Các nhân viên y tế tại Bệnh viện dã chiến số 3, nơi điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 không triệu chứng - Ảnh: DIỄM HẰNG
"Bốc" F0 không triệu chứng ra khỏi các bệnh viện điều trị COVID-19; tổ chức cách ly tập trung F0 ở địa phương; mở rộng phạm vi cách ly F1 trên toàn TP... là những giải pháp vừa được TP.HCM đưa ra để giải quyết tình trạng quá tải tại các bệnh viện điều trị COVID-19 hiện nay.
Tính đến ngày 21-7, số ca mắc COVID-19 tại TP.HCM vượt ngưỡng 41.000 ca.
"Các cơ sở y tế của TP.HCM hiện chỉ lo được khoảng 30.000 ca. Với con số hơn 40.000 ca, tức là đã vượt khả năng lo được của TP.HCM, cần sự hỗ trợ từ trung ương và ngành y tế" - Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TP.HCM, nói.
Chiến lược "bốc" F0 không triệu chứng
Toàn TP.HCM hiện đã thiết lập 14 bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 với hơn 34.500 giường. Dự kiến trong những ngày tới, một số bệnh viện dã chiến sẽ tiếp tục đi vào hoạt động. Theo phân tầng điều trị, các bệnh viện dã chiến sẽ là nơi theo dõi các F0 không triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ, nhìn chung đến nay đều sắp kín chỗ.
Cụ thể, tại Bệnh viện dã chiến số 3 (phường An Khánh, TP Thủ Đức), quy mô theo kế hoạch của Sở Y tế là 3.000 giường, thực tế kê được 2.500 và số F0 được chuyển vào điều trị đã 2.300 bệnh nhân.
Bác sĩ Trần Văn Khanh - giám đốc bệnh viện - cho biết tỉ lệ bệnh nhân chuyển nặng khoảng 4-5%. "Một trong những khó khăn của bệnh viện hiện nay là thiếu một số thiết bị y tế để cấp cứu cho người nặng" - bác sĩ Khanh nói.
Còn tại Bệnh viện dã chiến số 1 (ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM), bác sĩ Nguyễn Thanh Trường - giám đốc bệnh viện - cho biết số giường kế hoạch của bệnh viện là 5.000 nhưng tính đến ngày 20-7 đã có tới 4.276 ca F0 đang điều trị.
Từ 27-6 đến nay có hơn 1.700 bệnh nhân được xuất viện, đặc biệt trong số này có khoảng 190 ca vẫn có kết quả xét nghiệm dương tính nhưng có chỉ số nồng độ virus thấp.
Từ thực tế quá tải hệ thống điều trị, PGS.TS Tăng Chí Thượng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - vừa có đề nghị các bệnh viện chủ động rà soát các trường hợp F0 không triệu chứng, nếu đủ các điều kiện sẽ "bốc" khỏi bệnh viện về cách ly tại nhà.
"Các bệnh viện chuyên điều trị COVID-19 phải sàng lọc mỗi ngày các ca F0 không có triệu chứng, nếu bệnh ổn định chuyển về các bệnh viện dã chiến, đảm bảo sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân có triệu chứng khi cần" - ông Tăng Chí Thượng khẳng định.
Cách ly tại nhà giúp giảm tải, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly đã được áp dụng (ảnh chụp trên đường Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận, TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Cách ly F1, F0 ra sao?
Để giải quyết tình trạng quá tải ở các khu cách ly tập trung, ngành y tế quyết định cách ly F1 tại nhà trên toàn TP, thay vì chỉ thí điểm ở một vài địa phương như trước đây.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm - phó giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) - nhận định cách ly F1 tại nhà giúp giảm tải, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo tại các khu cách ly tập trung, đồng thời tạo được tâm lý thoải mái cho người được cách ly.
Việc cách ly F1 tại nhà sẽ được quản lý bằng ứng dụng phần mềm khai báo y tế VHD (Vietnam Health Declaration).
Theo đó, khi F1 có nguyện vọng được cách ly tại nhà sẽ đăng ký hồ sơ tại trạm y tế phường, xã nơi mình cư trú. Các trạm y tế sau khi tiếp nhận sẽ gửi danh sách này về ban chỉ đạo phòng chống dịch phường, xã.
Sau khi tiếp nhận, đơn vị này sẽ cử tổ thẩm định đến đánh giá yêu cầu cơ sở vật chất nơi cách ly mà F1 đăng ký, thủ tục này sẽ được hoàn thành chỉ trong 24 giờ.
Với các trường hợp F0, UBND TP.HCM cũng yêu cầu các địa phương thành lập cơ sở cách ly tập trung cho F0 thuộc địa bàn quản lý, đồng thời xem xét cách ly tại nhà với F0 không có triệu chứng, không kèm bệnh lý nền; hoặc nếu có bệnh lý nền đã được điều trị ổn định, không béo phì.
Khu cách ly tập trung F0 sử dụng các cơ sở hạ tầng có sẵn như khu ký túc xá của trường học, khu chung cư mới chưa đưa vào sử dụng, khách sạn, nhà nghỉ, trường học. Đảm bảo các điều kiện sinh hoạt cơ bản cho người được cách ly và bố trí 2 khu vực cách ly riêng biệt cho 2 nhóm đối tượng là người chỉ mới có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính và người đã có kết quả RT-PCR dương tính.
Mỗi cơ sở cách ly tập trung phải bố trí phòng sơ cấp cứu và có ít nhất 5-10 bình oxy.
