vĐồng tin tức tài chính 365

Khi xuyên tâm liên, ngải bún bước vào cuộc sống thường ngày mùa dịch

2021-07-23 03:39

Khi xuyên tâm liên, ngải bún bước vào cuộc sống thường ngày mùa dịch

Ricky Hồ

(KTSG Online) - Người dân Thái Lan đang đổ xô đi tìm các loại thảo dược như xuyên tâm liên và ngải bún có thể chữa trị các triệu chứng nhẹ của Covid-19. Trước đó nữa là phong trào thức uống thảo dược jamu gồm gừng, nghệ và mật ong ở Indonesia.

Sức lan tỏa của thảo dược tăng cường sức đề kháng, chữa trị Covid 19 đang “bén lửa” tại TPHCM khi người dân tìm mua các loại dược thảo và viên hoàn xuyên tâm liên với giá 100.000 đồng mỗi lọ 300 viên…

Dược liệu quý được săn lùng trong mùa dịch

Thủ tướng Prayuth ChanOcha đã thúc giục các cơ quan chính phủ thành lập hội đồng nghiên cứu sử dụng các chiết xuất của xuyên tâm liên để chữa trị cho các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ của Covid. Người đứng đầu của hội đồng này là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul.

Hội đồng này sẽ điều phối các chương trình nghiên cứu về mức độ an toàn và hiệu quả của chiết xuất xuyên tâm liên trên các bệnh nhân Covid, cũng như soạn thảo chiến lược quảng bá dược liệu truyền thống của Thái Lan trong và ngoài nước.

Từ một loại dược liệu bị lãng quên trong nhiều thập niên, xuyên tâm liên đang bước vào đời sống thường nhật của người dân Việt Nam và Thái Lan trong mùa dịch. Ảnh: Archives

Thủ tướng Prayuth nói quyết định này được đưa ra trong cuộc họp nội các tối 20-7 nhằm tìm các giải pháp mới khống chế các đợt bùng phát mới. Trong cuộc họp này, Bộ trưởng Tư pháp Somsak Thepsutin hối thúc chính phủ tăng cường sử dụng dược liệu truyền thống để điều trị bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nhẹ. Ông Somsak đưa ra dẫn chứng về thành công của Cục Cải huấn trong việc dùng chiết xuất xuyên tâm liên trong điều trị hơn 12.000 tù nhân nhiễm Covid-19 tại các trại giam ở tỉnh Chiang Mai và Nonthaburi.

Trước đó, một cuộc khảo sát 122 loại dược thảo của Cục Dược phẩm thay thế và truyền thống Thái Lan cho thấy có 6 loại cây cỏ có hiệu quả trong chữa trị Covid-19. Trong đó, xuyên tâm liên (tên khoa học là Andrographis paniculata) và ngải bún (tên khoa học là Boesenbergia pandurata) được quan tâm nhiều nhất.

Xuyên tâm liên còn được các bệnh viện y dược cổ truyền và các chùa chế tạo thành viên nhộng hay viên hoàn.

Ngải bún được sử dụng như một loại dược liệu và gia vị trong nấu ăn ở Trung Quốc và nhiều nước Đông Nam Á. Xuyên tâm liên có vị đắng, tính hàn được người dân nhiều nước châu Á như Thái Lan, Việt Nam hay Trung Quốc sử dụng trong việc điều trị các chứng viêm nhiễm nhẹ nhiều thế kỷ qua.

Hiện người dân Thái Lan đang săn tìm nguồn dược thảo thiên nhiên vốn bị lãng quên nhiều thập niên qua khi thuốc kháng sinh trở nên phổ biến hơn trong thập niên 1970-1980. Meatha Simavara, Chủ tịch Câu lạc bộ công nghiệp dược thảo Thái Lan, nói rằng nhu cầu dùng xuyên tâm liên hiện nay đã tăng gấp ba lần so với đợt bùng phát dịch lần đầu năm 2020.

“Thái Lan sẽ đối diện với tình trạng thiếu hụt xuyên tâm liên trong vòng 1-2 tháng tới. Câu lạc bộ của chúng tôi kỳ vọng rằng sẽ có có nhiều chế phẩm từ cây thuốc này trong vòng 3-4 tháng tới, tức sau mùa thu hoạch dược liệu kế tiếp”, ông Meatha nói.

