Nông dân lời tiền tỉ, trang trại ao nuôi trúng mùa, doanh nghiệp xuất khẩu thắng lớn, "thủ phủ tôm" Sóc Trăng đang vào mùa bội thu, vượt sóng đại dịch COVID-19.
Đang cùng chục lao động sửa lại bạt để chuẩn bị ao thả nuôi tiếp vụ 2, anh Trần Duy Tính (xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, Sóc Trăng) khoe mới thu hoạch xong 10 ao, trừ chi phí còn "lời gần 3 tỉ đồng".
Anh Tính cho biết, năm nay nuôi khá thuận lợi, tôm mau lớn, ít bị bệnh. Sau khoảng 4 tháng thả giống, tôm nuôi của anh Tính đạt cỡ 30 con/kg.
"Giá tôm nguyên liệu thời gian qua dao động từ 110.000 -150.000 đồng/kg tùy cỡ. Tôm càng lớn, giá bán càng cao. Với bán như vậy, người nuôi có lời khá. Vài ngày nữa tôi thả giống nuôi tiếp vụ 2, mong mọi điều thuận lợi như vụ 1", anh Tính cho biết.
Cách đó không xa, ông Trần Văn Út đang hì hụp cùng người làm vác thức ăn cho tôm ra ao. Chú Út cho biết tôm vụ 1 năm nay lớn như thổi, khoảng 3 tháng có thể thu hoạch kiếm lời.
"Thêm cái nữa, tỉ lệ sống đạt rất cao, gần như tuyệt đối. Do vậy phải thu tỉa 2 đến 3 lần, nếu không bị "chật", tôm chậm lớn", chú Út cho hay.
Vụ 1 năm nay, ông Út nuôi 20 ao phủ bạt, đầu tư tuy có lớn, nhưng nuôi ao phủ bạt đáy dễ quản lý dịch bệnh.
"Vụ này, cầm chắc 5 tỉ tiền lời. Các công ty xuất khẩu được hàng, có đầu ra nên mua tôm của bà con với giá khá cao, không có chuyện o ép, làm khó", ông Út thông tin.
Không chỉ những người nông dân nuôi tôm như anh Tính, ông Út được nhắc đến ở trên kiếm lời hàng tỉ đồng, mà các doanh nghiệp nuôi và chế biến, xuất khẩu đặc sản này ở Sóc Trăng cũng "trúng bể tay".
Dù đang mới vụ 1, nhưng theo ước tính, trang trại tôm của Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta ở xã Vĩnh Tân (thị xã Vĩnh Châu) thu hoạch không dưới 4.500 tấn.
Lãnh đạo trang trại này cho biết, sau 10 năm nuôi tôm, chưa bao giờ thấy tôm mau lớn, đạt tỉ lệ sống cao như vụ 1 năm nay. Hầu hết tôm nuôi của trang trại này đều lọt vào cỡ 25 - 30 con/kg, có ao đạt 20 con/kg.
Ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta - cho biết, hầu hết các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu tại Sóc Trăng đều có tăng trưởng cao so cùng kỳ. Riêng ở Sao Ta, 6 tháng đầu năm, doanh doanh này xuất khẩu tôm đạt 100 triệu USD, tăng trên 35% so cùng kỳ. Dự kiến cuối năm 2021 sẽ đạt khoảng 200 triệu USD.
Theo chuyên gia kinh tế Trần Hữu Hiệp, các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và Bến Tre nhiều năm liền đứng đầu cả nước về diện tích và sản lượng tôm nuôi, chiếm khoảng 70-80% sản lượng và giá trị xuất khẩu. Đại dịch COVID-19 làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ, nhưng con tôm Việt Nam vẫn "chen qua cánh cửa hẹp", vượt sóng, tiếp tục đà tăng trưởng trong thời gian qua.
Sóc Trăng đang là thủ phủ của tôm thẻ chân trắng. Ông Huỳnh Ngọc Nhã - Giám đốc Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng - cho biết, trong số 30.000ha tôm đang thả nuôi tại tỉnh này (kế hoạch là 50.000ha), diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng lên đến 23.000ha, 23.000ha, tôm sú khoảng 7.000ha, tổng sản lượng ước trên 46.000 tấn trong vụ 1 năm nay. Năng suất bình quân của tôm thẻ chân trắng là 4,7 tấn/ha, tôm sú 1,7 tấn/ha.
"Môi trường, thời tiết, giá cả… đều ủng hộ người nuôi tôm. Thời điểm này chỉ có 754ha tôm bị thiệt hại, chiếm trên 3% diện tích thả nuôi. Nhiều nông dân thả nuôi sớm đã thu hoạch, năng suất cao, bà con rất phấn khởi", ông Nhã nói.
6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu tôm của Sóc Trăng đạt khoảng 580 triệu USD, tăng hơn 32%, so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Võ Văn Chiêu - Giám đốc Sở Công thương Sóc Trăng - tỉnh này có khoảng 10 doanh nghiệp lớn, chế biến và xuất khẩu thủy sản chuyên sâu. Các doanh nghiệp tỉnh này đang không ngừng mở rộng qui mô, đầu tư trang thiết bị hiện đại để xuất khẩu hàng vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu… dự kiến sẽ vượt con số 1 tỉ USD năm nay.
Tính trên cả nước, theo Hiệp hội chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP), nửa đầu năm 2020 các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu được 1,7 tỉ USD tôm, tăng 13% so với năm 2020. Tôm thẻ chân trắng tiếp tục chiếm số lượng áp đảo, với 1,3 tỉ USD, chiếm 73%, tôm sú đứng thứ 2 với 257 triệu USD, giảm 10%, còn tôm chế biến các loại đạt 154 triệu USD, giảm 16%.
Năm 2020, các doanh nghiệp tôm Việt Nam đã xuất khẩu được 3,7 tỉ USD, tăng 11% so với năm trước đó. Trong số này, Sóc Trăng đóng góp 823 triệu USD, tăng 24,5% so với năm 2019.
Các FTA mà Việt Nam ký kết đã phát huy hiệu lực, thúc đẩy tôm và các ngành thủy hai sản khác thêm lợi thế cạnh tranh từ thuế. Từ tháng 8-2020, hiệp định mậu dịch tự do Việt Nam - EU có hiệu lực. Tháng 2-2021, Mỹ cũng chính thức bỏ áp thuế chống bán phá giá với doanh nghiệp tôm Việt Nam. Quan trọng hơn, nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường chủ lực như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức… đã hồi phục.
Một phần của sự tăng trưởng, theo các chuyên gia, nhờ vào việc Việt Nam thời gian qua kiểm soát thành công dịch bệnh, không để lan rộng, vì thế nông dân, doanh nghiệp cùng yên tâm sản xuất. Một phần khác, theo giải thích của ông Hồ Quốc Lực, năm nay "cường quốc" nuôi tôm là Ấn Độ bị dịch bệnh COVID-19 hoành hành nên sản lượng cung ứng toàn cầu giảm đáng kể, nhờ vậy sức tiêu thụ tôm của Việt Nam có thuận lợi hơn.
Hiện tại, tôm Việt Nam xuất khẩu đến 100 thị trường, chủ yếu là châu Âu, Mỹ, đang hướng đến con số kim ngạch đạt 4,4 tỉ USD trong năm 2021.
Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp cho biết khu vực ĐBSCL đã hình thành cụm nhà máy chế biến thủy sản có công nghệ hiện đại và thị trường tiêu thụ tốt. Một số doanh nghiệp lớn tầm cỡ quốc gia, vươn tầm quốc tế như Tập đoàn thủy sản Minh Phú, Việt Úc, Sao Ta đóng góp phần lớn vào kim ngạch xuất khẩu tôm, đưa Việt Nam vào nhóm 3 nước xuất khẩu hàng đầu, chiếm 15% thị phần xuất khẩu các sản phẩm tôm trên thế giới. Riêng phân khúc tôm chế biến, Việt Nam đứng đầu, chiếm 28% tổng giá trị xuất khẩu tôm trên thế giới.
Chuyên gia Trần Hữu Hiệp cho rằng cơ hội và tiềm năng phát triển của con tôm còn rất lớn. Thế mạnh về điều kiện tự nhiên vùng nuôi, năng lực chế biến và xuất khẩu tôm Việt nói chung và ĐBSCL nói riêng đã được nhận diện, nhưng để thật sự trở thành một "công xưởng nuôi tôm thế giới", phát triển bền vững, ngành tôm còn phải làm nhiều việc phải làm, từ ứng phó với các thách thức biến đổi khí hậu, dịch bệnh, đến thị trưởng, xu hướng tiêu dùng, đầu tư công nghệ…
Ông Võ Văn Phục - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam - cho biết, thời gian qua, khi nền kinh tế các quốc gia ở Mỹ, châu Âu và Nhật đã mở cửa, hồi phục trở lại sau khi người dân được tiêm vắc xin, nhu cầu về tôm tại tại các quốc gia này đang tăng lên, khiến không ít khách hàng muốn thưởng thức món đặc sản này phải đặt chỗ ở nhà hàng trước 15 ngày. Tuy nhiên, trước diễn biến lây lan nhanh của biến thể Delta, cùng với việc mở cửa đi lại nên nhiều người lo ngại dịch bệnh sẽ bùng phát trở lại.
"Điều này sẽ tác động đến giá tôm nguyên liệu và tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp", ông Phục tỏ ra lo lắng khi từ trước đến nay quý 3 là thời điểm các doanh nghiệp tập trung cho xuất khẩu nhiều nhất.
"Do quý 1 và 2 giá tôm nguyên liệu ít và cao nên các doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng. Quý 3 mới là những tháng làm ăn thiệt. Hiện nay, COVID-19 đang bao vây các tỉnh miền Tây. Các doanh nghiệp phải vừa tập trung sản xuất, vừa căng sức phòng, chống dịch. Chúng tôi đang đau đầu và rất căng thẳng", ông Phục trải lòng.
Ông Hồ Quốc Lực của Sao Ta cho biết thêm rằng do các hãng tàu "làm giá" nên chi phí container vẫn chưa hạ nhiệt, khiến các doanh nghiệp có hàng xuất khẩu gặp khó. Chưa kể, thủ tục báo cáo chi xuất từng lô hàng đang gặp khó khăn do khâu đánh mã số nuôi tiến triển rất chậm.
"Cộng đồng doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm tha thiết đề nghị các bộ, ngành quan tâm hơn vấn đề này", ông Lực đề xuất.
Xem thêm: mth.12564500161701202-yat-eb-gnurt-uv-oav-gnart-cos-mot-uhp-uht-91-divoc-gnos-touv/nv.ertiout