Ngày 12/7, TP.HCM quyết định thành lập Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (tại cơ sở 2 BV Ung bướu) với quy mô 1.000 giường, trong đó có 100 giường hồi sức nguy kịch, 900 giường hồi sức nặng.
Đây được xem là tuyến cuối cùng điều trị Covid-19 được chuyển về từ các bệnh viện dã chiến, bệnh viện cấp 2, quận, huyện trên địa bàn thành phố.
Trong giai đoạn này, TS. BS Nguyễn Tri Thức vừa tham gia quản lý BV Chợ Rẫy, vừa kiêm nhiệm vụ giám đốc, điều phối chữa trị bệnh nhân tuyến cuối tại BV Hồi sức Covid-19. Đó là một áp lực khổng lồ, nhưng ông vẫn thả một nụ cười nhẹ tênh: "Tên tôi là Thức, giai đoạn này bạn cũng hiểu tôi đang như thế nào".
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với TS.BS Nguyễn Tri Thức cùng BS Trần Thanh Linh.
Tuyến cuối cùng giành giật sự sống cho BN Covid-19 tại TP.HCM
"Bác sĩ phải làm cả việc của điều dưỡng, điều dưỡng làm cả việc của hộ lý"
Gần 1 tuần tuyến cuối điều trị BN Covid-19 được thành lập, hiện tại BV Hồi sức Covid-19 hoạt động như thế nào rồi, thưa các bác sĩ?
BS Trần Thanh Linh: Tính đến ngày 19/7, bệnh viện có 280 giường, nhưng đã nhận 250 bệnh nhân, có 80 máy thở và đã sử dụng hết 70.
Bình thường phòng tiêu chuẩn chỉ cho 1 bệnh nhân, nhưng để giải quyết cho các ca thở máy thì bây giờ phải nhận cùng lúc 2 ca bệnh. Anh em đang thêm 5 máy nữa nên đến hết hôm nay thì hoàn toàn sử dụng hết.
Đây là tuyến cuối nên hầu hết trường hợp đều nặng, nguy kịch. Phía bệnh viện đang nhanh chóng mở rộng các tầng, trong tuần này dự kiến sẽ làm thêm 550 giường. Và dự kiến trong tháng này bệnh viện sẽ tiếp nhận khoảng 1.000 giường bệnh.
Gần như khối lượng công việc hiện tại là vô cùng khổng lồ…
BS Huỳnh Quang Đại: Thú thực, bây giờ cái chuyện vừa mở khoa ra, bệnh nhân được đẩy vô vô liền, là bình thường.
Tuy ngay ban đầu, chúng tôi đều tiên lượng mức độ khủng khiếp sẽ lên đến 1.000 trường hợp nặng, nhưng hiện tại áp lực bệnh nhân quá lớn.
Mỗi ngày đường dây nóng của viện reo liên tục, cả trăm cuộc điện thoại không ngừng nghỉ. Đó toàn bộ là cuộc gọi của BV dã chiến muốn chuyển bệnh nhân lên tuyến cuối.
BV Chợ Rẫy được xem là tuyến rất mạnh khi có mười mấy bác sĩ hồi sức tích cực. Thế nhưng, thời điểm này một nửa đã phải sang BV Hồi sức Covid-19 - đó là một điều cực kỳ quý hiếm.
Bệnh nhân nặng liên tục chuyển về, suy hô hấp nặng phải thở qua mask, đặt nội khí quản, ECMO…. buộc nhân sự chúng tôi bổ sung liên tục, làm việc suốt 24/24.
Có ngày nhận được cuộc gọi từ BV Gia Định để đặt ECMO cho bệnh nhân nặng, anh em phải tức tốc lên đường. Mà muốn đặt ECMO luôn có 4 bác sĩ cùng điều dưỡng, gây tiêu tốn nhân lực rất nhiều.
Lúc trở về tới viện thì đã 4h sáng.
BS Trần Thanh Linh: Mỗi ngày tiếp nhận liên tục 50-60 ca nặng, đó là con số vô cùng lớn. Nhiều lúc bệnh nhân trên lầu đột ngột ngưng thở, cần đặt nội khí quản, anh em liền leo thang chạy đi, mình nhìn thôi đã xót xa.
Bây giờ chỉ cần bác sĩ rảnh tay thì làm cả công việc của điều dưỡng, điều dưỡng làm cả việc của hộ lý. Không phân biệt nhiệm vụ nào. Phải nói cuộc chiến này khó hơn trước đây rất nhiều.
"Bây giờ chỉ cần bác sĩ rảnh tay thì làm cả công việc của điều dưỡng, điều dưỡng làm cả việc của hộ lý".
"Ra khỏi phòng là phải uống liền 1 lít nước"
Cái khó đó như thế nào, thưa các bác sĩ?
TS.BS Nguyễn Tri Thức: Bây giờ, bác sĩ Chợ Rẫy đang phải chia lửa rất nhiều điểm. Đội ngũ cắm chốt ở đây, nhưng tại BV Chợ Rẫy vẫn có 200 ca bệnh, tiếp tục thêm 300 giường nữa.
Suốt đợt dịch Covid-19 đã có tổng cổng 181 y bác sĩ lên đường đi chi viện. Vừa chia người cho 6 bệnh viện dã chiến tại TP.HCM, vừa cử đoàn bác sĩ hồi sức chuyên nghiệp đi tiếp sức cho Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Tiền Giang, rồi còn tham gia tiêm chủng vaccine, lấy mẫu…
Làm sao để vừa tổ chức lực lượng các nơi, vừa đảm bảo cho không bị lủng lưới nhà Chợ Rẫy, đó là 1 áp lực vô cùng lớn!
Với lượng công việc khổng lồ như vậy, đội ngũ y tế đảm bảo sức khoẻ ra sao?
TS.BS Nguyễn Tri Thức: Tên tôi là Thức, giai đoạn này bạn cũng hiểu tôi đang như thế nào! (Cười).
BS Huỳnh Quang Đại tiếp lời:
Lúc vận hành BV Hồi sức Covid-19, phía lãnh đạo đã tổ chức cho nhân viên nghỉ ngơi tại khách sạn. Thế nhưng, từ đó đến giờ tôi còn chưa về lần nào, chẳng biết tên khách sạn là gì.
Làm việc rồi sinh hoạt tại chỗ luôn. Ăn uống thì bệnh viên cung cấp tận chỗ ở, nhưng nhiều khi một ngày chẳng động vào. Ra khỏi ca thì kiệt sức tới mức uống luôn 1 lít nước để bù lại lượng nước đã mất do mặc đồ bảo hộ.
Chiến thuật đánh chặn từ xa
So với các đợt dịch trước đây, tình hình tại TP.HCM đang như thế nào, thưa các bác sĩ?
BS Trần Thanh Linh: Tỉ lệ bệnh nặng lớn hơn rất nhiều.
Với chủng Delta này thì bệnh diễn tiến rất nhanh, ngay cả với người trẻ. Hiện tại chưa có thống kê nhưng lượng bệnh nhân tại viện đều từ 28 đến hơn 50, trong đó trẻ nhất 28 tuổi. Số ca bệnh nặng trên 60 tuổi thì chiếm hơn phân nửa rồi.
So với con số tại Bắc Giang trước đây thì hơn 35.000 ca tại TP.HCM lớn hơn rất nhiều. Trong khi vẫn chưa biết có phải là đỉnh điểm không.
Bên cạnh đó, dịch Covid-19 ở Bắc Giang chỉ xảy ra trong khu vực các khu công nghiệp nên khoanh vùng được, không để lan ra cộng đồng. Tuy có ca nặng nhưng người trẻ nhiễm không lớn, người lớn tuổi có bệnh nền cũng không nhiều.
Nhiều bệnh nhân tại khu điều trị BV Hồi sức Covid-19 có diễn tiến nặng và nguy kịch.
Vậy chiến thuật dập dịch Covid-19 tại TP.HCM đang như thế nào?
TS.BS Nguyễn Tri Thức: Đánh chặn từ xa.
Ngay từ đầu, BV Hồi sức Covid-19 chúng tôi đã thành lập đường dây nóng để hội chẩn, cử bác sĩ có chuyên môn cao đến các chốt bệnh viện cấp 2 tại TP.HCM để chữa trị bệnh nhân nặng, không để nó đổ đồn về đây.
Qua đường dây nóng, chúng tôi cũng có tiêu chí để nhận người nhiễm Covid-19 sớm khi có dấu hiệu trở nặng, chứ không đợi thở máy.
Khi đã chuyển về đây thì nhanh chóng đánh giá tình hình, nếu bệnh nhân ở độ 3 thì nhất quyết đẩy nó xuống độ 2, rồi độ 1 chứ không để lên độ 4. Phải đánh chặn tầng tầng lớp lớp từ xa như thế, không chờ tới tuyến cuối là thất bại ngay.
Hiện tại, trung tâm này không chỉ là của TP.HCM mà kể cả miền Đông, miền Tây. Muốn bệnh nhân sướng, bác sĩ phải khổ!
TS.BS Nguyễn Tri Thức nêu phương thức đánh chặn từ xa.
Cuộc gọi của Bộ trưởng Bộ Y tế và cái thuận lợi trong nguy hiểm
Cái khổ này đều được tất cả đội ngũ y tế đồng lòng chia lửa chứ, thưa ông?
TS.BS Nguyễn Tri Thức: (Cười!). Phải nói mặc dù rất khó khăn nhưng chúng tôi vẫn nhận được nhiều thuận lợi.
Thứ nhất, từ khi tôi tiếp nhận Bệnh viện Chợ Rẫy, ở đây đã xây dựng một văn hoá đoàn kết vô cùng lớn nên chỉ cần ráp lại với nhau là y bác sĩ đã thành đội bóng, đá rất tốt. Ngoài ra, còn có tăng cường từ khu vực phía Bắc vào như Thanh Hoá, Hải Phòng, Bắc Giang, sự phối hợp điều tiết của tất cả bệnh viện tại TP.HCM.
Thứ 2, về trang thiết bị y tế, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết sẽ mở kho dự trữ. Tối hôm qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng gọi điện cho tôi, bảo sẽ sớm vận chuyển trang thiết bị y tế vào Nam và cho tôi toàn quyền quyết định.
BS Trần Thanh Linh sẽ kiêm nhiệm vụ Phó Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19 thời điểm hiện tại.
Cuối cùng, thật sự đã có rất nhiều nhà hảo tâm, doanh nghiệp tài trợ vật tư y tế, suất ăn nhanh chóng cho y tế.
Những cái thuận lợi như thế nên dù có khó khăn cỡ nào, tất cả anh em ở đây đều đoàn kết thành một khối thống nhất.
Vậy các bác sĩ có hy vọng gì dựa vào sự đoàn kết đồng lòng này?
BS Trần Thanh Linh: "Hy vọng đây là trận lớn nhất và cũng là trận cuối cùng để chúng ta đẩy lùi dịch bệnh Covid-19".
Chân thành cảm ơn những chia sẻ và đóng góp của các bác sĩ. Chúc mọi người sức khoẻ và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
HUY HẬU GHI
TỔ QUỐC