Một thông điệp trong bộ ảnh 'Saigon Strong' được thực hiện bằng kỹ thuật light painting tại các địa điểm nổi tiếng ở TP.HCM của nhiếp ảnh gia Khoa Trần với niềm tin thành phố thân thương sẽ mau chóng vượt qua đại dịch
Sáng 21-7, Bộ Y tế thông báo đã chuyển 30 máy thở chức năng cao, 100 máy bơm điện, thiết bị monitor, 7 máy lọc thận, 1 hệ thống ECMO cho Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP.HCM. Kho thiết bị y tế dã chiến tại thành phố cũng đã tiếp nhận 2.000 máy thở và chuẩn bị nhận thêm 200 máy.
Đây là tin vui khi có một số lượng lớn thiết bị y tế cấp cứu cho người bệnh của thành phố, trong lúc các bệnh viện đều đang căng mình chống dịch và bệnh nhân quá tải.
Những ngày qua là những ngày khó khăn ở tâm dịch TP.HCM, khi số ca mắc tăng nhanh, vượt tất cả các dự đoán. Các kịch bản về đỉnh dịch đều bị vỡ. Tin tức xấu mỗi ngày khiến cuộc sống của mỗi người đều bất an: khó khăn bủa vây, không biết liệu bản thân mình, người thân mình có nhiễm COVID-19 hay không, có phải đi cách ly, có nguy hiểm đến tính mạng…?
Trong lúc khó khăn tưởng như chưa từng có, những tia hy vọng đã lóe lên khi hệ thống điều trị theo mô hình tháp 4 tầng tại TP.HCM bắt đầu phát huy hiệu quả ban đầu.
Tại Bệnh viện dã chiến số 1, đến ngày 20-7 đã có hơn 1.700 bệnh nhân trong số hơn 4.300 nhập viện điều trị đủ điều kiện ra viện. Tại Bệnh viện hồi sức COVID-19, 106 bệnh nhân nặng trong số hơn 230 người điều trị tại đây cũng đã chuyển nhẹ, có thể chuyển về các tuyến điều trị thấp hơn để theo dõi.
Khi thông báo với báo chí những tin tức này, Bộ Y tế đánh giá đây là "tin vui trong lúc tình hình COVID-19 đang căng thẳng".
Cùng với tin vui này, dù vẫn đang ở cao điểm của dịch tại các tỉnh phía Nam, số ca tử vong tại TP.HCM trong những ngày đầu tuần này đã có dấu hiệu giảm hơn so với tuần trước, số giường bệnh hồi sức đã tăng lên khi Bệnh viện hồi sức COVID-19 chuẩn bị nâng công suất lên 700 giường, nguồn thiết bị y tế dồi dào hơn, dần đáp ứng cho nhu cầu điều trị bệnh nhân.
Có những ý kiến cho rằng phải sang tháng 8 số ca mắc COVID-19 ở TP.HCM mới giảm dần, nhưng với điều kiện không chỉ TP.HCM mà toàn bộ 19 tỉnh thành phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 đều phải có những biện pháp chống dịch với quyết tâm cao và nhất quán.
Lúc này Việt Nam cũng đã có kinh nghiệm chống dịch nhiều hơn, khả năng đối phó với dịch tốt hơn, bằng chứng là ngay ở tâm dịch lớn nhất như TP.HCM, đợt tiêm chủng thứ 5 sẽ bắt đầu từ hôm nay 22-7, với số lượng tiêm chủng của các đợt cho đến nay lên đến khoảng 2 triệu mũi. Các đợt tiêm tương tự cũng sẽ diễn ra tại các tỉnh phía Nam.
Việt Nam cũng đang tiếp cận dần với thế giới khi cho cách ly F1 và F0 không có triệu chứng tại nhà, dồn lực của bệnh viện cho điều trị các ca bệnh nặng. Và hiệu quả thấy rõ là số ca bệnh nặng đã giảm.
Sau gần một tuần khốn đốn vì đứt nguồn cung, thiếu thực phẩm, TP.HCM đã cho mở cửa các chợ trở lại. Hơn 10 ngày nữa, TP.HCM và 18 tỉnh thành phía Nam sẽ kết thúc 14 ngày giãn cách theo chỉ thị 16, hơn 10 ngày này là quãng thời gian cơ hội để đưa cuộc sống dần trở về bình thường.
Những dấu hiệu vừa qua, như hơn 1.700 người bệnh nhẹ đã được về nhà và những tin vui từ Bệnh viện hồi sức COVID-19, nơi chuyên điều trị những ca bệnh nặng của thành phố, cho thấy những hy vọng đang đến gần…
TTO - Tối qua 19-7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã gửi thư đến đồng bào, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân TP.HCM, kêu gọi mọi người cùng chung tay phòng chống dịch COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp trên địa bàn TP.HCM.
Xem thêm: mth.98242037022701202-nag-ned-gnad-gnov-yh/nv.ertiout