- Ngành Hải quan ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”
- VNPT: Tập đoàn công nghệ Việt Nam đạt nhiều giải thưởng nhất tại Stevie Awards Asia - Pacific
Việt Nam giữ vị trí thứ 25 về chỉ số An toàn, an ninh mạng toàn cầu
Theo báo cáo của Bộ TT&TT, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng các chỉ số phát triển trong cả 6 lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ đều có bước tiến đáng ghi nhận. 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu bưu chính đạt gần 900 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ; sản lượng bưu gửi đạt trên 590 triệu bưu gửi, tăng trên 30% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu dịch vụ viễn thông đạt gần 66,5 nghìn tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ Internet di động có sự cải thiện tương đối rõ rệt, tăng 35,5% so với cùng kỳ.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị. |
Bộ TT&TT đã tiếp tục chỉ đạo thúc đẩy các doanh nghiệp viễn thông ký kết, triển khai kế hoạch tăng cường xử lý SIM rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác bằng cách áp dụng các giải pháp mới cả về công nghệ và cơ chế quản lý nội bộ. Ước tính số lượng sim rác đã giảm trên 60% so với cùng kỳ năm 2020; số lượng tin nhắn rác giảm 68,6%, số cuộc gọi rác giảm 32%. Bộ cũng đã tích cực hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai Chính phủ điện tử, Chính phủ số; thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp Công nghệ số triển khai xây dựng và công bố được 43 nền tảng số.
Bộ TT&TT đã phối hợp, hỗ trợ Bộ Công an thực hiện kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin với các cơ sở dữ liệu (CSDL), hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương trên toàn quốc. Đến nay, 63/63 địa phương đã hoàn thành kết nối thử nghiệm CSDL quốc gia về dân cư.
Trong Báo cáo xếp hạng chỉ số An toàn, An ninh mạng toàn cầu của Liên Hợp Quốc năm 2021, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 25 trong 194 quốc gia. So với năm 2019, Việt Nam đã tăng 25 bậc. Tổng doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT đạt 65 tỷ USD tăng trưởng khoảng 22% so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, lần đầu tiên có sự vào cuộc đồng bộ của các Bộ, ngành và các địa phương thông qua việc Bộ TT&TT thúc đẩy các doanh nghiệp bưu chính thực hiện hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản thông qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT).
Số lượng hộ nông dân lên sàn TMĐT là 7.987 hộ (tăng 191% so với cùng kỳ năm 2020). Số lượng các sản phẩm nông sản đưa lên sàn TMĐT là 14.594 sản phẩm (tăng 268% so với cùng kỳ năm 2020). Tổng giá trị sản phẩm nông sản giao dịch trên sàn TMĐT đạt 944 tỷ (tăng 293% so với cùng kỳ năm 2020). Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam có nông sản (vải thiều Bắc Giang) xuất khẩu sang thị trường Châu Âu theo mô hình "Thương mại điện tử xuyên biên giới" trên nền tảng TMĐT “Make in Viet Nam”.
Lần đầu tiên tại Việt Nam, chỉ riêng với sản phẩm Vải thiều Bắc Giang, đã có gần 10 triệu lượt truy cập vào 2 sàn TMĐT Postmart và Vỏ sò với tổng lượng vải thiều tiêu thụ là 8.280 tấn, đạt giá trị giao dịch gần 250 tỷ đồng và xuất khẩu được gần 140 tấn vải thiều đi các thị trường Châu Âu, Nhật Bản, Úc...
Hoàn thiện nền tảng công nghệ số giúp địa phương phòng chống dịch
Không chỉ hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, Bộ TT&TT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các Bộ ngành trong việc ứng dụng mạnh mẽ các giải pháp công nghệ trong phòng chống dịch bệnh. Bộ TT&TT đã thành lập Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia với các thành viên nòng cốt là lãnh đạo các Đơn vị của Bộ TT&TT, Bộ Y tế và các doanh nghiệp công nghệ lớn nhất của Việt Nam. Trung tâm có nhiệm vụ điều phối, phối hợp, hỗ trợ các yêu cầu về kỹ thuật, hướng dẫn tổ chức triển khai các biện pháp công nghệ cho các bộ ngành, địa phương trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Bộ TT&TT nỗ lực ứng dụng mạnh mẽ các giải pháp công nghệ trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. |
Bộ TT&TT đã triển khai khảo sát, kết nối gần 9000 camera giám sát tại hơn 700 cơ sở cách ly của 60 tỉnh/thành trên toàn quốc; triển khai nhắn tin với hơn 12 tỷ bản tin SMS và cài đặt âm thông báo nhằm tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; ủng hộ Quỹ vaccine chống COVID-19 của Chính phủ và hỗ trợ nhiều địa phương trong vùng dịch. Trong đó, 3 doanh nghiệp viễn thông gồm Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông quân đội - Viettel, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông - VNPT, Tổng công ty Viễn thông MobiFone đã đóng góp 1.050 tỷ đồng cho Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19.
Các doanh nghiệp viễn thông này cũng đã triển khai các hệ thống tiếp nhận hơn 2,5 triệu tin nhắn ủng hộ với gần 114 tỷ đồng ủng hộ Quỹ vắc-xin chống COVID-19 của Chính phủ chỉ trong 1 tháng phát động. Bộ TT&TT đã nhiều lần làm việc với Tổng biên tập các báo lớn nhằm định hướng tuyên truyền về công tác phòng chống dịch để thống nhất cách thức truyền thông hiệu quả, chính xác, không gây hoang mang dư luận về tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch. Bộ TT&TT đã hỗ trợ, đặt hàng 86 cơ quan báo chí thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 với tổng số tiền 58 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu, trong 6 tháng cuối năm, Bộ TT&TT cần tiếp tục tập trung đảm bảo mục tiêu kép là phát triển kinh tế-xã hội và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trong công tác phòng chống dịch bệnh. Các đơn vị chức năng cần phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp công nghệ hoàn thiện các nền tảng công nghệ số tập trung toàn quốc để giúp các tỉnh thành phòng chống COVID-19; Đưa các trợ lý ảo vào hoạt động để hỗ trợ cán bộ, công viên chức nhà nước; Ưu tiên xây dựng các sàn nông sản thành các sàn thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam; Hoàn thiện hệ thống đo lường giám sát không gian báo chí và không gian mạng.
Đặc biệt, nhanh chóng thành lập Bộ chỉ huy tiền phương để hỗ trợ các tỉnh phía Nam dùng tối đa công nghệ trong tất cả các khâu phòng chống dịch, qua đó thúc đẩy chuyển đổi số tại các địa phương này. Huy động tất cả các doanh nghiệp công nghệ số cùng nhau hiệp lực xung quanh Trung tâm quốc gia về công nghệ phòng chống COVID-19.
Các Sở TT&TT phải tích cực, chủ động, đóng vai trò nòng cốt về sử dụng công nghệ trong phòng chống COVID-19. Trong đó, các công nghệ được phát triển theo hướng nền tảng số dùng chung toàn quốc, dữ liệu tập trung và kết nối; Phục vụ cho tất cả các khâu phòng chống dịch, từ nhập cảnh, tới xét nghiệm, truy vết, cách ly và tiêm vắc xin, cũng như cấp chứng nhận tiêm và hộ chiếu vaccine. Đây có thể là Trung tâm quốc gia về công nghệ phòng chống dịch đầu tiên trên thế giới. Trung tâm quốc gia này sẽ được sử dụng lâu dài để phòng chống các loại dịch bệnh khác trong tương lai.
Xem thêm: /409056-hcid-gnohc-gnohp-uahk-cac-gnort-ehgn-gnoc-ad-ioT/us-ioht-naul-hniB-neik-uS/nv.moc.dnac