Ngày 21-7, tổng lượng hàng hóa cung cấp cho thị trường TP HCM tăng khoảng 5%. Lượng khách mua sắm tại chợ, siêu thị, cửa hàng thấp kỷ lục trong vòng nửa tháng qua nên không còn xảy ra tình trạng hết hàng, thiếu hàng thực phẩm tươi sống, kể cả trứng gia cầm.
Thông đường vận chuyển
Ông Nguyễn Bá Tùng - Trưởng Ban Quản lý chợ Bình Thới (quận 11) - cho biết nguồn cung thực phẩm tại chợ đang dần ổn định, chủng loại hàng hóa bắt đầu đa dạng, giá bán một số mặt hàng giảm nhẹ so với những ngày trước.
Do điều kiện mua sắm thoải mái hơn (không còn phải xếp hàng, giới hạn thời gian mua sắm) nên người tiêu dùng bắt đầu quan tâm đến giá cả hàng hóa, ưu tiên mua những sản phẩm đang khuyến mãi, giảm giá. Hầu hết hệ thống siêu thị vẫn duy trì chương trình khuyến mãi, trong đó tập trung vào nhóm hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô để hỗ trợ người tiêu dùng trong giai đoạn khó khăn chung.
"Nếu 3-4 ngày trước, sức mua tăng đột biến, trung bình mỗi ngày TP HCM thiếu khoảng 1.000 - 1.500 tấn rau củ quả và 300.000 - 400.000 quả trứng nhưng 2 ngày trở lại đây, chỉ cần các doanh nghiệp (DN) đưa ra thị trường thêm 100.000 quả trứng gà mỗi ngày thì dội chợ ngay" - giám đốc một DN cung cấp trứng gia cầm lớn tại TP HCM nêu thực tế.
Theo vị này, trung bình mỗi ngày, TP HCM cần 3 triệu quả trứng nhưng trong đợt cao điểm tuần trước, khách hàng nào cũng gom gấp 2-3 lần nhu cầu, dẫn đến tình trạng thiếu hụt trầm trọng. Còn nay, thị trường khá trầm lắng, sức mua chỉ còn cao đối với nhóm khách hàng là các bếp ăn từ thiện, bếp ăn phục vụ khu vực cách ly tập trung, những nơi bị phong tỏa…
Không chỉ cung cầu hàng hóa đã tạm ổn, phần lớn ách tắc trong khâu vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh, thành về TP HCM cũng đã được tháo gỡ. "Lần đầu tiên trong rất nhiều ngày, hôm nay điện thoại của tôi không có cuộc gọi hay tin nhắn nào của các DN phản ánh xe chở hàng bị chặn lại hoặc bị làm khó" - ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương, nói.
Người dân TP HCM mua thực phẩm tươi sống tại chợ Hạnh Thông Tây, quận Gò Vấp. Ảnh: THANH LONG
Mở lại chợ truyền thống
Một diễn biến tích cực mà nhiều người dân TP HCM đặc biệt quan tâm trong vài ngày trở lại đây là việc mở cửa trở lại của một số chợ truyền thống. Tổng cộng có 9 chợ tại các quận 5, 10, 11, Bình Tân và huyện Bình Chánh đã mở cửa trở lại cho tiểu thương ngành hàng rau củ quả, thịt, cá, thực phẩm khô… bán hàng trong điều kiện bảo đảm an toàn phòng chống dịch.
Tại một số địa phương như quận 12, huyện Củ Chi, trong lúc chưa đủ điều kiện khôi phục hoạt động chợ truyền thống, chính quyền địa phương đã bố trí các địa điểm thay thế để cung cấp thực phẩm thiết yếu cho người dân.
Tuy vậy, do diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, nhiều nơi buộc phải đóng cửa thêm một số chợ có liên quan ca F0. Đến sáng 21-7, toàn TP có 203 chợ truyền thống và 3 chợ đầu mối đóng cửa, chỉ còn 32 chợ hoạt động.
