Tâm lý nhà đầu tư chứng khoán bị ảnh hưởng nặng nề bởi những thông tin liên quan đến sự phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19. Ngày 17/7, căn cứ đề nghị của Bộ trưởng Y tế và ý kiến thống nhất của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng quyết định áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố theo Chỉ thị 16, đối với 19 tỉnh phía Nam. Tối ngày 18/7, theo công điện mới về tăng cường biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của UBND TP. Hà Nội, người dân chỉ được ra khỏi nhà trong trường hợp cần thiết từ 0h ngày 19/7.
Bước vào phiên giao dịch ngày 19/7, sắc đỏ đã bao trùm lên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trên thị trường và điều này đẩy các chỉ số thị trường lùi xuống dưới mốc tham chiếu. Lực cầu trong phiên này là rất yếu nên các chỉ số gần như không có đợt hồi thực sự nào đáng chú ý. Càng về cuối phiên, đà giảm của các chỉ số ngày càng mạnh khi lực bán liên tục dâng cao. Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đặc biệt là nhóm ngân hàng đã xuất hiện tình trạng bị bán tháo, trong đó, GVR, TCB, CTG, VPB, VIB, TPB… đều bị kéo xuống mức giá sàn. Bên cạnh đó, SHB giảm đến 8,9%, BID giảm 6,7%, BID giảm 6,7%, MBB giảm 6,7%, SSI giảm 6,6%...
MWG giảm 6,9% trong bối cảnh một làn sóng tẩy chay Bách Hóa Xanh xuất hiện giữa tâm dịch ở các tỉnh phía Nam. Mới đây, một cửa hàng Bách Hoá Xanh tại Sóc Trăng vừa bị lập biên bản do bán một số mặt hàng cao hơn so với giá niêm yết. Đại diện Bách Hoá Xanh thừa nhận có sai sót và không cố ý bán giá cao hơn giá niêm yết.
Lực đỡ trên thị trường phiên 19/7 gần như không có. Ở đầu phiên, MSN nổi lên như là một trụ đỡ hiếm hoi của VN-Index nhưng cổ phiếu này cuối phiên cũng đảo chiều giảm 0,9% xuống 119.400 đồng/cp.
Toàn bộ các nhóm ngành cổ phiếu trên thị trường đều chìm trong sắc đỏ. Biến động của nhóm cổ phiếu bất động sản cũng không khá hơn. Trong đó, hàng loạt cổ phiếu thanh khoản cao như FLC, AMD, ITA, SCR, DXG, DRH, LDG, DIG… đều bị kéo xuống mức giá sàn. Bên cạnh đó, IDC giảm 7,1%, DXS giảm 6,7%, KBC giảm 6,7%, CEO giảm 6,1%, IDJ giảm 5,1%, TDH giảm 4,2%...
Trong khi đó, toàn bộ 7 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất nhóm bất động sản đều chìm trong sắc đỏ. BCM tiếp tục giảm 5,6% xuống còn 40.500 đồng/cp, VHM cũng giảm đến 4,3% xuống 104.300 đồng/cp, VRE giảm 3,2%, PDR giảm 2,7%, VIC giảm 2,7%, NVL giảm 1,5%, THD giảm 1,5%.
Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu bất động sản giữ được sắc xanh, trong đó, KHG gây chú ý khi tăng trần lên 19.500 đồng/cp. Phiên 19/7, cổ phiếu KHG của Công ty Cổ phần Bất động sản Khải Hoàn Land chính thức giao dịch tại HNX với giá tham chiếu 15.000 đồng/cp.
Bên cạnh đó, KDH cũng tăng 0,9% lên 37.300 đồng/cp, NLG tăng 0,8% lên 37.500 đồng/cp.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 55,8 điểm (-4,29%) xuống 1.243,51 điểm. Toàn sàn có 50 mã tăng, 346 mã giảm và 21 mã đứng giá. HNX-Index giảm 15,7 điểm (-5,1%) xuống 292,06 điểm. Toàn sàn có 41 mã tăng, 186 mã giảm và 142 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 2,79 điểm (-3,27%) xuống 82,55 điểm.
Thanh khoản thị trường tăng mạnh so với phiên cuối tuần trước với giá trị khớp lệnh đạt 23.200 tỷ đồng, tăng 41%. FLC vẫn là mã bất động sản duy nhất lọt top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường với 37,4 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại bán ròng khoảng 110 tỷ đồng trên toàn thị trường phiên 19/7, trong đó, KDH là cổ phiếu bất động sản bị khối ngoại bán ròng mạnh với 142 tỷ đồng. Chiều ngược lại, NVL, DXG, VHM và VIC là các cổ phiếu bất động sản nằm trong top 10 về giá trị mua ròng của khối ngoại.
Theo CTCP Chứng khoán MB (MBS), đây là phiên giảm thứ 7 trong 11 phiên gần nhất và kể từ đầu tháng 7 cho tới nay thị trường đã có 3 phiên giảm gần 4%, nghĩa là phần lớn các cổ phiếu đều giảm gần giá sàn. Điều đó cho thấy quán tính giảm vẫn chưa có dấu hiệu chững lại khi áp lực từ thị trường thế giới biến động. Về kỹ thuật, các ngưỡng hỗ trợ gần như không đủ tin cậy khi áp lực bán với các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn chưa có dấu hiệu lệnh cân đối ứng tương xứng, quá trình tìm vùng hỗ trợ mới có thể còn tiếp diễn trong các phiên ở tuần này.
Xem thêm: lmth.70450000042210202-7-91-neihp-gnort-nas-maig-uahn-aud-sdb-ueihp-oc/nv.semitaer