Kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính với tài xế từ ngoài vào tỉnh Long An ngày 20-7 - Ảnh: SƠN LÂM
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, trong ngày 20-7 việc lưu thông trên các tuyến đường miền Tây Nam Bộ đều khá thông thoáng nhưng kỳ vọng của nhiều doanh nghiệp bỏ "giấy thông hành" xét nghiệm âm tính chưa thành hiện thực.
Chỉ bỏ tại chốt nội tỉnh
Tại Long An, sau khi có văn bản của Bộ Y tế, Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh này tiếp tục có văn bản; theo đó, với phương tiện được phép hoạt động vận tải của các địa phương khác khi vào địa phận tỉnh Long An thì vẫn phải đảm bảo giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính (RT-PCR hoặc test nhanh) được thực hiện trong vòng 72 giờ (kể từ khi lấy mẫu) với lái xe và người đi cùng.
Kèm theo đó là giấy vận tải (giấy vận chuyển) có các nội dung địa chỉ đi, địa chỉ đến, hành trình vận chuyển, địa chỉ dừng nghỉ dọc đường hoặc thẻ nhận diện phương tiện dán trên kính chắn gió phía trước và các giấy tờ theo quy định Luật giao thông đường bộ.
Về lưu thông trong nội tỉnh, Long An khẳng định không cần phải sử dụng giấy xét nghiệm âm tính kể trên. Sở GTVT tỉnh này cũng đề nghị UBND các huyện, thị xã, TP chỉ thiết lập các trạm, chốt có kết nối giao thông với địa bàn giáp ranh của các tỉnh lân cận.
Tương tự, Cần Thơ cũng dỡ bỏ các chốt kiểm soát nội tỉnh, chỉ làm các chốt chặn tại các khu dân cư hoặc lưu động kiểm tra việc đi lại và xử phạt các trường hợp ra đường không có lý do chính đáng. Tại 17 chốt cửa ngõ vào TP Cần Thơ, lực lượng chức năng vẫn yêu cầu tài xế phải có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính do cơ quan có thẩm quyền công nhận cấp và còn thời hạn 3 ngày.
Tại Bạc Liêu, trong ngày 20-7 UBND tỉnh ban hành thêm văn bản hướng dẫn bổ sung người lao động ngoài tỉnh đến làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp trong tỉnh thì phải được tổ chức theo hình thức ôtô đưa đón tập trung theo đúng phương châm "1 cung đường, 2 địa điểm", nếu không đáp ứng thì không cho vào tỉnh.
Còn với việc lưu thông nội tỉnh, Bạc Liêu cũng nói rõ với các trường hợp như thu mua, vận chuyển nông thủy sản từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ; phương tiện chở hàng hóa, thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất… thì không yêu cầu trình giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính.
Văn bản của Bộ Y tế có "liên tỉnh"?
Theo ông Đặng Hoàng Tuấn - giám đốc Sở GTVT Long An, văn bản mà Bộ Y tế đưa ra chỉ hướng dẫn việc vận tải trong nội tỉnh thành đang thực hiện chỉ thị 16 chứ không nói rõ là "liên tỉnh". "Việc kiểm tra giấy xét nghiệm đối với xe ngoại tỉnh nhằm tiếp tục kiểm soát được các nguồn lây từ bên ngoài vào, phù hợp với công tác kiểm soát dịch của chỉ thị 16 mà tỉnh đang áp dụng" - ông Tuấn nói. Đó cũng là lý do mà nhiều tỉnh thành đưa ra để tiếp tục duy trì việc xét nghiệm liên tỉnh.
Tuy nhiên, Đắk Lắk có cách làm khác. Tại các chốt kiểm soát trên quốc lộ 14, 26, 27 và 29 qua địa phương này với nhiều vùng có dịch ở Phú Yên, Khánh Hòa và các tỉnh phía Nam, nhiều ngày nay chỉ kiểm tra thân nhiệt, yêu cầu tài xế khai báo y tế rồi cho đi.
Nếu một tài xế nào đó có dấu hiệu sốt thì mới cho test nhanh để tầm soát. Với tài xế đi về trong ngày thì chỉ khai báo y tế đầy đủ rồi cho qua để tạo sự thông thoáng trên đường, nhất là với những phương tiện đi từ hướng TP.HCM và các tỉnh phía Nam về Đắk Lắk.
Ông Nay Phi La - giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk - nhìn nhận việc các chốt kiểm soát yêu cầu test nhanh âm tính mới cho tài xế, người dân qua là "làm khó". Theo ông La, trên thực tế giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính không có nhiều giá trị trong phòng chống COVID-19 nhưng lại đang gây nhiều khó khăn cho ngành y tế và người dân, làm chậm lưu thông hàng hóa, tạo thêm áp lực kinh tế cho các địa phương.
Tại Cần Thơ, sau khi có phản ảnh của tài xế về việc nhiều xe không vào Cần Thơ mà chỉ đi ngang quốc lộ để đi Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang… cũng bị bắt vào để phun xịt khử khuẩn, dễ gây ách tắc, Sở GTVT Cần Thơ cho hay sẽ kiến nghị lãnh đạo cho dời chốt vào sâu trong phía quận Cái Răng, còn việc kiểm tra giấy xét nghiệm với người từ ngoài vào TP vẫn giữ nguyên.
Trong khi đó tại Sóc Trăng, việc kiểm tra giấy xét nghiệm được thực hiện ngay cả các chốt trong nội tỉnh. Đến chiều 20-7, sau khi nghe phản ảnh, ông Trần Văn Lâu - chủ tịch UBND tỉnh - mới cho biết sẽ chỉ đạo không cần giấy âm tính đối với các xe chở hàng hóa qua các chốt nội tỉnh.
Doanh nghiệp vẫn lo thiệt hại
Ngày 20-7, ông Võ Kim Cương - giám đốc điều hành Công ty TNHH Food Farm thuộc Nông trường Sông Hậu - cho biết hàng trăm tấn sữa thanh trùng Farm Milk của trang trại có nguy cơ đổ bỏ vì việc vận chuyển lưu thông sữa bị ách tắc.
Việc Sóc Trăng sẽ bỏ việc kiểm tra "giấy thông hành" nội tỉnh cũng khiến nhiều doanh nghiệp tại đây "thở phào nửa chừng". Ông Hồ Quốc Lực - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta - cho biết quy định tài xế vận chuyển hàng hóa trong nội ô phải có giấy xét nghiệm còn hiệu lực trong thời gian qua đã gây nhiều khó khăn.
"Từ TP Sóc Trăng xuống trại tôm của công ty ở thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) phải qua 5 chốt kiểm dịch, trình giấy, khai báo… mỗi nơi yêu cầu khác nhau. Hôm qua công ty chỉ thu mua, vận chuyển được 3,5 tấn tôm nguyên liệu về nhà máy, trong khi trước đó mỗi ngày vận chuyển cả trăm tấn. Tôi hy vọng sớm có quy định chung, chi tiết hơn" - ông Lực kiến nghị.
Còn ông Võ Quan Huy - Công ty TNHH Huy Long An (Long An) - cho biết ông đồng ý với việc lưu thông qua các tỉnh, TP cùng thực hiện chỉ thị 16 thì không cần phải có giấy xét nghiệm âm tính.
Bộ Y tế: không cần!
Theo hướng dẫn (văn bản 5753 do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký ngày 19-7), trong vùng giãn cách theo chỉ thị 16 thì không cần có giấy xét nghiệm âm tính đối với người vận chuyển hàng hóa; trường hợp vận chuyển từ vùng phong tỏa, vùng giãn cách ra vùng liền kề, đang áp dụng biện pháp chống dịch thấp hơn thì mới yêu cầu giấy xét nghiệm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 20-7 về tình trạng các tỉnh vẫn yêu cầu giấy xét nghiệm, bà Nguyễn Liên Hương - cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) - cho rằng cần thực hiện theo hướng dẫn của bộ. Bà cho biết đến nay chưa nhận được phản ảnh này nhưng sẽ kiểm tra ngay và báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế giải quyết sớm.
Ách tắc do đòi phiếu xét nghiệm trong vận chuyển hàng hóa được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn, đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa tại nhiều địa phương.
L.ANH
TTO - Cuối ngày 20-7, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công thương cho biết lượng cung ứng hàng hóa thiết yếu cho TP.HCM đã dần ổn định cùng 5.000 xe được cấp giấy thông hành, sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp, siêu thị lưu thông, vận chuyển.
Xem thêm: mth.70005210012701202-gnohk-ion-hnah-gnoht-yaig-iod-teyuq-ion/nv.ertiout