Tại cuộc họp báo về tình hình COVID-19 chiều 19/7, ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó giám đốc Sở Công thương - cho biết TP từng rất lo lắng về việc 18 tỉnh, thành khác của phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, vì sẽ khiến việc cung cứng nguồn thực phẩm cho TP gặp khó khăn. Tuy nhiên, trong 2 ngày qua, ghi nhận thực tế của Sở cho thấy, tình hình mua sắm lương thực thực phẩm giảm rõ, đặc biệt tại các chợ truyền thống, sức mua giảm đi rất nhiều.
Số liệu từ doanh nghiệp cung ứng cũng chứng minh điều này. Cụ thể, lượng hàng hóa, lương thực, thực phẩm mà doanh nghiệp chuẩn bị ngày càng tăng lên. Những chuyến xe bán hàng lưu động thậm chí vẫn còn dư thừa hàng hóa, phải mang về.
Đại diện Sở Công thương cho biết thêm, sáng ngày 19/7 có thêm một số chợ truyền thống tiếp tục bị đóng cửa, số chợ hoạt động chỉ còn 40 nhưng đến buổi chiều số chợ truyền thống được cho phép hoạt động đã tăng lên con số 44.
Ông Nguyễn Nguyên Phương khẳng định việc tăng giá lương thực, thực phẩm vừa qua tại TPHCM không phải là dấu hiệu của tích trữ, đầu cơ mà đó là do khó khăn tạm thời khi hệ thống phân phối bị tổn thương do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Sở Công thương ghi nhận có sự liên thông về giá cả giữa TPHCM và vùng nguyên liệu. Khi giá ở TPHCM tăng, lập tức giá sản phẩm ở vùng nguyên liệu cũng tăng theo. Do vậy, thời gian qua, TPHCM có 2 giá: ở siêu thị được giữ bình ổn và giá bên ngoài tăng cao.
Hiếu Nguyễn
Xem thêm: lmth.4860441a-aun-mahp-cuht-cuht-gnoul-ueihn-aum-noc-gnohk-mchpt-nad-iougn/nv.moc.enilnounuhp.www