vĐồng tin tức tài chính 365

Hàng hóa thiết yếu đâu chỉ là thực phẩm?

2021-07-23 03:39

Hàng hóa thiết yếu đâu chỉ là thực phẩm?

Song Nghi

(KTSG) - Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 kéo dài, trong môi trường giãn cách người dân cần được tạo điều kiện để có cuộc sống cân bằng nhất có thể. Không cần nhìn qua các nước phương Tây giàu có với tiêu chuẩn sống quá khác biệt, Việt Nam có thể tham khảo bài học xác định thế nào là hàng hóa dịch vụ thiết yếu của quốc gia có mức sống không quá chênh lệch với chúng ta là Ấn Độ.

 

 

Việc sống chung với lệnh giãn cách trong thời gian dài hơn dự kiến và có thể lặp đi lặp lại nhiều đợt là điều cần nghĩ đến trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam. Trong ảnh: bạn trẻ đưa mèo đi cấp cứu trên mạng xã hội.

Trong đợt giãn cách xã hội chỉ kéo dài 2-3 tuần trên toàn quốc hồi tháng 4-2020, khi đó các doanh nghiệp, trường học đa số chấp nhận xem như là một kỳ nghỉ đột xuất nên các yêu cầu về học hành làm việc trực tuyến cũng không được đặt ra như là việc cấp thiết. Người dân cũng thấy không cần thay đổi hay chuẩn bị quá nhiều cho một cuộc sống giãn cách kéo dài như ở các nước khác.

Nhưng với đợt giãn cách xã hội lần này, mọi việc đã thay đổi nhiều. Từ 31-5 đến nay, TPHCM đã trải qua các kỳ giãn cách theo Chỉ thị 15 của Chính phủ, rồi Chỉ thị số 10 của UBND TPHCM với mức độ kiểm soát cao hơn Chỉ thị 15, tiếp đến là Chỉ thị 16 toàn thành phố và lại tiếp tục sau khi Chính phủ áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 cho toàn bộ 19 tỉnh thành phía Nam từ Đồng Nai đến Cà Mau trong 14 ngày từ ngày 19-7.

Giãn cách xã hội do đợt bùng dịch lần thứ tư này với biến chủng Delta đã khiến tình hình khó khăn hơn trước đây khá nhiều. Ví dụ như TPHCM, trong kịch bản lý tưởng nhất - khống chế được dịch sau đợt giãn cách toàn miền Nam - thì cũng trải qua hơn ba tháng liên tục 6-7-8 phải sống trong điều kiện giãn cách với nhiều mức độ khác nhau.

Dù lạc quan đến đâu nhưng khi nhìn qua các nước khác, kể cả những nước có tiềm lực mạnh hơn Việt Nam nhiều như Israel, Pháp, Úc, Singapore..., chúng ta phải thừa nhận thực tế, dập dịch Covid-19 không thể nhanh như kỳ vọng. Việc sống chung với lệnh giãn cách trong thời gian dài hơn dự kiến và có thể lặp đi lặp lại nhiều đợt là điều cần nghĩ đến trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam.

Trong đợt giãn cách xã hội lần này có một video clip trên mạng xã hội thu hút hàng trăm ngàn lượt xem. Đó là chuyện xảy ra tại tỉnh Long An hôm 13-7 khi hai bạn trẻ, một nam một nữ, chở một con mèo đi cấp cứu thì bị cảnh sát giao thông dừng xe vì cho rằng hai người này vi phạm Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội. Sau khi năn nỉ xin đi tiếp không được, hai bạn này phải quay về và con mèo sau đó đã chết vì không được chữa bệnh (*).

Vụ “cấp cứu mèo” này đã tạo ra hai luồng tranh luận khá gay gắt trên mạng xã hội. Một bên thì cho rằng dịch vụ thiết yếu “khám chữa bệnh” theo quy định là chỉ dành cho người nên cảnh sát đã làm đúng. Bên phản đối lại cho rằng, cấp cứu thú cưng (pet) phải được xem là “thiết yếu” và phải cho đi tiếp.

