Mới đây, TP Hà Nội đề xuất Bộ Tài chính phương án đánh thuế đối với nhà, biệt thự bỏ hoang không đưa vào sử dụng. Các chuyên gia đều ủng hộ đề xuất này để tránh lãng phí đất đai, ngăn chặn đầu cơ bất động sản (BĐS).
Dẹp khu đô thị ma
Tình trạng nhiều dự án biệt thự, nhà phố liền kề xây xong nhưng không có người ở, bỏ hoang, nham nhở nhiều năm, thậm chí hàng chục năm xảy ra ở nhiều tỉnh, thành. Vì vậy, để tránh mất mỹ quan đô thị, lãng phí đất đai, theo đề xuất của TP Hà Nội, biệt thự bỏ hoang ba tháng có thể áp thuế khoảng 5% trên giá trị hợp đồng, sau một năm tính thuế 10%. Ngoài ra, TP còn đề xuất có quy định xử phạt hành chính chủ sở hữu biệt thự với mức phạt 10-20 triệu đồng/căn, đồng thời kiến nghị Chính phủ áp dụng thu thuế cao, lũy tiến đối với người mua từ nhà thứ hai trở lên.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), nói ông ủng hộ việc đánh thuế biệt thự bỏ hoang, không sử dụng. HoREA cũng từng kiến nghị Chính phủ đánh thuế chuyển nhượng lại nhà, đất trong năm đầu tiên và giữ mức thuế suất cao trong năm thứ hai, thứ ba. Các trường hợp bán, chuyển nhượng nhà, đất sau khi tạo lập được ba năm hoặc chứng minh được nhu cầu bán, chuyển nhượng nhà, đất là chính đáng thì áp dụng thuế suất bình thường.
Theo ông Châu, việc đánh thuế này sẽ không ảnh hưởng đến người mua nhà để ở. Đối với trường hợp người dân mua nhiều đất mà không sử dụng thì cũng cần đánh thuế suất lũy tiến. Điều này sẽ giúp thị trường trở về trạng thái cung tương ứng với cầu.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, cũng cho rằng việc áp thuế đối với các biệt thự bỏ hoang là cần thiết. Đất đai là tài nguyên của quốc gia, việc bỏ hoang sẽ gây lãng phí lớn. Hơn nữa, việc các biệt thự bỏ hoang làm xấu bộ mặt đô thị của các TP. Chưa kể việc đánh thuế biệt thự bỏ hoang sẽ hạn chế đầu cơ, giúp ổn định thị trường, tránh tình trạng sốt đất, đẩy giá nhà, đất tăng cao, ảnh hưởng đến người mua nhà để ở.
Tuy nhiên, ông Thịnh cũng lưu ý cần nghiên cứu, lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, doanh nghiệp, bộ, ngành và các địa phương trước khi đưa ra quy định. Trên thực tế, biệt thự bỏ hoang cũng có nhiều nguyên nhân, không phải do chủ nhà mà do chủ đầu tư (CĐT) hoặc vướng mắc pháp lý dự án.
“Một cái khó là xác định biệt thự như thế nào là bỏ hoang, có biệt thự xây thô để nham nhở, cỏ mọc thì nhìn mắt thường cũng biết nhưng cũng có biệt thự hoàn thiện bên ngoài, trong vẫn để thô, rồi những căn hoàn thiện hết nhưng để không, không có ai ở… Vì vậy, phải có hướng dẫn cụ thể thì mới áp dụng tính thuế được” - ông Thịnh chia sẻ.
Ở góc độ CĐT, đại diện một doanh nghiệp BĐS tại TP.HCM cho rằng BĐS bỏ hoang không chỉ ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị mà còn thất thu thuế so với việc khối tài sản đó được đưa vào kinh doanh và người dân cũng hưởng lợi. Biệt thự bỏ hoang còn ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của CĐT. Có nhiều trường hợp khu đô thị được CĐT hoàn thiện hạ tầng, người dân mua xây nhà ở nhưng có một số nhà bỏ hoang, nhếch nhác làm ảnh hưởng đến mỹ quan cả khu.
“Trước đây cũng có CĐT đưa ra quy định nếu người mua đất trong vòng 3-5 năm nhưng không xây nhà để ở thì thu hồi lại. Hiện nay, các CĐT lại có xu hướng bán nhà, biệt thự xây thô hoặc hoàn thiện sẵn. Tuy nhiên, vẫn có nhiều khu đô thị nhà để không rất nhiều vì người mua để đầu tư, mua đi bán lại kiếm lời” - vị đại diện này chia sẻ.
Một số biệt thự tại Nhơn Trạch, Đồng Nai xây xong bỏ hoang.
Ảnh: QUANG HUY
Việc nâng mức thuế đất lên 1%-2%/năm tính trên giá trị nhà, đất sẽ hợp lý hơn so với đề xuất đánh thuế bỏ hoang lên tới 5%-10% tính trên giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cũng cần khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi đưa ra cơ sở pháp lý để áp dụng. PGS-TS ĐINH TRỌNG THỊNH |
Cần xây dựng luật thuế tài sản
Dù đề xuất đánh thuế BĐS bỏ hoang là cần thiết nhưng theo luật sư Trần Xoa, chuyên gia thuế, thì đề xuất chưa có căn cứ pháp lý, không dựa trên luật nào nên rất khó khả thi. Thậm chí đề xuất này có thể gây ra bức xúc cho một nhóm cá nhân có quyền lợi liên quan.
Theo luật sư Xoa, người dân được phép tạo lập tài sản, đánh thuế với tài sản chính đáng của họ là không hợp lý. Thứ hai, người dân có quyền được sở hữu tài sản của mình và chỉ bị xử phạt trong trường hợp vi phạm các quy định liên quan đến đầu tư, mua bán, trật tự xây dựng... Quy định pháp luật không cấm người dân mua nhà, đất để đầu tư, mua đi bán lại.
Luật sư Xoa cho rằng không thể đánh thuế biệt thự bỏ hoang mà chỉ có thể tính thuế với những người sở hữu nhiều nhà, đất, việc họ sử dụng nhà, đất của mình theo mục đích gì là quyền cá nhân.
“Cái gốc của vấn đề này là cần thiết xây dựng luật thuế tài sản, từ đó mới có thể tính toán đánh thuế những người sở hữu nhiều nhà, đất. Khi đó mới có thể ngăn chặn được đầu cơ BĐS. Căn cứ trên luật thuế tài sản mới có thể đề xuất đánh thuế biệt thự bỏ hoang, nhà dự án bỏ hoang hay không” - ông Xoa phân tích.
Đồng tình, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, chỉ ra ở nhiều nước trên thế giới cũng đánh thuế với cá nhân sở hữu nhiều nhà, đất. Mức thuế đất áp dụng theo từng năm khoảng 1,2%-4% tính trên giá trị BĐS đó gồm đất và nhà. Trong khi ở Việt Nam, mức thuế tính trên giá trị đất đai và mức thuế cũng rất thấp, chỉ khoảng 0,03% giá trị BĐS. Đó cũng là một phần lý do BĐS đang bị bỏ hoang, gây lãng phí.
Nguồn cung biệt thự TP.HCM tập trung ở ngoại thành Theo báo cáo thị trường BĐS quý II-2021 của Savills Việt Nam, nguồn cung phân khúc biệt thự, nhà phố tại TP.HCM trong quý này được cải thiện khi tăng 21% so với quý I, đạt 570 căn. Chủ yếu trong số này là nhà liền kề, chiếm 49%. Nguồn cung mới tiếp tục tập trung tại các quận ngoại thành, trong đó mở bán nhiều nhất đến từ một dự án mới tại quận 12 với 300 căn và bốn dự án mở bán thêm tại TP Thủ Đức, quận Gò Vấp và Tân Phú. Tính lũy kế trong sáu tháng đầu năm 2021, nguồn cung sơ cấp biệt thự, nhà phố vẫn giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt hơn 770 căn và thấp nhất trong năm năm qua. Tỉ lệ giao dịch trong quý II tăng 49% so với quý trước đó, đạt khoảng 300 căn. Đối với các dự án đã mở bán từ các quý trước, hơn 60% số dự án đã đạt tỉ lệ bán hơn 80% khiến người mua không còn nhiều lựa chọn. Hàng tồn kho chủ yếu là các biệt thự có giá trị trên 2 triệu USD (tương đương khoảng 46 tỉ đồng) hoặc trong các dự án quy mô nhỏ. |