Để nhanh chóng mở lại hệ thống chợ, cùng ngày, Sở Công Thương đã có văn bản gửi các địa phương cùng các ban quản lý chợ truyền thống, hướng dẫn chi tiết cách thức tổ chức hoạt động chợ bảo đảm an toàn để cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân.
"Tùy điều kiện thực tế, các quận, huyện và TP Thủ Đức có thể tái mở cửa chợ hoặc tận dụng các địa điểm phù hợp tổ chức cho tiểu thương ra bán hàng. Khai thông kênh bán hàng truyền thống lúc này, ngoài việc chia sẻ gánh nặng cho hệ thống hiện đại còn mang ý nghĩa dự phòng cho tình huống trong tương lai, khi hệ thống phân phối hiện đại gặp trục trặc do có nhiều ca nhiễm Covid-19 ở kho hàng, điểm bán buộc phải đóng cửa hàng loạt. Kênh phân phối truyền thống với sự tham gia của các thương lái, nguồn hàng đa dạng nếu hoạt động nhịp nhàng trở lại sẽ giảm đáng kể rủi ro cho thị trường" - đại diện Sở Công Thương TP HCM nhận định.
Hiện UBND TP đã đặt thời hạn cho UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức có phương án mở lại các chợ hoặc điểm bán thực phẩm tươi sống trên địa bàn trước ngày 23-7. Các địa phương đang rà soát, đánh giá, triển khai kế hoạch mở lại chợ hoặc địa điểm thay thế phù hợp. Sắp tới, người dân TP sẽ có thêm nhiều điểm mua thực phẩm quen thuộc, gần nhà.
Tại buổi kiểm tra thực tế một số chợ sáng 21-7 ở TP HCM, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng đề nghị TP tiếp tục nghiên cứu đưa thêm nhiều chợ truyền thống, đặc biệt là các chợ đầu mối, đi vào hoạt động để giảm áp lực cho các chợ đang hoạt động, cũng là tạo điều kiện cho người dân tiếp cận hàng hóa tốt hơn.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá cao chính quyền các cấp của TP HCM, Sở Công Thương TP, nhất là các ban quản lý chợ, trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp vẫn bảo đảm một số chợ truyền thống hoạt động hiệu quả.
"Bình thường các chợ đầu mối và chợ truyền thống cung cấp 70% nguồn cung thực phẩm cho TP. Việc đóng cửa các chợ khiến áp lực nguồn cung đổ dồn lên hệ thống hiện đại, không chỉ ảnh hưởng đến TP mà còn các địa phương" - ông Đỗ Thắng Hải nhìn nhận.
Xử lý nghiêm hành vi đầu cơ tích trữ, nâng giá
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Bộ Công Thương đã làm việc với các cơ quan chức năng của TP HCM, nhất là Sở Công Thương, để tăng nguồn cung cũng như bảo đảm giá cả hợp lý nhất cho người dân. Bộ Công Thương đang tích cực phối hợp cùng Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng chính quyền các địa phương, nhất là 19 tỉnh, thành đang thực hiện Chỉ thị 16, sẽ tạo mọi điều tốt nhất, sớm nhất cho vận chuyển hàng hóa thuận lợi, bảo đảm cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân.
Thứ trưởng cho rằng tình hình hiện nay là không bình thường nên có hiện tượng một số nơi thiếu hàng cục bộ, giá tăng. Việc lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ tích trữ, làm lợi trên khó khăn chung lẫn khó khăn của người dân là không chấp nhận được. Bộ Công Thương đã chỉ đạo QLTT quyết liệt hơn, xử lý nghiêm những hành vi đầu cơ tích trữ, nâng giá bất hợp lý.
Xem thêm: mth.86322502212701202-gnoht-neyurt-hnek-auq-aoh-gnah-gnod-iohk/et-hnik/nv.moc.dln