“Khi dịch COVID-19 được kiểm soát, thị trường chứng khoán có khả năng phục hồi rất nhanh và những nhà đầu tư rút tiền ra khỏi thị trường có thể sẽ phải hối hận về quyết định của mình”, Giám đốc điều hành khối đầu tư chứng khoán và trái phiếu của VinaCapital nhận định.
Các chuyên gia phân tích từ Công ty chứng khoán Thành Công cho rằng có thể so sánh với thị trường chứng khoán Ấn Độ, quốc gia vừa trải qua thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ. Khi số ca nhiễm tại Ấn Độ tăng từ mức "bình thường" khoảng 25.000 ca/ngày lên đỉnh với hơn 400.000 ca/ngày, thị trường chứng khoán Ấn Độ đã điều chỉnh khoảng 10%.
Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, thị trường chứng khoán nước này cũng tăng vượt mức đỉnh cũ. Do đó theo đánh giá của các chuyên gia phân tích TCSC, về cơ bản đỉnh dịch sẽ là đáy chứng khoán trong thời gian tới.
Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc điều hành khối đầu tư chứng khoán và trái phiếu của VinaCapital cho biết: "Các nhà đầu tư nên giữ bình tĩnh trong bối cảnh thị trường chứng khoán bất ổn lúc này và suy xét kỹ các dự định rút tiền ra khỏi thị trường. Khi dịch COVID-19 được kiểm soát, thị trường có khả năng phục hồi rất nhanh và những nhà đầu tư rút tiền ra khỏi thị trường có thể sẽ phải hối hận về quyết định của mình".
Theo bà Nguyễn Hoài Thu, khi so sánh số ca nhiễm COVID-19 tại Việt Nam tăng lên trong những tuần gần đây với tiến triển của dịch COVID-19 ở Ấn Độ, dường như đợt bùng phát của Việt Nam hiện nay đã gần đạt đến đỉnh dịch. Ngay cả khi làn sóng COVID-19 thứ 4 kéo dài hơn mong đợi, nó cuối cùng sẽ kết thúc và thị trường chứng khoán trên khắp thế giới bao gồm cả Việt Nam đã liên tục phục hồi sau khi tình trạng khẩn cấp tồi tệ nhất của dịch COVID-19 trôi qua.
Ví dụ, sau đợt bán tháo tháng 3 năm ngoái, thị trường đã hồi phục mạnh mẽ gần 28% chỉ trong 2 tháng kể từ đầu tháng 4.2020. VinaCapital tin rằng sự phục hồi của thị trường chứng khoán Việt Nam là điều gần như chắc chắn, bởi vì nền kinh tế của đất nước vẫn đang tiếp tục phát triển vững chắc.
Trong thời gian diễn ra COVID-19, một trong những thế mạnh chính của Việt Nam là các nhà máy trong nước đang sản xuất các sản phẩm cho người tiêu dùng trên khắp thế giới và người tiêu dùng đang nhiệt tình mua các sản phẩm đó trong bối cảnh các nền kinh tế lớn trên thế giới đang bắt đầu phục hồi.
“Nền kinh tế Việt Nam mau phục hồi hơn nhiều người nghĩ. Thị trường chứng khoán có khả năng phục hồi nhanh hơn mong đợi một khi tình trạng khẩn cấp do COVID-19 trôi qua, điều này hướng đến một điểm rất quan trọng. Các nhà đầu tư rút khỏi thị trường chứng khoán trong thời kỳ thị trường hoảng loạn thường không quay trở lại kịp thời để bắt kịp nhịp phục hồi tất yếu và việc bỏ lỡ những đợt phục hồi đó có thể tạo ra sự khác biệt lớn về lợi tức mà các nhà đầu tư kiếm được trên thị trường chứng khoán”, bà Nguyễn Hoài Thu nói.
Theo chuyên gia của TCSC, chỉ mới cách đây khoảng 2 tuần, Việt Nam vẫn tự hào là thị trường chứng khoán có tốc độ tăng trưởng cao thứ 2 thế giới (sau UAE) với mức tăng 28,7% trong 6 tháng đầu 2021. Tuy nhiên, kể từ đầu quý III/2021 đến nay, thị trường đã trải qua đợt điều chỉnh khá mạnh với mức giảm 12,5% từ đỉnh 1.420, và hiện tại đang tăng khoảng 12,65% so với đầu 2021, tương đương một số thị trường khu vực như Hàn Quốc, Ấn Độ…
Xem thêm: odl.949239-yan-cul-ol-gnog-mi-iogn-yah-ol-tac-nen-naohk-gnuhc-yad-al-hcid-hnid/et-hnik/nv.gnodoal