Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021.
Theo đó, VPBank đạt lợi nhuận hợp nhất trước thuế hơn 9.000 tỷ đồng, tăng 37,2% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng riêng lẻ đóng góp 88% vào lợi nhuận hợp nhất. Trước đó, VPBank lãi hơn 4.000 tỷ đồng trong quý 1. Như vậy, lợi nhuận quý 2 khoảng 5.000 tỷ đồng.
VPBank cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, VPBank đã hỗ trợ giảm lãi suất cho hơn 107 nghìn khách hàng để cùng giảm thiểu tác động của dịch bệnh, tương ứng với tổng dư nợ gần 140 nghìn tỷ đồng. VPBank ước tính sẽ giảm gần 1.500 tỷ đồng tiền lãi trong năm 2021 để hỗ trợ khách hàng.
Đến cuối quý 2/2021, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của VPBank là 12,3% theo tiêu chuẩn Basel II. Chi phí dự phòng hợp nhất nửa đầu năm tăng mạnh 35% so với cùng kỳ năm 2020, do đẩy mạnh xử lý nợ xấu và nâng cao trích lập dự phòng rủi ro.
Tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động đến cuối quý 2/2021 là 77%, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn ở mức 26%.
Tại 30/6/2021, tỷ lệ nợ xấu (NPL) hợp nhất của VPBank là 2,94%, tại ngân hàng riêng lẻ là 1,73%. Trong 6 tháng đầu năm 2021, thu nhập từ nợ đã xử lý rủi ro hợp nhất đạt 1.376 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước.
VPBank hiện có khoảng 19 triệu khách hàng trong đó ngân hàng riêng lẻ đạt gần 5,2 triệu khách hàng và FE Credit có hơn 14 triệu khách hàng.
Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu VPBank đã tăng gần gấp đôi, nhờ kết quả kinh doanh tăng trưởng, cùng với thương vụ bán 49% vốn FE Credit cho nhà đầu tư nước ngoài.
Hà My
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị