Thứ trưởng Bộ Công thương và Cục Quản lý thị trường TP.HCM kiểm tra các chợ truyền thống tại TP.HCM - VIDEO: N.TRÍ
Theo thứ trưởng, hiện một số nơi còn thiếu hàng cục bộ, giá cả tăng hơn bình thường. Nhưng không thể chấp nhận việc lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, tích trữ và làm lợi trên khó khăn chung, khó khăn của người dân.
"Chúng tôi rất cần có sự phối hợp của người dân để phản ảnh với chúng tôi những nơi nào bán giá không hợp lý, không đúng niêm yết để chúng tôi chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường thực hiện đúng chức năng của mình, xử lý nghiêm", thứ trưởng khẳng định.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải trao đổi với tiểu thương tại chợ Bình Thới (Q.11) - Ảnh: N.TRÍ
Tại buổi kiểm tra hoạt động các chợ truyền thống tại TP.HCM vào sáng 21-7, do Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải dẫn đầu, ông Trương Văn Ba - cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM - cho biết đã chỉ đạo các đội bám địa bàn để kịp thời phát hiện các hành vi bán hàng không niêm yết giá, bán hàng không đúng giá niêm yết để kịp thời xử lý.
Theo ông Ba, cục đã công bố 2 số điện thoại qua đường dây nóng, vì thế "rất mong nhận được những phản ánh của người dân đối với việc nâng giá, bán giá không niêm yết".
Trao đổi với đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Bá Tùng - trưởng ban quản lý chợ Bình Thới (Q.11) - cho biết hiện nguồn cung tại chợ đang dần ổn định nhờ tiểu thương đa dạng nguồn nhập.
Về giá bán, ông Tùng cho biết một số mặt hàng như rau, củ và thủy hải sản do giá nhập vào tăng nên tiểu thương bán ra có tăng hơn so với bình thường, nhưng mức tăng vừa phải và đang có dấu hiệu giảm dần nhờ nguồn cung tăng.
"Những tiểu thương bán giá không hợp lý hoặc quá cao chúng tôi sẽ kết hợp với cơ quan chức năng để xử lý, có thể cho ngưng bán", ông Tùng khẳng định.
Do khâu nhập hàng gặp khó nên giá bán mặt hàng thủy hải sản được tiểu thương tại chợ An Đông (Q.5) cho biết tăng hơn bình thường - Ảnh: N.TRÍ
Theo bà Thoa - tiểu thương tại chợ An Đông (Q.5), do chợ đầu mối Bình Điền tạm ngưng nên bà phải lấy hải sản từ Vũng Tàu và các địa phương khác nên giá nhập vào tăng hơn, vì vậy giá bán ra tăng 20-30% so với bình thường, và việc tăng giá này là hợp lý do tiểu thương bị động về nguồn nhập.
Kiểm soát người đi chợ bằng phiếu ra vào chợ tại chợ Bình Thới - Ảnh: N.TRÍ
Theo Thứ trưởng Hải, bình thường các chợ đầu mối và chợ truyền thống cung cấp 70% nguồn cung thực phẩm cho TP, và 30% từ hệ thống hiện đại như siêu thị; việc đóng cửa các chợ khiến áp lực nguồn cung đổ dồn lên hệ thống hiện đại, như vậy không chỉ ảnh hưởng đến TP mà còn các địa phương. Do đó, Bộ Công thương sẽ đề nghị với TP.HCM nghiên cứu sớm mở thêm các chợ truyền thống, chợ đầu mối.
"Để giảm áp lực với một số chợ đang mở, và giảm áp lực cho người dân, khi chúng ta mở chợ nhiều hơn thì tạo điều kiện cho người dân dễ tiếp cận với hàng thiết yếu", thứ trưởng nhận định.
Người dân vào chợ An Đông phải cầm phiếu mua hàng để ghi thông tin cụ thể của cá nhân và đưa cho sạp hàng ghi lại thông tin ngày, giờ, tên sạp đã bán - Ảnh: N.TRÍ
Theo Sở Công thương TP.HCM, tính đến ngày 20-7, TP có 44/234 chợ truyền thống hoạt động; 3 chợ đầu mối gồm Bình Điền, Hóc Môn và Thủ Đức tạm ngưng hoạt động nhưng hiện chợ đầu mối Thủ Đức đã thành lập điểm tập kết trung chuyển hàng hóa, và sắp tới là chợ đầu mối Hóc Môn nhằm hỗ trợ nguồn cung cho người dân.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 21-7 - ông Bùi Tá Hoàng Vũ - giám đốc Sở Công thương TP.HCM - cho biết các quận, huyện đang tích cực xây dựng kế hoạch mở bán lại các chợ truyền thống trong điều kiện đảm bảo dịch bệnh, khả năng sắp tới sẽ có thêm nhiều chợ mở bán.
"Tuy nhiên, khâu an toàn dịch bệnh vẫn đặt lên hàng đầu nên công tác này cần thực hiện thận trọng để đạt mục tiêu kép vừa cung cấp thực phẩm cho người dân, vừa đảm bảo dịch bệnh khi mở cửa chợ", ông Vũ nhấn mạnh.
Các vách ngăn tại khu bán hàng ở chợ Bình Thới được áp dụng để đảm bảo an toàn dịch bệnh - Ảnh: N.TRÍ
Sớm tháo gỡ khó khăn cho khâu vận tải
Thứ trưởng thừa nhận dù đã có những chỉ đạo từ Thủ tướng, bộ ngành liên quan về việc tạo điều kiện cho vận chuyển hàng hóa thiết yếu nhưng thực tế hiện vẫn có một số địa phương áp dụng không đồng nhất, chưa tuân thủ đúng quy định.
"Chúng tôi sẽ có thêm buổi làm việc với các bộ, địa phương liên quan để sớm tháo gỡ khó khăn cho vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh thành với nhau, giữa các tỉnh thành với TP.HCM và ngược lại, đặc biệt tại 19 tỉnh thành áp dụng chỉ thị 16 của Chính phủ", ông Hải khẳng định.
TTO - Ngày 19-7, Phó chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng ký gửi khẩn văn bản số 2382 về việc tổ chức chợ truyền thống hoạt động trở lại trong điều kiện đảm bảo an toàn đến nhiều sở ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện.