Hàng trăm người xếp hàng, chen chân chờ xét nghiệm COVID-19 - Video: PHẠM TUẤN - Đ.THÀNH
Sáng 21-7, tại Viện kiểm định Quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế), hàng trăm đã chen chúc xếp hàng trước cổng cơ quan này trên để chờ xét nghiệm COVID-19.
Theo ghi nhận, lượng người tụ tập tại địa điểm trên rất đông đúc, không đảm bảo giãn cách 2m, một số người còn chen lấn xô đẩy, không thực hiện nghiêm 5K, không tụ tập quá 5 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện... như công điện 15 của chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Tại Viện kiểm định Quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế), hàng trăm đã chen chúc xếp hàng trước cổng Viện trên để để chờ xét nghiệm COVID-19, sáng 21-7 - Ảnh: Đ.THÀNH
Trước tình trạng chen lấn chờ lấy mẫu xét nghiệm, nhân viên bảo vệ của Viện cho biết có phương án nhắc nhở, giãn cách nhưng nhu cầu người dân quá lớn dẫn đến quá tải khiến lực lượng bảo vệ cũng bất lực.
Theo lịch làm việc, buổi sáng Viện trên làm việc từ 7h-11h và giới hạn tiếp nhận xét nghiệm PCR cho 350 trường hợp, test nhanh là 150 trường hợp. Buổi chiều làm việc từ 13h30 đến 16h30 giới hạn tiếp nhận xét nghiệm PCR cho 300 trường hợp, test nhanh là 150 trường hợp.
Tuy nhiên, 10h cũng ngày, vì lượng người tụ tập quá đông, không đảm bảo phòng dịch Viện kiểm định Quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế đã phải ngừng tiếp nhận người xét nghiệm để đảm bảo an toàn.
Nhiều người xếp hàng từ sớm để test COVID-19, như một giấy thông hành ra khỏi thủ đô - Ảnh: CTV
"Chúng tôi không thấy có ai hướng dẫn, chỉ khi thấy Viện đóng cửa không tiếp thêm người xét nghiệm nữa thì đành phải quay về. Mất công chen chúc, xếp hàng gần 2 tiếng ở đây", một người dân đợi chờ từ sớm nhưng không được xét nghiệm nói.
Hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố yêu cầu người dân từ Hà Nội về các tỉnh, phải có giấy xét nghiệm có kết quả dương tính với COVID-19 trong vòng 2 đến 3 ngày trước khi trở về địa phương, khiến lượng người đi xét nghiệm COVID-19 tăng lên đột biến.
Anh Lê Đình Khánh - Chương Mỹ, Hà Nội - lái xe đường dài cho hay, bây giờ đa số các tỉnh đều phải yêu cầu mẫu xét nghiệm âm tính, nếu không có sẽ không được vào tỉnh, vì vậy cứ 3 ngày anh phải đi xét nghiệm COVID-19 một lần.
Viện trên đã phải tạm tiếp nhận người đến xét nghiệm vì không đảm bảo an toàn phòng dịch - Ảnh: Đ.THÀNH
"Hôm nay đến đây lấy mẫu lượng người rất đông, tôi cũng rất lo ngại, tuy nhiên vì công việc nên cũng phải đến để làm", Anh Khánh nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, Chánh văn phòng UBND quận Hoàng Mai Hoàng Thị Thuý cho hay, hiện nay Quận đã nắm được thông tin và đang báo cáo với lãnh đạo UBND quận để có những phương án cụ thể đối với các cơ sở lấy mẫu xét nghiệm COVID-19, cũng như tiêm vắc xin trên địa bàn.
"Trong chiều nay, 4 đơn vị gồm phòng y tế quận, trung tâm y tế, phường Đại Kim và đại diện Viện kiểm định Quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế đang tiến hành họp tại phường để tìm ra giải pháp tháo gỡ tình trạng tụ tập đông đúc như sáng nay", vị lãnh đạo văn phòng quận cho hay.
Cũng theo vị Chánh văn phòng quận Hoàng Mai, hiện nay, điểm xét nghiệm trên vẫn đang tạm đóng cửa, trước khi tìm ra phương án tốt nhất cho quá trình lấy mẫu xét nghiệm, tránh việc tụ tập đông người lặp lại.
Trước đó, UBND TP Hà Nội quyết định áp dụng các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 từ 0h ngày 19-7 trên địa bàn toàn TP. Cụ thể:
Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động, mua lương thực, thực phẩm, thuốc men và các trường hợp khẩn cấp khác như cấp cứu, khám chữa bệnh, thiên tai, hỏa hoạn…
Hà Nội cũng yêu cầu người dân thực hiện nghiêm 5K, giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tụ tập quá 5 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; khai báo y tế thường xuyên trên website www.tokhaiyte.vn hoặc ứng dụng Ncovi, Bluezone khi ra ngoài. Khuyến khích mọi người dân sử dụng thương mại điện tử, giao hàng tại nhà.
"Dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu. Các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ được hoạt động bao gồm: nhà máy, cơ sở sản xuất, công trình giao thông, xây dựng, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như lương thực, thực phẩm, dược phẩm, điện, nước, nhiên liệu, xăng, dầu...).
Các cửa hàng dịch vụ ăn uống chỉ bán hàng mang về, cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển; xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ... yêu cầu bắt buộc khai báo y tế bằng mã QR", chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo.
Đối với các cơ quan, công sở của TP và Trung ương đóng trên địa bàn, các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn (bao gồm cả các công ty có vốn đầu tư nước ngoài) chủ động xây dựng phương án làm việc 50% trực tuyến, chia ca, hạn chế làm việc đông người.
TTO - Tối 20-7, trước tình trạng ùn tắc cục bộ tại 22 chốt kiểm dịch ra vào TP, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã chỉ đạo khẩn hai lực lượng công an và giao thông vận tải có giải pháp kịp thời khắc phục ngay vấn đề này.
Xem thêm: mth.46861634112701202-91-divoc-meihgn-tex-ed-nal-nehc-iougn-mart-gnah-ion-ah/nv.ertiout