6 tháng cuối năm 2021, dự báo tăng trưởng kinh tế gặp nhiều khó khăn bởi các điểm nghẽn bất lợi về giá nguyên liệu, diễn biến dịch bệnh COVID-19.
Chiều 21.7.2021, tại Hội thảo đánh giá tăng trưởng kinh tế quý II/2021, dự báo tăng trưởng kinh tế 2021 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức, PGS TS Phạm Thế Anh - Chuyên gia Kinh tế vĩ mô - Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), cho biết: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 6,61% trong quý II/2021, cao hơn tăng trước của quý I.
Mức tăng trưởng này dựa trên những yếu tố thuận lợi như, Chính phủ kiểm soát tốt dịch bệnh từ giai đoạn cuối quý I giúp duy trì hoạt động kinh tế trong nước; Các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu đang mở cửa trở lại và các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, tận dụng tốt hiệp định EVFTA để phục hồi quy trình sản xuất và xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU; Tiến độ giải ngân và thi công các dự án đầu tư công trọng điểm được đẩy nhanh hơn...
Tuy nhiên, mặc dù đánh giá mức tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2021 ở mức 5,64% là "đáng khích lệ", nhưng PGS TS Phạm Thế Anh đồng thời cũng nhấn mạnh: Con số tăng trưởng GDP không phản ánh được hết khó khăn của nền kinh tế, không phản ảnh hết rủi ro mà nền kinh tế sẽ gặp phải trong thời gian tới.
"Giá nguyên liệu cho sản xuất nông nghiệp tăng 30%; giá nhiên liệu xăng dầu chất đốt tăng trên 100%, giá cước vận tải biển 6 tháng đầu năm 2021 tăng 4-8 lần tùy khu vực. Sự tăng giá nguyên liệu ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp và lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến giá sản phẩm đầu ra, quyết định đến đầu tư của doanh nghiệp trong tương lai" - PGS TS Phạm Thế Anh lưu ý.
TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng - Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng cho rằng, rất nhiều yếu tố bất lợi, trong đó đáng lo ngại nhất là biến thể cực kỳ nguy hiểm, khó lường của chủng virus SARS-COV-2. Bên cạnh đó là chi phí tàu biển, logistics tăng khoảng 3-4 lần so với trước, giá nguyên liệu sản xuất trên thế giới tăng cao… sẽ gây áp lực lên sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.
Theo PGS TS Phạm Thế Anh, khảo sát, nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế cho thấy, triển vọng kinh tế những tháng cuối năm phụ thuộc nhiều vào 3 yếu tố: Tốc độ và quy mô tiêm chủng vaccine; hiệu quả, phản ứng phụ của các biện pháp phòng chống bệnh dịch; các gói hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng ở trong nước. Từ đó, 3 kịch bản tăng trưởng GDP năm 2021 được xây dựng với cá mức tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức cơ sở 4,5 – 5,1%; mức tích cực 5,4 – 6,1% và xấu nhất là 3,5-4%.
Xem thêm: odl.459239-et-hnik-gnourt-gnat-or-iur-oab-hnac-pat-cuhp-91-divoc-hneb-hcid/et-hnik/nv.gnodoal