Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo Bộ y tế, các bộ ngành bàn giải pháp phòng chống COVID-19 tại Bình Dương chiều 20-7 - Ảnh: BÁ SƠN
Ngày 20-7, đoàn công tác của Chính phủ, các bộ, ngành do phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì đã kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 tại tỉnh Bình Dương.
"Việc phòng chống COVID-19 tại Bình Dương không chỉ là tính cho tỉnh, mà còn tính cho TP.HCM. Với đặc thù giáp TP.HCM, năng lực điều trị cho F0 tại Bình Dương cần tính "dôi ra", để khi dịch bệnh tại tỉnh được khống chế, còn sẵn sàng "chia lửa", hỗ trợ cho TP.HCM và các tỉnh lân cận" - phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Phó Thủ tướng cho rằng Bình Dương phải chuẩn bị cho kịch bản diễn biến của dịch bệnh còn phức tạp hơn, cần mở rộng thêm năng lực giường chữa bệnh… Đồng thời, cần có các biện pháp để sàng lọc, kiểm soát dịch bệnh trong các khu nhà trọ công nhân.
Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế tăng cường bác sĩ, trang thiết bị y tế, thiết bị thở oxy… để hỗ trợ theo đề nghị của tỉnh Bình Dương.
Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cho biết tính từ đợt bùng phát dịch thứ tư tới nay, toàn tỉnh đã có trên 3.300 ca mắc trong cộng đồng. Các cơ quan chức năng thực hiện nhiều biện pháp để vừa chống dịch, vừa duy trì sản xuất.
UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế chi viện thêm khoảng 200 bác sĩ, 250 điều dưỡng và hỗ trợ 50 máy thở, trang thiết bị test COVID-19…
Theo thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, phân tích số liệu cho thấy số ca mắc mới và tổng số ca của Bình Dương thường bằng 1/10 số ca của TP.HCM, vì vậy có nhiều cách làm của TP.HCM có thể áp dụng cho Bình Dương.
Các thành viên của Bộ Y tế trong đoàn công tác đề xuất Bình Dương cần mở rộng cho các F1 cách ly tại nhà, giảm áp lực cho các khu cách ly tập trung.
Phó Thủ tướng kiểm tra một lều lưu trú cho công nhân ở lại nhà máy làm việc tại thành phố Dĩ An - Ảnh: B.B.D.
Ý kiến của một số thành viên đoàn công tác cho rằng để thực hiện cách ly F1 tại nhà thì cần đẩy mạnh tổng đài đường dây nóng "hotline" để tiếp nhận thông tin, theo dõi, cập nhật tình hình cách ly của F1 tại nơi cư trú.
Để khắc phục tình trạng khi có kết quả xét nghiệm dương tính dù đã công bố cho người nhiễm biết nhưng họ phải mất thời gian chờ xe cấp cứu đưa đi điều trị, đại diện Bộ Khoa học công nghệ cho rằng cần có hệ thống nhập liệu, theo dõi dữ liệu thường xuyên, số hóa để điều động phương tiện kịp thời, hợp lý.
Trước đó, đoàn công tác đã đi kiểm tra một số cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19, thăm nhà máy "vừa chống dịch vừa sản xuất" tại Bình Dương.
TTO - Trước diễn biến ca mắc COVID-19 tăng cao, đặc biệt là trong nhóm công nhân, tỉnh Bình Dương tiếp tục siết biện pháp giãn cách xã hội và chuẩn bị thêm nhiều bệnh viện dã chiến.