Nhà sáng lập Amazon và Blue Origin là Jeff Bezos đã hoàn thành chuyến bay vào không gian vào đêm qua theo giờ Việt Nam. Theo tiết lộ của chính Jeff, hành trình bay gần 11 phút đó có giá 5,5 tỷ USD. Nghĩa là, mỗi phút tiêu tốn của ông 550 triệu USD!
Đáng chú ý, sau khi hạ cánh an toàn, ông đã gửi lời cảm ơn tới những người đã giúp mình hoàn thành được giấc mơ này: Nhân viên và khách hàng của Amazon!
"Tôi muốn gửi lời cảm ơn tới tất cả nhân viên và khách hàng Amazon. Họ chính là những người đã trả tiền cho chuyến bay này. Từ tận đáy lòng, tôi muốn gửi lời cảm ơn tới mỗi khách hàng, mỗi nhân viên Amazon. Điều đó thật đáng trân trọng".
Tuy nhiên, lời cảm ơn "chân thành" đó của Jeff Bezos đón nhận làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ chính nhân viên Amazon.
Nhiều người trả lời phỏng vấn tờ BI nói rằng họ chả thích thú hay quan tâm gì tới chuyến bay của ông chủ Amazon. Họ chỉ ước giá mà Jeff dành số tiền đã chi cho chuyến bay 11 phút đó để làm những điều khác ý nghĩa hơn, như tăng lương cho nhân viên chẳng hạn.
"Tôi có nghe là ông ấy sẽ bay lên không gian, nhưng nói thật tôi chẳng quan tâm lắm", một nhân viên giấu tên làm việc ở nhà kho JFK8 của Amazon nói. "Tôi và những đồng nghiệp khác đùa rằng ông ấy nên lên luôn sao Mộc và sống một cuộc sống tốt đẹp hơn ở đó".
"Mọi người chắc chắn chả thèm xem TV đâu. Tôi đoán đó là chỉ là một vấn đề lớn lao với mình Jeff thôi. Chúng tôi không nhận được bất kỳ thứ gì từ đó".
Amazon và Blue Origin hiện không phản hồi về những bình luận này.
Ai cũng biết, phần lớn tài sản của Jeff Bezos hiện tới từ 51,7 triệu cổ phiếu Amazon mà ông sở hữu. Mỗi cổ phiếu này đã tăng hơn 3.549 USD so với mức giá khi công ty IPO vào năm 1997. Và trước đây, Jeff Bezos từng nói rằng ông sẽ bán dần lượng cổ phiếu Amazon trị giá 1 tỷ USD mỗi năm để cấp vốn cho hoạt động của Blue Origin. Có lẽ đây chính là ý mà Jeff Bezos muốn nhắc tới, những người tạo nên thành công của Amazon cũng chính là đang giúp sức cho tham vọng chinh phục không gian của ông.
Tuy nhiên, các nhân viên Amazon không tỏ ra hạnh phúc vì điều đó.
"Tôi đoán ông ấy cảm ơn chúng tôi vì chăm chỉ làm việc để giúp ông ta giàu lên mỗi ngày. Ông ta cắt giảm tiền thưởng và quyền chọn mua cổ phiếu của chúng tôi", một nhân viên Amazon ở Indiana nói. Trên thực tế, những nhân viên theo giờ của Amazon không được hưởng quyền mua cổ phiếu hay thưởng.
"Tôi cảm thấy như ông ấy thấy lương tâm cắn rứt, biết rằng mình đã sai khi kiếm tiền từ việc đối xử với người lao động như nô lệ", nhân viên của Amazon ở Staten Island nói, đề cập đến tình trạng mệt mỏi và nguy hiểm mà một số công nhân Amazon gặp phải.
Một số chuyên gia còn nhận định rằng, nếu nói như Jeff thì những người đóng thuế ở Mỹ cũng đang chung tay giúp ông đốt tiền vào Blue Origin.
Sự phụ thuộc của Amazon vào một mạng lưới khổng lồ các tài xế giao hàng theo hợp đồng cho phép Amazon không phải trả chi phí chăm sóc sức khỏe, bồi thường cho người lao động và bảo hiểm thất nghiệp.
Nhiều nhân viên Amazon nói rằng họ cảm thấy Jeff nên chi nhiều hơn từ khối tài sản khổng lồ của mình để giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân viên kể trên thay vì theo đuổi tham vọng bay vào không gian.
"Tôi có thể nghĩ tới nhiều thứ khác ông ấy có thể làm với từng ấy tiền trong tay. Nâng lương, giúp người vô gia cư, người nghèo, người bệnh tật".
"Ông ấy thật ích kỷ khi đốt tiền để đưa mình ông ta lên không gian khi mà còn bao nhiêu người vô gia cư, người chết đói ngoài kia. Ông ta có thể chấm dứt nạn vô gia cư và nạn đói trên toàn thế giới nhưng lại không làm như vậy bởi quá ích kỷ", theo Vickie Shannon Allen - một cựu nhân viên Amazon - người hiện thất nghiệp, vô gia cư sau khi gặp tai nạn ở nơi làm việc. Ông này đang nỗ lực đấu tranh kiện Amazon để đòi bồi thường chăm sóc sức khỏe nhưng bất thành.
Nguồn: BI
Vân Đàm
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị