Đông Nam Á tìm đến 'tiêm trộn' và 'liều tăng cường' để ngăn chặn chủng Delta
Ricky Hồ
(KTSG Online) - Số ca nhiễm mới tăng phi tiễn do chủng Delta cùng với tình trạng thiếu hụt và không ổn định nguồn cung vaccine ngừa Covid-19 đang làm nhiều nước Đông Nam Á đau đầu. Các chiến dịch vaccine giờ đây buộc phải thay đổi và điều chỉnh với phương thức tiêm trộn hai loại vaccine sẵn có nhất và tiêm nhắc lại mũi thứ ba để tăng cường độ bảo vệ trước chủng virus mới.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN |
Tối ưu hóa nguồn lực sẵn có
Thái Lan là quốc gia ASEAN đầu tiên chính thức chấp thuận giải pháp tiêm trộn hai loại vaccine ngừa Covid-19 khác nhau tuần rồi. Hội đồng Bệnh truyền nhiễm quốc gia đã đề nghị dùng vaccine AstraZeneca là liều thứ hai cho những ai đã tiêm mũi đầu với vaccine Sinovac của Trung Quốc.
Chọn sự kết hợp giữa hai loại vaccine và tiêm trộn (mix & match) là giải pháp “giúp tăng cường hệ miễn dịch trong một thời gian ngắn hay nói khác là đốt giai đoạn” - Yong Poovorawan, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu virus của Đại học Chulalongkorn, phát biểu. Nhà khoa học nói rằng nếu tiêm hai liều AstraZeneca thì thời gian quãng cách là 10-12 tuần, trong khi đó quãng thời gian giữa hai mũi tiêm trộn Sinovac – AstraZeneca có thể rút ngắn. “Đây là cách tốt nhất để xử lý một cách hiệu quả nhất nguồn lực chúng tôi có trong tay”, Yong giải thích.
Giải pháp tiêm trộn cũng được thảo luận trong cuộc họp tuần rồi của các quan chức y tế Philippines. Ám ảnh bởi số ca nhiễm mới tăng vọt và viễn cảnh giao vaccine “không biết đâu mà lần”, tháng 5 vừa rồi Philippines đã bắt đầu một cuộc nghiên cứu dự định dài 18 tháng để tiêm chung các liều vaccine Sinovac - nguồn cung ổn định nhất hiện giờ - với các loại vaccine khác đang có ở nước này, như AstraZeneca, Pfizer, Moderna hay Sputnik V.
“Lý tưởng là mỗi cá nhân nên tiêm đầy đủ hai liều cùng một loại vaccine. Tuy nhiên, chúng ta không thể quên đi thực trạng thiếu nguồn cung vaccine trên toàn cầu. Việc tìm kiếm sự kết hợp tốt nhất giữa hai loại vaccine giờ rất quan trọng trong việc gia tăng hàng rào bảo vệ chống lại chủng virus mới”, Bộ trưởng Khoa học và công nghệ Fortunato de la Pena phát biểu.
Ở trong nước, tuần rồi Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn về việc dùng Pfizer để tiêm mũi thứ hai cho những ai đã tiêm AstraZeneca trước đó (kèm theo một số điều kiện).
Đủ mọi trở ngại
Kế hoạch tiêm trộn của Thái Lan nhanh chóng gặp trở ngại, sau khi Thủ tướng Prayuth Chan-Ocha thúc giục các cơ quan chức năng nghiên cứu độ an toàn của việc kết hợp hai vaccine. Các bệnh viện lớn ở nhiều thành phố đã tạm ngừng tiêm chủng bởi họ không biết nên tiếp tục thế nào. Sau khi nhận được các lô AstraZeneca, một số bệnh viện đã tiếp tục kế hoạch tiêm của họ.
Tuy nhiên, số lượng AstraZeneca thiếu hụt khiến kế hoạch “mix & match” gặp trở ngại lần nữa. Chính phủ Thái Lan buộc phải quay về với vaccine Sinovac. Hiện số liều vaccine giao hàng tháng của AstraZeneca chỉ đạt 5-6 triệu liều, chỉ hơn phân nửa số lượng đòi hỏi để Thái Lan có thể đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng cuối năm 2021.
Cũng tuần trước, nhà khoa học trưởng Soumya Swaminathan của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã gọi tiêm trộn là “có chút hơi hướng của một trào lưu nguy hiểm” và cảnh báo về “tình trạng hỗn loạn” nếu người dân bắt đầu kén chọn và chọn tiêm trộn hai loại vaccine họ muốn.
Chính phủ Malaysia khá thận trọng với trào lưu này dù rằng có đợt bùng phát dịch mới ở trong nước. Đầu tháng 7 này, bộ trưởng phụ trách tiêm chủng đã nói rằng sẽ không thực hiện tiêm trộn do thiếu dữ liệu để kết luận.
Nhưng hiện đã có sự công nhận rộng rãi của các nhà khoa học rằng tiêm trộn hai liều vaccine khác nhau có thể mang lại lợi ích nào đó. Ines Atsmosukarto - CEO hãng nghiên cứu vaccine Lipotek ở Úc - giải thích rằng: “Về lý thuyết, các nền tảng khác nhau hay môi trường khác nhau sẽ kích hoạt hệ miễn dịch theo những cách khác nhau. Bằng cách pha trộn, chúng tôi đặt mục tiêu là tăng cường phản ứng miễn dịch. Quá trình này gọi là tiêm nhắc lại khác loại (heterologous prime boost)”. Bà cũng nói thêm rằng chiến lược tiêm chủng như thế đã được sử dụng để đánh bại virus Ebola.
Nhiều nhà miễn dịch học tin rằng phản ứng miễn dịch mạnh đối với chiến lược tiêm mix & match là “hoàn toàn có thể dự báo trong ngành nghiên cứu miễn dịch học cơ bản” - bà Atsmosukarto giải thích. Kết quả nghiên cứu sơ bộ về tiêm trộn vaccine tại Tây Ban Nha công bố vào tháng 5 vừa rồi đã đề nghị “sử dụng các liều Pfizer để tiêm cho những ai đã tiêm AstraZeneca là an toàn và hiệu quả”. Một nghiên cứu của Anh cũng có các kết quả tương tự.
Gia tăng bảo vệ bằng liều thứ ba
Bên cạnh việc tiêm tăng cường, Hội đồng bệnh truyền nhiễm quốc gia Thái Lan cũng thông qua việc tiêm liều thứ ba cho lực lượng y tế tuyến đầu đã tiêm đủ hai liều AstraZeneca. Quyết định này được đưa ra khi dân chúng ngày càng bất an về hiệu quả của các loại vaccine Trung Quốc đối với chủng Delta. Niềm tin ngày càng mỏng, nhất là sau khi có tin một nữ y tá đã chết vì Covid-19 dù rằng đã tiêm đủ hai liều Sinovac.
Mối nghi ngại với vaccine Trung Quốc cũng đang lớn dần ở Indonesia – nơi có hàng trăm bác sĩ và y tá ngã bệnh và thiệt mạng vì virus chủng mới. Sinovac chiếm gần 85% lượng cung ứng vaccine ở xứ vạn đảo và được tiêm cho phần lớn nhân viên y tế.
Hôm 9-7, chính phủ Indonesia đã quyết định tiêm liều tăng cường thứ ba bằng vaccine Moderna đối với 1,47 triệu nhân viên y tế. “Tóm lại, có những chỉ dấu cho thấy vaccine Sinovac không bảo vệ được con người trước chủng mới”, Bộ Y tế nước này giải thích. Hôm 16-7, Indonesia đã tiêm liều thứ ba cho 50 nhân viên y tế đầu tiên.
Tăng cường bảo vệ lực lượng y tế tuyến đầu được xem là trọng yếu khi quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á đang chống chọi lại số ca nhiễm mới tăng theo cấp số nhân. Số ca nhiễm mới dưới 10.000 ca mỗi ngày vào giữa tháng 6 nay đã vượt quá 50.000 và Indonesia đã vượt qua Ấn Độ để trở thành tâm dịch của thế giới.
“Tình trạng quá tải ở hầu hết các bệnh viện tỉnh khiến nhân viên y tế trở nên dễ bị tổn thương hơn trước các đợt tấn công của Covid, bởi họ luôn ở trong một môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao. Một trong những biện pháp phòng ngừa có thể thực hiện ngay là tiêm thêm liều nhắc lại cho họ”, một quan chức Bộ Y tế Indonesia nói với Nikkei Asia.
Việc tiêm thêm liều tăng cường gây tranh cãi dữ dội về sự phân bố hợp lý vaccine ngừa Covid trong bối cảnh nhiều nước châu Á và khắp nơi trên thế giới đang chờ đợi những liều vaccine đầu tiên.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu rằng tiêm vaccine thường xuyên “cung cấp chế độ miễn dịch dài hơn đối với dịch bệnh đang hoành hành hiện nay. Ông cũng nhấn mạnh rằng “ưu tiên hiện nay là tiêm chủng cho những người chưa tiêm liều nào và chưa được bảo vệ”. Nhưng hiện chỉ hơn 6% dân số Indonesia đã tiêm chủng đầy đủ hai liều hôm 21-7 – theo Our World in Data.
Các chuyên gia y tế trong nước đã hoan nghênh quyết định của chính phủ. Daeng Faquih, Chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ Indonesia, nói trên truyền hình địa phương về lý do cần tiêm mũi thứ ba do kháng thể có khuynh hướng giảm dần khoảng sáu tháng sau khi tiêm: “Nhân viên y tế có nguy cơ lây nhiễm gấp ba lần bình thường do tính chất công việc của họ. Vì thế, liều tăng cường rất quan trọng và nếu có thể thì thực hiện việc tiêm chủng thường xuyên để nhân viên y tế không dễ dàng ngã bệnh”.
Trong khi đó, bà Atsmosukarto của hãng nghiên cứu vaccine Lipotek nhận định rằng “còn khá sớm để Indonesia thực hiện chiến lược tiêm tăng cường với dân chúng. “Indonesia cần sử dụng việc tiêm liều nhắc lại ở nhân viên y tế như là cơ hội thu thập và cung cấp dữ liệu lớn, để từ đó các hãng nghiên cứu như Lipotek có thể vạch ra hướng đi khi đã tiêm phủ mục tiêu đã định”, CEO Lipotek nhấn mạnh.
Singapore khá thận trọng khi đưa ra các phát biểu về liều tăng cường. Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung đã “thả nổi” ý tưởng này khi được báo chí truy hỏi. “Nếu liều tăng cường là cần thiết, chúng tôi có thể bắt đầu tiêm vào dịp Tết Nguyên đán 2022”, ông bộ trưởng nói.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng chiến lược tiêm trộn và liều thứ ba hoặc tỏ ra sẵn sàng áp dụng hai chiến lược này. Tại châu Á, Thủ tướng Bhutan Lotay Tshering đã phát biểu cuối tháng 6 rồi là “không có vấn đề gì với mix & match”. Giữa tháng 6-2021, Hàn Quốc đã quyết định tiêm cho gần 800.000 người liều thứ hai bằng Pfizer do lượng vaccine AstraZeneca theo chương trình COVAX không về kịp. Canada cũng thực hiện tiêm combo với mũi đầu Pfizer và tiếp theo là AstraZeneca và nói rằng hiệu quả hơn. Đài phát thanh quốc gia Canada cũng loan tin rằng chính phủ Canada đang vận động các nước chưa chuẩn thuận tiêm trộn công nhận công dân Canada đã tiêm hai liều vaccine khác nhau. Còn đối với mũi tiêm tăng cường, đầu tháng 7 Israel đã bắt đầu tiêm các liều thứ ba bằng Pfizer cho những người trưởng thành bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng. Thổ Nhĩ Kỳ, Bahrain và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã bắt đầu tiêm liều thứ ba cho công dân đã tiêm đủ hai liều Sinopharm hay Sinovac. Riêng hãng dược Pfizer cũng trình đề nghị tiêm liều thứ ba lên các hội đồng y khoa ở Mỹ. |