Cùng với xuyên tâm liên, các loại dược liệu truyền thống đang được người Thái săn lùng để tăng cường sức khỏe trong mùa dịch. Giá các loại gừng trắng non, gừng vàng, củ riềng, lá chanh kaffir và sả đã tăng gần gấp đôi so với cùng thời điểm năm ngoái. Bộ Nội thương hôm 20-7 đã cảnh thương lái đầu cơ nâng giá các loại dược liệu trên có nguy cơ bị phạt đến 7 năm tù và bị phạt tiền 140.000 baht, hơn 98 triệu đồng, hoặc tổng hợp cả hai hình phạt.

Chợ truyền thống ở tỉnh Nonthaburi. Gừng, riềng, sả và lá chanh đang bán chạy ở Thái Lan như là phương thuốc dân gian hiệu quả để trị Covid-19. Ảnh: Bangkok Post

Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan (FTI) gửi 100.000 hạt giống xuyên tâm liên đến các doanh nghiệp thành viên, khuyến khích trồng dược liệu để chữa trị cho công nhân nhiễm Covid-19. Loại cây này có thể hỗ trợ công nhân ít nhiều bởi nhiều người trong số họ chưa được tiêm vaccine giữa lúc số ca lây nhiễm hàng ngày tăng vọt - Phó Chủ tịch FTI Sakchai Unchittikul phát biểu. Vị này đồng thời là Chủ tịch của Học viện các ngành công nghiệp liên quan đến nông nghiệp.

“Khoảng 12.000 xí nghiệp là thành viên của FTI dự kiến sẽ nhận được hạt giống xuyên tâm liên trong tuần này. Nhiều nơi đã chuẩn bị đất để trồng loại dược thảo này”, ông Sakchai phát biểu với Bangkok Post. Liên đoàn FTI sẽ tặng hạt giống xuyên tâm liên theo số lượng khác nhau – 50, 100 và 200 hạt – tùy theo nhu cầu của doanh nghiệp. Các hướng dẫn trồng và chăm sóc loại cây này cũng được kèm theo.

“Dược liệu có thể được thu hoạch trong 110-120 ngày. Loại cây này chỉ cần thời gian ngắn để tăng trưởng”, ông Sakchai nói. Hiện giá bán mỗi ký xuyên tâm liên phơi khô là 450 baht, khoảng 315.000 đồng. Trong khi đó, giá một lọ thuốc viên nhộng xuyên tâm liên gồm 100 viên là 80 baht, tức 56.000 đồng. Giá loại dược thảo này đang tăng dần theo số ca nhiễm mới tại Thái Lan.

Đồ uống cổ truyền mang lại an tâm và hy vọng

Thảo dược cổ truyền trở nên bán chạy hơn trong các đợt cao điểm dịch không là chuyện quá xa lạ ở Đông Nam Á. Trước xuyên tâm liên là jamu - loại thức uống hỗn hợp gồm gừng, nghệ và một vài loại rễ - làm mưa làm gió trên thị trường ở Indonesia và Malaysia.

Đồ uống chế từ gừng, nghệ và các loại thân rễ khác bán chạy trên đường phố Jakarta. Ảnh: AFP

Nhiều người Indonesia tin rằng jamu có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch. Nhưng nguồn gốc của jamu không rõ. Từ thời cổ đại, người dân Java và Bali biết tận dụng những dược tính tốt của loại đồ uống. Jamu thường có vị đắng. Có nơi, người ta pha thêm mật ong để dễ uống.

Các loại đồ uống thảo dược jamu được dân Indonesia sử dụng qua nhiều thế hệ để trị cúm, cảm lạnh, bệnh đường tiêu hóa, đau khớp và vài bệnh vặt khác. Dịch Covid-19 ập đến, jamu được quảng bá là có tác dụng chống lại lây nhiễm Covid-19.

Gừng và nghệ bán đắt như tôm tươi và bị người dùng vét sạch sau mỗi đợt dịch. Các quan chức cao cấp, kể cả Tổng thống Joko Widodo, đã từng không ngần ngại ca ngợi tính năng của các loại đồ uống này khi dịch chớm phát. Bị dư luận phản ứng mạnh với cáo buộc là “dẫn dắt sai lệch”, các quan chức mới dừng quảng bá các loại đồ uống cổ truyền này.

Jamu đã mang lại lợi nhuận khủng cho các hãng dược ở Indonesia. Mảng đồ uống thảo dược mang lại 60% doanh số cho Industri Jamu dan Farmasi Sido Muncul, hãng sản xuất dược liệu truyền thống lớn nhất của đất nước vạn đảo. Hãng này có các loại thức uống có gừng làm nguyên liệu chính như cà phê gừng, sữa gừng… Tương tự, hãng dược Kalbe có nguồn thu lớn từ các loại sản phẩm chăm sóc sức khỏe như đồ uống thảo dược và đa vitamin, hay thảo dược dành cho các bệnh nhân có các triệu chứng Covid nhẹ.