Mỗi địa phương thành lập "tổ phản ứng nhanh" để kịp thời hỗ trợ các tình huống khẩn cấp tại các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Trung tâm cấp cứu 115 hoặc "tổ cấp cứu ngoại viện" để chuyển người bệnh đến các bệnh viện điều trị COVID-19 hoặc các bệnh viện gần nhất nhằm cấp cứu kịp thời trong trường hợp nguy kịch.
Dữ liệu của người bệnh phải được cập nhật hằng ngày vào phần mềm ứng dụng "hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19".
Nhân viên y tế tại Bệnh viện dã chiến số 8 (TP Thủ Đức) vào các phòng cách ly điều trị hướng dẫn F0 các biện pháp kiểm tra sức khỏe - Ảnh: VĂN ĐẠO
Không chỉ là giải pháp trước mắt
Bác sĩ Đỗ Cao Vân Anh - phó trưởng bộ môn nhiễm ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch - cho rằng chiến lược TP.HCM đang đi là đúng hướng, đều dựa trên khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), được đúc rút từ nhiều nước trải qua các đợt dịch trước đó.
Trong số hàng chục ngàn ca mắc hiện nay, bác sĩ Anh cho rằng không phải trường hợp nào cũng cần can thiệp y tế, do đó cần có sự phân tầng điều trị, chuyển bớt về địa phương để giảm tải cho tuyến điều trị phía trên.
Bác sĩ Anh phân tích những ưu điểm của cách làm trên: đầu tiên, tạo tâm lý bớt hoang mang cho người bệnh, bởi họ được quanh quẩn gần hoặc trong khu vực sống quen thuộc.
Kế đến, có thể huy động được nhiều nguồn lực y tế từ y tế tư nhân, gia đình, các trường ĐH tham gia theo dõi, chỉ khi trở nặng mới chuyển tuyến. Điều quan trọng là sẽ giảm tải, hạn chế lây nhiễm chéo trong các bệnh viện.
"Trong giai đoạn này việc chuyển chiến lược như trên là rất phù hợp để tập trung nguồn lực điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 nặng" - bác sĩ Anh nói.
Ủng hộ các giải pháp giảm tải mà ngành y tế đưa ra, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - trưởng khoa y tế công cộng Trường ĐH Y dược TP.HCM - cũng cho rằng chiến lược này sẽ giúp giảm tải ở các khu cách ly tập trung; nâng cao chất lượng cách ly, theo dõi và điều trị. Việc này đồng thời tăng sự hài lòng, tăng khả năng tuân thủ của người được cách ly, điều trị.
"Đã có một số thông tin khiến người dân hoang mang, với việc sắp xếp cách ly điều trị mới sẽ giúp họ giải tỏa được tâm lý đó, họ sẽ an tâm, nhẫn nại và hài lòng hơn khi cách ly, điều trị" - ông Dũng nói.
Ngoài ra, theo ông Dũng, chiến lược cách ly điều trị này về lâu dài rất phù hợp, bởi các quốc gia khác đã áp dụng từ lâu. Việc TP.HCM áp dụng sau, theo ông "không phải là dở" vì điều kiện dịch bệnh mỗi lúc một khác.
Mặt khác dịch bệnh còn kéo dài, mỗi địa phương, mỗi quốc gia không thể mãi "đóng cửa", không thể tự "cách ly" với thế giới.
"Cần phải xác định COVID-19 là một loại dịch bệnh lâu dài, không thể đánh một trận khiến đối thủ ngã gục. Do đó biện pháp cách ly theo dõi F0, F1 tại cộng đồng vừa là biện pháp trước mắt giúp giảm tải hệ thống điều trị, vừa mang tính chất dài lâu giúp con người dần thích nghi với cuộc sống bình thường mới" - ông Dũng khẳng định.
Cần tuân thủ những gì?
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, khi thay đổi chiến lược, TP cần phải đánh giá chặt chẽ các khâu, tránh trường hợp cách ly trong cộng đồng không tuân thủ quy định, tăng nguy cơ lây lan.
Ngoài ra, dù bệnh nhẹ, đủ điều kiện điều trị tại cộng đồng nhưng các F0 cũng có nguy cơ diễn tiến trở nặng. Do vậy cần có một hệ thống giám sát theo dõi chặt để tư vấn, chuyển viện kịp thời là điều rất quan trọng.
Còn theo bác sĩ Đỗ Cao Vân Anh, cần có các tổ truyền thông hướng dẫn những việc đơn giản như cần theo dõi sức khỏe như thế nào, tư thế nằm ra sao giúp cho tình trạng khó thở được cải thiện...
Đặc biệt, để tránh lây nhiễm chéo cần đặc biệt quan tâm đến việc quản lý, thu gom, xử lý rác thải theo chu trình khép kín.
Ai được "bốc" khỏi bệnh viện?
F0 không triệu chứng được "bốc" khỏi bệnh viện, phải đảm bảo điều kiện xét nghiệm RT-PCR ngày thứ 8 có kết quả âm tính hoặc dương tính với chỉ số nồng độ virus thấp CT>=30.
F0 tiếp tục theo dõi xét nghiệm nhanh kháng nguyên ngày thứ 10, nếu âm tính được cho phép xuất viện, cách ly theo dõi tại nhà theo hướng dẫn.
TTO - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng bộ phận thường trực chống dịch ở phía Nam thống nhất chỉ đạo phân loại các trường hợp nghi nhiễm, nhiễm, trường hợp bệnh nhân nặng để giảm tải cho hệ thống y tế.
Xem thêm: mth.61294547022701202-ahn-o-yl-hcac-ev-neiv-hneb-ior-es-oan-0f/nv.ertiout