm bảo việc giãn cách khi kinh doanh, mua sắm.