Từ Indonesia, loại đồ uống độc đáo jamu cũng lan sang đường phố Kuala Lumpur ở Malaysia. Nhà báo Rohinman Haroon của tờ New Straits Times đã mô tả trải nghiệm khi thử loại đồ uống này tại chợ Chow Kit Market. “Cảm giác của tôi là nó khá nặng mùi nhưng ngọt ngào. Người bán hàng là một người đàn ông Indonesia nói rằng đồ uống được phối từ nghệ, gừng đỏ, sả và quế. Nước uống sánh đặc và trời ạ, vị đắng và ngọt của nó không thể tả được”, Haroon viết.

Các câu chuyện trong bài viết của Haroon xoay quanh các loại thức uống và đồ ăn có thảo dược trở nên phổ biến hơn trong mùa dịch ở Malaysia. Tuy nhiên, ông vẫn nhấn mạnh các khuyến cáo của Bộ Y tế nước này rằng các loại thảo dược này vẫn chưa chứng minh được là có thể tiêu diệt virus SARS-CoV-2.

“Tuy nhiên, hiệu quả và mức độ an toàn của thảo dược truyền thống chưa được khoa học chứng minh. Dù rằng có dược phẩm cổ truyền mang lại một số lợi ích, chúng ta vẫn chưa rõ một phương thức nào thực sự hiệu quả trong phòng ngừa và điều trị người nhiễm Covid-19. Nhưng ít nhất có hai yếu tố chúng ta cần quan tâm. Những loại thảo dược này mang lại sự an tâm và hy vọng - vốn rất quý giá trong mùa dịch”, Haroon kết thúc bài viết.

Xuyên tâm liên sẽ tạo “hot trend” tại Việt Nam?

Người tiêu dùng Việt Nam bắt đầu quan tâm đến “thảo dược đắng kinh khủng” cách đây hai tuần sau cuộc họp của Hội đồng chuyên môn của Cục Quản lý khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế hôm 7-7. Tại cuộc họp này, các chuyên gia đã thảo luận về sử dụng kháng thể đơn dòng, corticoid, thuốc chống đông máu, đông dược (cụ thể là xuyên tâm liên) trong điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19… Tiếp đó, ngày 16-7 Bộ Y tế đã cho phép sử dụng xuyên tâm liên trong điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 nhẹ sau khi tham khảo kinh nghiệm điều trị của một số nước châu Á.

Sức nóng của xuyên tâm liên lên cao khi một vài tờ báo và nhân vật có uy tín (KOL) tại TPHCM bắt đầu đề cập đến câu chuyện ở Thái Lan.

Một số diễn đàn tại TPHCM đã bàn luận về việc mua và sử dụng xuyên tâm liên dạng lá, rễ hay thân hoặc chiết xuất viên nhộng và viên hoàn (viên vo tròn) trong những ngày qua. Các thành viên đã trao đổi rằng khó tìm mua dược liệu và các dạng chiết xuất tại TPHCM, nhưng có thể đặt mua từ các tỉnh phía Bắc. Giá một lọ gồm 300 viên nhộng xuyên tâm liên giao từ Nghệ An là 100.000 đồng, mua trên 50 lọ được giảm 20-25%. Người mua được khuyên mỗi ngày uống 3 lần, lần 2 viên.

Số ca nhiễm tại các tỉnh phía Nam vẫn đang tăng, các tỉnh phía Bắc đang siết chặt các biện pháp giãn cách, phòng dịch. Vì thế, loại dược liệu này và các sản phẩm chiết xuất chắc chắn sẽ càng được người tiêu dùng quan tâm.

Các loại thảo dược truyền thống có tác dụng tốt đến việc nâng sức đề kháng cho cơ thế. Xuyên tâm liên và các chế phẩm có thể giúp chữa trị các triệu chứng Covid-19 nhẹ, nhưng không có nghĩa là phòng ngừa và tiêu diệt được virus. Vì thế, không cần mua trữ sẵn. Cái cần lúc này là thực nghiệm nghiêm chỉnh 5K, thể dục và dinh dưỡng tốt để nâng cao sức khỏe trong mùa dịch.

 

Xem thêm: lmth.hcid-aum-yagn-gnouht-gnos-couc-oav-coub-nub-iagn-neil-mat-neyux-ihk/586813/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Khi xuyên tâm liên, ngải bún bước vào cuộc sống thường ngày mùa dịch”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools