Vệ sinh ao, chuẩn bị thả nuôi tôm thẻ chân trắng tại trang trại của Công ty Sao Ta - Ảnh: KHẮC TÂM
Tất cả dường như đã chuẩn bị thích nghi với việc sản xuất trong dịch giã, nhưng khi nghĩ đến đầu ra ai cũng lo lắng.
Nhân viên trại tôm ăn kiểu buffet
Anh Ngô Văn Nghiệp là quản lý trang trại tôm của Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta, Sóc Trăng. Hơn 10 năm qua, mờ sáng anh lái xe từ TP Sóc Trăng gần 50km đến trại tôm ở xã Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu, tối lại về TP. Nhưng từ khi Vĩnh Châu có ca mắc COVID-19, anh phải ở lại trại tôm, ăn ngủ cùng công nhân. Sau 10 ngày đêm trải nghiệm ăn, ngủ tại trại tôm cùng khoảng 230 công nhân, cảm nhận đầu tiên của anh Nghiệp là cảm thấy "hơi hơi" nhớ nhà.
"Giờ cũng quen rồi. Ngày làm cực, tối được hứng gió biển, nhìn trại tôm sáng rực ánh đèn không khác gì đô thị" - anh Nghiệp nói vui.
Trại tôm anh Nghiệp quản lý rộng gần 4 cây số vuông với 322 ao tôm (270ha). Vừa thu hoạch tôm đợt 1 được khoảng 4.500 tấn thì Sóc Trăng có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Hiện trại tôm này đang chuẩn bị vệ sinh ao, xử lý nước để thả nuôi tiếp vụ 2. Anh Nghiệp cho biết quy định của trại tôm những ngày qua rất nghiêm ngặt, nội bất xuất, ngoại bất nhập.
"Chúng tôi cũng chia đều ra từng cụm, từng khu... lỡ nếu có người dương tính cũng không ảnh hưởng đến hoạt động nuôi của toàn trại" - anh Nghiệp chia sẻ.
Anh Nghiệp cho biết công ty cũng trang bị kit để test nhanh định kỳ cho công nhân của trại. Khâu ăn, ngủ của công nhân cũng được tổ chức lệch thời gian. Công nhân không ngồi vào bàn như trước nay nữa. Cơm mỗi người một tô. Thức ăn để trên bàn, từng lượt đến chọn như ăn buffet. Còn anh em trực tiếp nuôi tôm, chia nhỏ 11 cụm, có người mang đến, không vào nhà bếp hay văn phòng.
Tại An Giang, Tập đoàn Nam Việt cũng tiên phong trong việc triển khai mô hình "3 tại chỗ" ngay trong trang trại ao nuôi cá tra. Ông Đỗ Lập Nghiệp - phó tổng giám đốc tập đoàn - cho biết hiện chỉ có khoảng 3.000 lao động (chiếm 60%) tình nguyện đi làm. Công ty đã tận dụng nhà xưởng bỏ trống, phòng bảo hộ lao động, hội trường... để công nhân ăn, ngủ và đảm bảo có điện cho mọi người sinh hoạt với yêu cầu tuân thủ mọi nguyên tắc phòng chống dịch.
"Chúng tôi tổ chức ăn, uống miễn phí từ 3 - 4 buổi/ngày, hỗ trợ thêm 1,2 triệu đồng/tháng/người đi làm. Tình hình xuất khẩu và vận chuyển hàng hóa cũng ổn. Doanh nghiệp chúng tôi đang tập trung tiêu thụ các sản phẩm cá tra vào thị trường nội địa nên được xem là hàng hóa thiết yếu. Tuy nhiên, chi phí sản xuất đang đội lên 1,5 lần so với bình thường" - ông Nghiệp nói.
Ngày giãn cách: chờ thương lái, giá giảm dần
Ông Nguyễn Văn Dũng trồng 14ha nếp tại xã Phú An, huyện Phú Tân (An Giang) nhưng không lo lắng lắm về sức khỏe cây lúa. "Cây lúa không cần ngày nào cũng phải ra đồng. Thời điểm này càng ít đi càng tốt. Tôi cũng bỏ thói quen cà phê sáng, hạn chế tiếp xúc mọi người. Cần thiết hơn nữa thì điện thoại hỏi thăm những người làm ruộng gần ruộng mình, nếu có gì không ổn, họ báo để mình xử lý" - ông Dũng nói. Điều ông lo là "còn hơn tháng nữa thu hoạch, mong đến đó hết dịch, nếu không tiêu thụ sẽ gặp khó khăn".
Trong khi đó, với vườn nhãn xuồng 0,5ha sắp thu hoạch nhưng ông Trần Văn Mạnh (xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách, Sóc Trăng) nói vẫn chưa có ai hỏi, khác với khi không có dịch bệnh lúc nhãn căng trái, thương lái đã hẹn ngày xuống coi, định giá và ngày thu hoạch. "Mấy hôm nay tui quay phim, chụp hình gửi cho họ xem nhưng vẫn chưa có câu trả lời. Giá nhãn đã bắt đầu giảm, chỉ còn 10.000 đồng/kg" - ông Mạnh trải lòng.
Tương tự, ông Nguyễn Tấn Lực (xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) mấy ngày qua như ngồi trên đống lửa khi 3 ao tôm nuôi hơn 4 tháng đến kỳ thu hoạch nhưng chưa tìm được thương lái.
"Tôi điện thoại cho gần chục đại lý nhưng nơi nào cũng nói xe chở tôm phải qua nhiều chốt chặn, ngán ngẩm nên tạm nghỉ vài hôm. Khi nào lưu thông đảm bảo, họ sẽ liên lạc. Gần 10 tấn tôm, nếu ngày nào cũng cho ăn, phát sinh chi phí, lỡ tôm bệnh là trắng tay. Ngày nào tôi cũng ở ngoài vuông tôm, tới giờ cơm vợ đem đến, không cho con cháu tới gần, sợ lây bệnh" - ông Lực nói.
Ông Hồ Quốc Lực - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta - cho biết một số quy định nghiêm ngặt trong vận chuyển hàng hóa nông sản nội tỉnh và liên tỉnh đã gây khó khăn cho việc thu mua. "Nếu khâu mua nguyên liệu bị tắc ở vận chuyển, giá tôm nguyên liệu sắp tới giảm là tất yếu, nông dân là người chịu thiệt. Mong các địa phương linh hoạt áp dụng để thực hiện mục tiêu kép" - ông Lực kiến nghị.
Tìm nơi mua nông sản cho bà con
Ông Huỳnh Ngọc Nhã - giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng - cho biết đến nay tỉnh đã thả nuôi gần 40.000ha tôm, hiện đã thu hoạch 10.000ha, đạt sản lượng 50.000 tấn. Thời điểm này Sóc Trăng đã xuống giống lúa hè thu được 141.000ha, khoảng đầu tháng 8 thu hoạch. Ông Nhã cho biết lãnh đạo tỉnh đang tập trung tháo gỡ khó khăn, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa, sản phẩm.
Trong khi đó, ông Trương Kiến Thọ - phó giám đốc Sở NN&PTNT An Giang - cho biết ngoài việc chủ động liên hệ với các chuỗi tiêu thụ, tỉnh đã kiến nghị Bộ NN&PTNT tìm đầu mối mua nếp cho bà con huyện Phú Tân với hơn 120.000 tấn đang gặp khó về đầu ra.
"Bình thường nếp này được xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng hiện nay việc vận chuyển gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, nhờ bộ hỗ trợ tìm nguồn tiêu thụ giúp" - ông Thọ cho biết.
TTO - Ghi nhận ngày đầu giãn cách theo chỉ thị 16 tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ cho thấy chợ truyền thống tại trung tâm một số tỉnh vẫn mở, nhưng thưa thớt người đi mua hàng. Hàng hóa từ đất liền ra đảo vẫn đảm bảo.
Xem thêm: mth.41143037002701202-gnour-gnod-mot-gnouv-ion-hcac-naig/nv.ertiout