Câu chuyện “cấp cứu mèo” này đặt ra một câu hỏi thực tế: Thế nào là hàng hóa - dịch vụ thiết yếu? Trong môi trường giãn cách kéo dài thì liệu quy định về “hàng hóa - dịch vụ thiết yếu” đã có cách đây một năm liệu có còn phù hợp?

Dịch vụ “không thiết yếu” là hớt tóc chẳng hạn, nếu giãn cách chỉ 2-3 tuần thì không sao nhưng với thực tế tại TPHCM đã giãn cách liên tục gần hai tháng như hiện nay thì nhiều người đành chọn phương án cột “búi tó” hay cạo trọc. Trong điều kiện giãn cách kéo dài nhiều tháng, liệu có nên xem hớt tóc là dịch vụ thiết yếu hay không?

Theo quy định hiện hành của Việt Nam, “hàng hóa - dịch vụ thiết yếu” được quy định khá hẹp, chỉ đáp ứng những nhu cầu vật chất căn bản nhất của con người như ăn uống và chữa bệnh. Trong bối cảnh giãn cách kéo dài thì có lẽ đã đến lúc điều chỉnh danh mục này theo hướng bổ sung thêm những sản phẩm - dịch vụ đáp ứng nhu cầu tinh thần như giải trí và nhu cầu học hành, làm việc từ xa cho cả người lớn và trẻ em.

Ấn Độ là nước chúng ta có thể tham khảo với điều kiện tương đồng. Khi đợt dịch đầu tiên bùng lên ở Ấn Độ hồi tháng 3-2020, thoạt đầu chính quyền trung ương và các bang cũng siết chặt giãn cách để phòng dịch. Thoạt đầu, các sàn thương mại điện tử như Amazon và Flipkart bị đóng cửa vì các mặt hàng bán trên sàn được xếp vào mục “không thiết yếu”.

Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau đó, chính quyền đã thay đổi bằng cách đưa máy tính xách tay, màn hình máy tính, dụng cụ nấu nướng, máy giặt, đồ chơi trẻ em, sách vở... vào danh mục hàng thiết yếu vì đây là những sản phẩm dịch vụ tối cần thiết cho nhu cầu làm việc, học tập, giải trí của trẻ em và người lớn tại nhà trong thời kỳ giãn cách.

Trong đợt giãn cách hiện tại ở Ấn Độ, dù dịch bệnh nặng nề hơn đợt năm ngoái, danh sách hàng thiết yếu mà Amazon cung cấp vẫn cho thấy có cả mỹ phẩm cho nhu cầu làm đẹp và đáng chú ý là nhóm sản phẩm cho thú cưng (Pet Supplies). Nhóm này khá đa dạng vì bao gồm cả thức ăn, dầu tắm gội, đồ chơi cho chó mèo và có cả thức ăn cho chim, cá cảnh (**). Tuy nhiên, danh mục này không đồng nhất mà có sự khác biệt tùy theo bang.

Khi trải qua cuộc sống giãn cách, có một vật nuôi để bầu bạn sẽ giúp con người bớt cô độc, bớt nhàm chán. Chính quyền Ấn Độ đã khá linh hoạt trong việc xác định định nhu cầu tinh thần của người dân để điều chỉnh chính sách cho phù hợp.

--------------

(*) https://thanhnien.vn/doi-song/tranh-luan-vu-co-gai-dua-meo-di-kham-gap-chot-kiem-soat-1413864.html

(**) https://timesofindia.indiatimes.com/most-searched-products/todays-deals/amazon/what-can-you-order-online-on-amazon-during-covid-curfew-list-of-essentials-allowed-for-home-delivery-during-covid-restrictions/articleshow/82146779.cms

Xem thêm: lmth.mahp-cuht-al-ihc-uad-uey-teiht-aoh-gnah/906813/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Hàng hóa thiết yếu đâu chỉ là thực phẩm?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools