Ông Nguyễn Thành Phong làm việc với UBND quận Tân Bình sáng 20-7 - Ảnh: ĐAN THUẦN
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Bá Thành - chủ tịch UBND quận Tân Bình - cho biết đến nay trên địa bàn quận ghi nhận 1.281 ca COVID-19, trong đó có đến 1.254 ca từ F1 thành F0 và hiện có 1.147 trường hợp F1 (365 F1 cách ly tại nhà).
Hiện tại quận Tân Bình có tổng cộng 175 điểm phong tỏa, 4 khu vực có ca nhiễm phát sinh cao là: chuỗi lây nhiễm phường 9; chuỗi lây nhiễm phường 2, 3; ổ dịch tại Ni Sư Huỳnh Liên và ổ dịch tại hẻm 373/1 Lý Thường Kiệt, phường 9.
Về chăm lo, hỗ trợ người dân, quận Tân Bình đã chi 100% hồ sơ tiếp nhận (16.170 trường hợp) với tổng số tiền hơn 24,3 tỉ đồng.
Một số phường báo cáo trực tuyến về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Ông Nguyễn Anh Quang, chủ tịch UBND phường 2, báo cáo hiện phường có 67 trường hợp F1 đủ điều kiện cách ly tại nhà. Thời gian đầu, một số trường hợp ý thức chấp hành chưa tốt, gây áp lực cho lực lượng y tế phường trong việc giám sát.
Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Hữu Hưng - phó giám đốc Sở Y tế, hôm nay HCDC sẽ tập huấn cho các quận, huyện triển khai thí điểm ứng dụng VHD (VietNam Health Declaration) để giám sát cách ly tại nhà.
Người được cách ly tại nhà sẽ khai báo số điện thoại, nhận diện khuôn mặt và kích hoạt vị trí cách ly bằng điện thoại thông minh. Người cách ly tại nhà có nhiệm vụ báo cáo với địa phương 3 lần mỗi ngày và khai báo ngay nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như sốt, ho, khó thở...
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, hiện nay nhiều nơi chưa thực hiện nghiêm chỉ thị 16 dẫn đến việc lây nhiễm trong cộng đồng.
Ông Phong lưu ý, các địa phương phải xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm là xét nghiệm, truy bằng được F0. Quản lý nghiêm các khu phong tỏa, hạn chế tối đa giao lưu giữa các hộ dân bằng cách phát huy vai trò của các tổ COVID cộng đồng.
Ông Phong đề nghị phải theo dõi, tập trung điều trị và hạn chế tối đa những trường hợp F0 chuyển nặng để không tạo tâm lý bất an cho người dân.
"Có những trường hợp đang ở khu cách ly tạm thời ở quận nhưng khi chuyển bệnh hoặc có bệnh lý nền nhưng không được chuyển viện khiến họ rất bức xúc. Không chỉ khiến người bệnh bức xúc mà việc này còn tạo bất an cho người thân của họ. Rất nhiều trường hợp nhắn tin cho tôi, phản ánh về việc nhiều lần xin chuyển viện nhưng không được giải quyết kịp thời" - ông Phong nói.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong yêu cầu các địa phương phải có kênh tiếp nhận và giải quyết kịp thời những bức xúc của người dân về những vấn đề y tế, cung ứng thực phẩm…, nhất là đối với những khu phong tỏa.
Việc tiêm vắc xin không được ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch
Cũng tại buổi làm việc, ông Phong đề nghị quận Tân Bình phân công một phó chủ tịch quận phụ trách tổ tiêm vắc xin và lưu ý việc tiêm vắc xin này không được để ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch.
Được biết, quận Tân Bình sẽ nhận khoảng 930.000 liều vắc xin để tiêm cho những người được ưu tiên như: người trên 65 tuổi, người nghèo, người vận chuyển hàng hóa, tuyến đầu chống dịch…
TTO - 'Để ngăn chặn, kiểm soát thành công dịch bệnh, sớm đưa Thành phố trở lại trạng thái bình thường mới, tôi kêu gọi toàn thể người dân tiếp tục ủng hộ, tin tưởng, cảm thông, chia sẻ cùng Thành phố, thực hiện nghiêm quy định về giãn cách xã hội'.