Chia sẻ tại hội thảo “Thanh khoản lao dốc: Bán tháo cắt lỗ hay vay tiền ôm đất”, ông Trần Khánh Quang - Tổng giám đốc Công ty Việt An Hoà, chuyên gia BĐS cho rằng, mặc dù tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp nhưng không thấy hiện tượng bán tháo trên thị trường.
Tuy nhiên, giao dịch bất động sản gặp khó, khối lượng giao dịch rất thấp vì không ai đi tới đi lui được nhiều như trước đây. Do đó, nếu cần tiền mặt hoặc cơ cấu lại tài sản thì nhà đầu tư buộc phải giảm giá thì mới giao dịch được. Vì vậy, người mua được quyền ở thế trả giá.
Ông Quang cho biết hiện có những giao dịch mà người mua có thể “mặc cả” giảm xuống được 3-5%, đặc biệt với những sản phẩm trên 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, về phía người mua, họ cũng chưa có tâm lý mua bất động sản ở thời điểm hiện tại và muốn đợi giá giảm xuống nhiều hơn nữa. Bởi lẽ, hiện nay trên thị trường giao dịch rất ít và người mua cũng cảm thấy chưa đến thời điểm mà thị trường BĐS đi xuống
"Theo tôi nghĩ, người mua bất động sản nếu chờ nữa, dịch này cũng kéo dài thì đến tháng 10, tháng 11 thị trường mới có hiện tượng giảm giá xuống. Bởi, trải qua 4-5 tháng đóng tiền lãi vay ngân hàng, gồm tiền đóng tiếp cho mấy lô đất hoặc các căn hộ, nhà đầu tư BĐS hiện tại rất đuối. Người ta sẵn sàng cắt lỗ nếu dịch kéo dài tới tháng 10-11.
Theo tôi nghĩ, tới giữa tháng 8 cứ mạnh dạn đi trả giá. Ai mà giảm giá 10-15% thì mua vô ngay. Đó là giá tốt”, ông Quang gợi ý.
Trong khi đó, trước băn khoăn của nhiều người rằng có hay không việc nhà đầu tư tiếp tục vay thêm tiền để ôm đất, vị chuyên gia nhận định, các nhà đầu tư chuyên nghiệp hiện nay đã chuẩn bị sẵn cho đợt dịch này rồi. Sau đợt dịch thứ nhất, thứ hai, thứ ba tới đợt dịch thứ tư, họ đã có một phương án phòng thủ, tức là chuẩn bị sẵn tiền mặt để có thể sống được qua mùa dịch. Tuy nhiên, cũng có những nhà đầu tư gặp khó khăn nhất định vì chưa chuẩn bị kịp.
“Theo tôi đánh giá, khoảng 80% nhà đầu tư chuyên nghiệp cũ đã có phương án dự phòng tài chính để vượt qua mùa dịch này trong thời điểm 2-3 tháng. Còn 20% các nhà đầu tư chưa chuẩn bị kịp trong thời điểm hiện nay bắt đầu khó khăn trong việc cầm cự.
Nếu tham lam giữ lãi thì tốn rất nhiều tiền nếu không có sự chuẩn bị. Một tháng, hai tháng, ba tháng tôi nghĩ còn gồng được. Nhưng đến tháng thứ tư, thứ năm, thứ sáu thị trường bắt đầu xảy ra chuyện khó. Số lượng 20% nhà đầu tư chưa có phương án dự phòng lúc đó sẽ gặp rủi ro rất lớn.Thành ra lúc đó phải bán giá thấp xuống rất nhiều so với hiện nay. Lúc đó có người sợ hãi thì mới có người tham lam nhảy vào. Người muốn mua BĐS nhảy vào.
Theo tôi nên cố gắng giữ khoảng 3 tháng thì có thể vượt qua được. Còn nếu dịch kéo qua 4 tháng, thì nên tái cơ cấu tài sản giữ tiền mặt lại với nhau. Còn đối với người mua canh BĐS hiện nay, chúng ta cứ canh. Vì BĐS giá trị phụ thuộc rất lớn vào nhu cầu. Chúng ta cứ canh bất động sản phù hợp với nhu cầu”, ông Quang bày tỏ.
Ngọc Diệp
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị