Chuyến bay lên vũ trụ của tỷ phú Jeff Bezos tới đây thu hút rất nhiều sự chú ý của dư luận. Trái với chuyến bay trước đó của tỷ phú Richard Branson vào rìa vũ trụ, đợt phóng lần này của Bezos không có bất cứ phi công hay kỹ sư nào đi kèm. Tàu phóng hoàn toàn tự động và đi cùng nhà sáng lập Amazon chỉ có 3 người gồm anh trai tỷ phú Bezos, một cựu phi hành gia 82 tuổi và một du khách vị thành niên.
Thông báo của Blue Origin, hãng chịu trách nhiệm cho chuyến bay nêu rõ đợt phóng này hoàn toàn tự động, khác với chuyến bay của tỷ phú Branson trước đó vẫn có 2 phi công đi kèm.
"Nếu được nhìn trái đất từ vũ trụ thì bạn sẽ thay đổi được tư duy, từ quan điểm cách đối xử với môi trường, hành tinh cho đến nhân loại", tỷ phú Bezos nhấn mạnh.
Tại sao là ngày 20/7?
Tỷ phú Bezos sáng lập nên Blue Origin vào năm 2000 nhằm hướng tới ước mơ vào vũ trụ, khai thông ngành kinh doanh béo bở trên không gian. Nhà sáng lập này cho biết ông sẽ bán 1 tỷ USD cổ phiếu Amazon mỗi năm để lấy tiền đầu tư cho dự án.
Vị cựu CEO của Amazon này cho biết mình đã mơ ước được bay lên không gian từ năm 5 tuổi khi nhìn theo dõi phi hành gia Neil Amstrong đặt chân lên mặt trăng qua truyền hình. Đây cũng là nguyên nhân ông chọn ngày 20/7, thời điểm kỷ niệm 52 năm cuộc hạ cánh thành công của Apollo 11 lên Mặt trăng làm dấu mốc cho chuyến bay đầu tiên của mình vào không gian.
Thậm chí phi thuyền New Shepard chở Bezos lần này cũng được nhà sáng lập Amazon đặt tên theo Alan Shepard, nhà phi hành gia Mỹ đầu tiên bay ra ngoài vũ trụ. Trong khi đó chiếc tên lửa đang được xây dựng cho lần phóng thứ 2 là New Glenn được đặt tên theo John Glenn, nhà phi hành gia Mỹ đầu tiên bay vào quỹ đạo trái đất.
Trước đó, tỷ phú Bezos đã từ chức CEO của Amazon để tập trung cho những dự án khác bao gồm khả năng phát triển công nghệ, thương mại trong không gian. Nhà sáng lập Amazon hiện đang cạnh tranh với SpaceX của Elon Musk trong việc phát triển mạng lưới vệ tinh Internet không gian. Đồng thời, chuyến bay của Bezos cũng cho thấy cuộc cạnh tranh trong ngành du lịch, vận tải không gian bắt đầu nóng lên.
Chuyến bay thử của Blue Origin
Tuần trước, tỷ phú Bezos đã quyên góp 200 triệu USD cho Viện Smithsonian Institution để tân trang lại bảo tàng hàng không vũ trụ Nation Air and Space Museum, đồng thời xây dựng một trung tâm đào tạo về không gian.
Thời gian, địa điểm
Tên lửa sẽ phóng vào lúc 8h sáng theo giờ địa phương, khoảng 10h tối theo giờ Việt Nam từ bãi phóng của Blue Origin, cách thị trấn Van Horn-Texas khoảng 40km.
Thành viên
Đích thân tỷ phú Bezos đã mời 2 người đi cùng chuyến bay này. Đầu tiên là người anh trai 50 tuổi Mark Bezos và tiếp đó là cựu nữ phi hành gia Wally Funk hiện đã 82 tuổi. Nếu chuyến bay thành công bà Wally sẽ là phi hành gia lớn tuổi nhất từng bay vào không gian.
Bà Wally là một trong số 13 nữ phi hành gia đã tham gia chương trình thử nghiệm thập niên 1960 của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) nhưng sau đó dự án đã bị huỷ bỏ do vấn đề phân biệt giới tính.
Anh Oliver Daemen
Bên cạnh đó, chuyến bay của Bezos còn có sự tham gia vào phút chót của Oliver Daemen, người chiến thắng trong cuộc đấu giá quyên góp 28 triệu USD từ thiện của nhà sáng lập Amazon.
Trên thực tế, cha của Daemen đã tham gia đấu giá cho chiếc vé bay cùng tỷ phú Bezos để lấy tiền làm từ thiện nhưng thất bại. Thế nhưng người chiến thắng trong cuộc đấu giá này lại từ bỏ chuyến bay và Blue Origin chỉ kịp gọi gia đình Daemen 1 tuần trước khi vụ phóng diễn ra. Kết quả là người cha lớn tuổi đã phải nhường chuyến bay này lại cho con trai Oliver mới 18 tuổi.
Nếu chuyến bay thành công, anh Daemen sẽ là người trẻ tuổi nhất từng bay vào vũ trụ và cũng là khách hàng trả tiền đầu tiên của Blue Origin cho du lịch không gian.
Lên bằng tên lửa, xuống bằng khoang cứu hộ
Chuyến bay lần này của Bezos sẽ lên cao hơn so với đợt phóng cách đây 1 tuần của tỷ phú Richard Branson. Nhà sáng lập Amazon sẽ lên độ cao khoảng 106km so với mặt đất trong khi tỷ phú Branson chỉ bay đến 86km.
Tên lửa New Shepard sẽ phóng với vận tốc gấp 3 lần âm thanh (Mach 3) để đưa khoang hành khách lên quỹ đạo. Sau đó tên lửa sẽ tách ra và khoang này rơi trở về trái đất, đáp xuống bằng hệ thống dù.
Hạ cánh thử của Blue Origin
Những hành khách trong khoang sẽ trải nghiệm 3-4 phút không trọng lực trước khi dù được bung để đáp xuống khu sa mạc tại bang Texas. Dù trải nghiệm ngắn ngủi nhưng Blue Origin đã cố xây dựng khoang với cửa sổ lớn, nhắm đến dịch vụ du lịch vũ trụ trong tương lai.
Một thông tin thú vị nữa là tỷ phú Bezos đã thu mua toàn bộ khu đất cho bãi phóng cũng như bãi đáp dự kiến để phục vụ cho chuyến bay vào vũ trụ lần này.
Du lịch không gian
Theo nhiều dự đoán, Blue Origin sẽ bắt đầu bán vé thăm quan vũ trụ ngay sau chuyến bay của tỷ phú Bezos. Thậm chí nhiều người đã xếp hàng để được thưởng thức dịch vụ ngắm trái đất từ không gian này và chỉ chờ mua vé.
Mặc dù Blue Origin không tiết lộ mức giá vé sẽ bán nhưng trong cuộc đấu giá trước đó cho chuyến bay của Bezos, người chiến thắng đã phải trả 28 triệu USD để được ngồi cùng nhà sáng lập Amazon trong phi thuyền.
Khoảng 19 tổ chức nghiên cứu và giáo dục về vũ trụ sẽ được nhận 1 triệu USD cho mỗi tổ chức từ số tiền từ thiện trên. Còn lại Blue Origin sẽ dành cho các nghiên cứu giáo dục của riêng hộ.
Nội thất khoang hành khách của New Shepard
Trong khi tên lửa New Shepard chỉ có thể đưa phi hành đoàn lên rìa vũ trụ trong vài phút thì dự án New Glenn đang được xây dựng có thể mang cả hàng hoá và một nhóm du khách lên quỹ đạo vào cuối năm sau.
Hiện tại, Blue Origin đang nhắm đến việc du hành lên mặt trăng sau khi thất bại trong việc phát triển công nghệ đưa phi hành gia lên mặt trăng cho NASA vào tay SpaceX của Elon Musk. Động thái này của Blue Origin được cho là cạnh tranh trực tiếp với nhà sáng lập của Tesla.
Băng Băng
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị