- Tăng trưởng 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, khá cao so với các nước trên thế giới
- Đề xuất giữ nguyên các mục tiêu tăng trưởng
- Kiên trì thực hiện mục tiêu kép và 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế
Tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 chưa đạt, chủ yếu do đại dịch
Báo cáo nễu rõ, trong bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước diễn biến phức tạp với nhiều khó khăn, thách thức lớn, yếu tố khó lường, nhất là thiên tai, sự cố môi trường, đại dịch COVID-19 từ đầu năm 2020 ảnh hưởng đến kết quả thực hiện năm và cả giai đoạn 2016-2020. Với sự vào cuộc kịp thời của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, sự quản lý, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, về tổng thể, đất nước ta đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật. Trong tổng số 21 chỉ tiêu chủ yếu theo Nghị quyết số 142/2016/QH13 của Quốc hội, có 16 chỉ tiêu đạt và vượt, 5 chỉ tiêu không đạt.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo. |
Kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, thu NSNN vượt kế hoạch; bội chi, nợ công giảm mạnh; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt kết quả tích cực, đúng hướng, thực chất. Hệ thống pháp luật cơ bản được hoàn thiện. Kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị lớn.
An sinh xã hội cơ bản được bảo đảm. Phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm mạnh; xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả tích cực, vượt trước thời hạn hơn 2 năm. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế đi vào chiều sâu, thực chất hơn.
Tuy nhiên, báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2020 chưa đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, chủ yếu do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức chống chịu và cạnh tranh, tính độc lập tự chủ của nền kinh tế chưa cao. Kết quả thực hiện 3 đột phá chiến lược chưa đạt được mục tiêu đề ra. Cổ phần hóa DNNN chưa đáp ứng yêu cầu. Liên kết vùng còn lỏng lẻo.
Các đại biểu tham dự kỳ họp. |
Kết quả giảm nghèo đa chiều chưa thực sự bền vững. Phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam chưa tương xứng với phát triển kinh tế. Chất lượng môi trường một số nơi suy giảm. Bộ máy nhà nước ở một số nơi còn cồng kềnh, chồng chéo; phân công, phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát chưa thực sự hiệu quả. Bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều thách thức. Chưa tận dụng, khai thác tối đa, hiệu quả những cơ hội trong hội nhập quốc tế...
Từng bước xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh
Về dự kiến kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021 - 2025, Chính phủ khẳng định sẽ bám sát quan điểm phát triển KTXH của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Mục tiêu tổng quát là bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, trên cơ sở tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô bền vững, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016-2020, đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục có hiệu quả tác động của đại dịch COVID-19, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế. Phát huy mạnh mẽ giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam và sức sáng tạo của mỗi cá nhân. Từng bước xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; bảo đảm cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, tinh thần xuyên suốt là "không để ai bị bỏ lại phía sau".
Toàn cảnh hội trường. |
Trong quá trình phát triển đất nước, luôn quan tâm bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Chú trọng bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Tăng cường quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Báo cáo đưa ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để tập trung thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm, bảo đảm bám sát và cụ thể hóa Phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển KTXH 5 năm 2021-2025 đã được Đại hội XIII của Đảng thông qua. Trong đó nêu rõ, phát triển KTXH gắn liền với củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ và giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; xây dựng lực lượng QĐND, CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; một số lực lượng, quân chủng, binh chủng tiến thẳng lên hiện đại; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng.
Không để bị động, bất ngờ, không để hình thành các tổ chức chính trị đối lập; đấu tranh mạnh mẽ với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, nhất là mua bán, sử dụng chất ma túy; sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống. Đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo đảm quốc phòng, an ninh...
Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025 đề ra 23 chỉ tiêu chủ yếu, tăng 2 chỉ tiêu so giai đoạn 2016-2020, với 8 chỉ tiêu về kinh tế, 9 chỉ tiêu về xã hội và 6 chỉ tiêu về môi trường. Một số chỉ tiêu quan trọng là: tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%; đóng góp của TFP vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; bội chi NSNN bình quân 3,7% GDP; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%. |