Dịch phía Nam hết sức phức tạp
PGS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: "Tôi rất lo ngại với tình hình dịch phía Nam hiện nay. Tình hình tại đây hết sức phức tạp và có thể diễn biến xấu. Hiện nay, tình hình dịch bệnh tại khu vực Đông Nam Á đang diễn biết rất xấu không chỉ riêng gì Việt Nam.
Dịch bệnh đang có chiều hướng diễn biến xấu thì dịch lan tràn khắp các tỉnh miền Đông, Tây Nam Bộ, TP HCM. Đặc biệt cách tỉnh phía Tây Nam Bộ sẽ gặp nhiều khó khăn. Đồng Tháp, Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng, An Giang là những tỉnh y tế nhân lực thiếu, không có bác sĩ có tay nghề. Khả năng dịch lan rộng ở các tỉnh thiếu nhân lực, y tế yếu thì ty lệ tử vong sẽ tăng lên.
Còn các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai là nơi tập trung nhiều người, dịch bùng phát sẽ lan rộng. Khi số ca bệnh tăng sẽ tạo ra áp lực lớn về điều trị, trang thiết bị y tế...
Riêng đối với TP HCM, dịch lan rộng đã bắt đầu thiếu về nhân lực, trang thiết bị và không thể chi viện cho các tỉnh lân cận. Nếu như tình hình tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc phức tạp thì bác sĩ chi viện sẽ phải rút về... khiến cho tình hình điều trị tại phía Nam sẽ khó khăn hơn nhiều".
Diễn biến dịch bệnh tại miền Nam đang rất phức tạp.
Theo phân tích của PGS Huy Nga, riêng TP HCM đã thực hiện giãn cách, trong 3-4 ngày tới, số ca bệnh sẽ giảm. Tuy nhiên, số ca sẽ tăng ở các địa phương khác do người làm việc ở TP HCM về quê, dịch bệnh như vết dầu loang lây lan âm thầm, PGS nói.
Nguyên nhân số ca bệnh tại TP HCM tăng nhanh là do dịch bệnh đã âm thầm lây trong cộng đồng từ sau dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, sau đó đã bùng lên mạnh mẽ. Tại miền Nam, mật độ dân cư cao, khi xuất hiện ca bệnh đã lây lan nhanh. Hệ thống y tế chưa có kinh nghiệm nhiều, nhân dân chủ quan khiến cho dịch lây lan nhanh.
Bên cạnh đó, chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh khiến cho tình hình dịch bệnh tại phía Nam lại càng trở lên phức tạp.
Tuy số ca bệnh tại phía Nam tăng nhanh nhưng PGS Huy Nga nói sẽ khó xảy ra kịch bản như tại Ấn Độ. Do Việt Nam có hệ thống y tế, người dân tuân thủ và thực hiện giãn cách nên sẽ không có nguy cơ rơi vào tình trạng "thất thủ" như một số nước. Nhưng để tránh được tình trạng này, cần có ý thức rất lớn của người dân.
"Hiện nay, chúng ta đang chậm chân và chạy theo virus. Cách duy nhất hiện nay chỉ có hy sinh kinh tế giãn cách, khống chế, bao vây các F0 và tiêm vắc xin mới có thể vượt qua được virus.
Trong 10 ngày tới tại miền Nam là thời điểm rất hệ trọng, quyết định liệu có kiểm soát được dịch bệnh hay không. Riêng với TP HCM sẽ phải giãn cách thêm và phải tới tháng 8 tình hình mới ổn, song song với đó là phải tiêm vắc xin và tiêm cho nhóm nguy cơ cao", PGS Huy Nga nói.
Bằng mọi giá giữ được Hà Nội
Phân tích về tình hình dịch tại Hà Nội, PGS Huy Nga cho rằng, Hà Nội đã xuất hiện những ca trong cộng đồng nên tình hình dịch bệnh đã bắt đầu phức tạp lên. Tuy nhiên, TP Hà Nội đã có những biện pháp kịp thời ngăn chặn lây lan như công điện mới đây.
Với Hà Nội, để không rơi vào tình trạng như TP HCM, cần phải chủ động tiêm vắc xin cho toàn dân khi dịch chưa đến. Phải cố gắng giữ được Hà Nội, nếu để "thất thủ" thì hậu quả khó ai có thể lượng trước được, PGS nói.
"Do mật độ dân cư tại TP dày đặc, nhiều người cao tuổi, nhiều bệnh viện trung ương cho nên phải bảo vệ Hà Nội", PGS Huy Nga nói.
Theo vị chuyên gia dịch tễ, trong lúc chờ đợi vắc xin, người dân cần phải thực hiện 5K thật tốt, nếu có lây lan cộng đồng thì phải giãn cách sớm. Bên cạnh đó vẫn phải đảm bảo an toàn sinh hoạt cho nhân dân.
Ngọc Minh
DOANH NGHIỆP VÀ TIẾP THỊ