Còn nhiều lỗ hổng quản lý vốn tại các tập đoàn và tổng công ty nhà nước
Hoàng Thắng
(KTSG Online) - Nhiều lỗ hổng về quản lý chi phí, dòng tiền và đất đai tại PVOIL, PVPower, Hancorp, Sawaco, Tổng công ty địa ốc Sài Gòn... đã được Kiểm toán Nhà nước nêu tại Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2020.
Cơ quan kiểm toán đã chỉ ra loạt vấn đề trong việc quản lý, sử dụng vốn tại một số doanh nghiệp thuộc 17 tập đoàn và tổng công ty nhà nước, gồm Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PVPower); Công ty cổ phần Cảng dịch vụ dầu khí Đình Vũ (PTSC); Tổng công ty cổ phần Vận tải dầu khí (PVTrans); Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC); Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL); Tổng công ty Đầu tư Phát triển hạ tầng đô thị (UDIC); Tổng công ty Cơ Khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco); Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco); Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico); Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp), Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn.
Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) có khoản nợ khó đòi lên đến hơn 320 tỉ đồng. Ảnh minh hoạ: H.Thắng. |
Thứ nhất, phần lớn các đơn vị còn sai sót trong việc hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ với ngân sách nhà nước (NSNN) nên phải điều chỉnh tài sản, nguồn vốn tổng tài sản - tổng nguồn vốn tăng 629,2 tỉ đồng và giảm 65,78 tỉ đồng, theo kiến nghị của cơ quan kiểm toán. Ngoài ra, các đơn vị đã điều chỉnh tăng 484,87 tỉ đồng và giảm 209,22 tỉ đồng với tổng doanh thu, thu nhập. Còn tổng chi phí của các đơn vị được điều chỉnh tăng 49,35 tỉ đồng và giảm 818,56 tỉ đồng.
Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị tăng thu NSNN với giá trị 1.031,36 tỉ đồng sau quá trình kiểm toán.
Thứ hai, nhiều đơn vị chưa ban hành quy chế quản lý tiền hoặc quản lý dòng tiền chưa hiệu quả. Về quy chế quản lý tiền, Kiểm toán Nhà nước cho biết Công ty cổ phần Thủy điện Hủa Na và Công ty cổ phần Máy - Thiết bị dầu khí thuộc PVPower, PVOIL Phú Thọ, Công ty cổ phần Vận tải sản phẩm khí Quốc tế thuộc PVTrans chưa xây dựng đầy đủ kế hoạch sử dụng dòng tiền.
Còn Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng thuộc EVNCPC và Công ty TNHH MTV Dịch vụ khảo sát và công trình ngầm PTSC thuộc PTSC chưa ban hành quy định về quy trình gửi tiền không kỳ hạn/có kỳ hạn.
Về hiệu quả quản lý dòng tiền, cơ quan kiểm toán cho biết Công ty cổ phần Vận tải Nhật Việt thuộc PVTrans còn khoản tiền gửi 5 tỉ đồng có kỳ hạn được thế chấp tại ngân hàng để mua tàu nhưng không thể giao dịch, có thể xảy ra tranh chấp bất lợi cho công ty. Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật điện lực dầu khí Việt Nam thuộc PVPower còn xảy ra tồn quỹ tiền mặt vượt mức quy định, theo quy chế quản lý và sử dụng vốn bằng tiền.
Ngoài ra, Công ty cổ phần Cảng dịch vụ dầu khí Đình Vũ, PTSC Phú Mỹ, PTSC Thanh Hóa, Công ty TNHH MTV Dịch vụ khảo sát và công trình ngầm PTSC thuộc PTSC còn tình trạng chưa cân đối hoặc rà soát nguồn tiền để chuyển tiền gửi không kỳ hạn sang tiền gửi.
Với PVOIL, một số thời điểm đơn vị lựa chọn kỳ hạn ngắn hạn để gửi tiền chưa hợp lý vì có thể lựa chọn kỳ gửi dài hạn, theo cơ quan kiểm toán.
Thứ ba, việc quản lý nợ chưa chặt chẽ, nhiều đơn vị để phát sinh nợ phải thu quá hạn. Cụ thể, PVPower đứng đầu với giá trị nợ quá hạn ở mức 1.480,9 tỉ đồng. Xếp thứ hai là PVOIL với 800,73 tỉ đồng. Nợ quá hạn của Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn, Swaco, Handico, EVNCPC, Samco lần lượt ở mức 306,43 tỉ đồng, 42,02 tỉ đồng, 32,27 tỉ đồng, 15,03 tỉ đồng, 12,05 tỉ đồng.
Một số đơn vị có tỷ lệ nợ quá hạn tính trên tổng nợ phải thu lớn, gồm EVN HCM (47,01%); Công ty mẹ - UDIC (26,9%); Nhóm công ty thuộc PVTrans: Công ty cổ phần Vận tải dầu khí Thái Bình Dương (32,3%), Công ty cổ phần Vận tải dầu khí Quảng Ngãi (3,4%), công ty mẹ (3,5%).
Một số đơn vị có giá trị nợ khó đòi lớn, gồm PTSC (343,45 tỉ đồng); Tổng công ty Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư - Công ty cổ phần thuộc thuộc PVOIL (643,36 tỉ đồng); Hancorp (321,99 tỉ đồng); UDIC (269,93 tỉ đồng); PVPower (214,45 tỉ đồng); PVTrans (99,49 tỉ đồng); Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn (17,43 tỉ đồng); Công ty Điện lực Bình Phú thuộc EVN HCM (11,73 tỉ đồng); EVNCPC (9,62 tỉ đồng).
Thứ tư, thực hiện bán hàng, đặt cọc cho nhà cung cấp không có bảo lãnh hoặc tài sản đảm bảo gây nợ tồn đọng kéo dài hoặc vượt giá trị bảo lãnh. Điển hình là Công ty cổ phần Máy - Thiết bị dầu khí thuộc PVPower, PVOIL Tây Ninh, PVOIL Huế, PVOIL Vũng Áng, PVOIL Hải Phòng và PVOIL Cái Lân.
Thứ năm, trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi, xóa nợ, trích khấu hao tài sản cố định không đúng quy định, theo Kiểm toán Nhà nước. Về trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi, UDIC và PVPower lần lượt trích thừa 5,2 tỉ đồng và 4,41 tỉ đồng. Ngược lại, các đơn vị gồm PTSC, Hancorp, Sawaco, PVOIL và PVTrans lần lượt trích thiếu 2,37 tỉ đồng, 1,92 tỉ đồng, 1,63 tỉ đồng, 2,27 tỉ đồng và 70,58 tỉ đồng.
Về xoá nợ, Công ty cổ phần Vận tải dầu khí Thái Bình Dương thuộc PVTrans và PC Kon Tum thuộc EVNCPC lần lượt xoá 80 tỉ đồng và 0,17 tỉ đồng.
Về trích khấu hao, VNPT Net, Samco, PTSC và PVOIL lần lượt trích thừa 11,14 tỉ đồng, 7,49 tỉ đồng, 6,74 tỉ đồng và 3,47 tỉ đồng. Ngược lại, Sawaco trích thiếu 2,58 tỉ đồng.
Thứ sáu, mua sắm vật tư chưa đúng với nhu cầu sử dụng dẫn đến lượng vật tư, hàng hóa ứ đọng, chậm luân chuyển hoặc tồn kho lớn. Với PVPower, tồn kho tại Công ty cổ phần Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2 là 238,26 tỉ đồng, Công ty Điện lực dầu khí Hà Tĩnh là 229,59 tỉ đồng và Công ty cổ phần Thủy điện Hủa Na là 12,40 tỉ đồng;
Với EVNCPC, tồn kho tại Ban Quản lý dự án lưới điện miền Trung và Ban Quản lý dự án lưới điện nông thôn là 175,23 tỉ đồng - bằng 61,5% giá trị tồn kho. Còn tồn kho tại công ty mẹ là 1,03 tỉ đồng.
Với EVN HCM, tồn kho tại Ban Quản lý dự án lưới điện vật tư thiết bị và Công ty lưới điện cao thế lần lượt là 190,75 tỉ đồng và 5,86 tỉ đồng.
Thứ bảy, phát sinh chi phí sản xuất - kinh doanh dở dang lâu năm. Với PVPower, chi phí tại công trình Nhà máy xơ sợi Khu công nghiệp Đình Vũ và Sân bay Tân Sơn Nhất phát sinh lần lượt từ năm 2010 và năm 2013 với tổng giá trị là 49,14 tỉ đồng nhưng chưa được nghiệm thu khối lượng.
Tương tự, Hancorp có dự án 2 tuyến đường đi qua khu ngoại giao đoàn do công ty mẹ thực hiện phát sinh 78,89 tỉ đồng chi phí dở dang, nhưng chưa được nghiệm thu. Hai công ty con là Công ty Tây Hồ và Công ty Xây dựng số 1 cũng lần lượt ghi nhận chi phí ở đang ở mức 20,47 tỉ đồng và 114,92 tỉ đồng.
Thứ tám, đầu tư bất động sản đã hoàn thành công tác xây dựng nhưng chưa bán/khai thác, chậm đưa vào khai thác làm giảm hiệu quả sử dụng vốn. Điển hình là công ty mẹ - Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn có khu đất ở địa chỉ số 481 bến Ba Đình, phường 9, quận 8 đã xây dựng hoàn thành chung cư từ năm 2010, nhưng còn tới 242 căn hộ để trống. Ngoài ra, đơn vị này còn có khu đất số 339/34A (số cũ 157/R8) Tô Hiến Thành, phường 12, quận 10 còn 119 căn hộ để trống từ năm 2013.
Thứ chín, một số dự án dừng triển khai từ nhiều năm. Cụ thể, công ty mẹ - PVOIL có 3 dự án, gồm kho ngoại quan, dự trữ xăng dầu quốc gia tại Phú Quốc, Mở rộng nhà máy chế biến condensate tại khu công nghiệp Cái Mép - Bà Rịa Vũng Tàu, mở rộng kho xăng dầu Cái Lân giai đoạn 2.
Handico có hai dự án, gồm dự án tại 174 Hà Huy Tập, Yên Viên, Hà Nội và 51,89 ha tại cụm công nghiệp vừa và nhỏ huyện Sóc Sơn.
Với EVNCPC, công ty con là Công ty cổ phần đầu tư Điện lực 3 có dự án Công trình thủy điện Sông Tranh 5. Còn PVPower có dự án tiểu khu 2 tại Nhơn Trạch.
Ngoài ra, một số dự án do UDIC bị chậm tiến độ. Theo đó, dự án đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội đã quá hạn trên 16 năm nhưng đến nay chưa được UBND thành phố Hà Nội gia hạn thực hiện dự án.
Còn dự án của Hancorp, gồm khu đô thị mới Cao Xanh - Hà Khánh B chậm tiến độ 10 năm, Dự án N01 - T8 chậm tiến độ 6 năm, dự án khu biệt thự chậm tiến độ 3 năm, dự án N04.A chậm tiến độ 2 năm.
Bên cạnh đó, dự án tòa nhà trụ sở và văn phòng bán, cho thuê tại số 148 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội của PVOIL cũng bị Kiểm toán Nhà nước đánh giá là ‘chưa hiệu quả’ khi hoạt động cho thuê ghi nhận số lỗ lũy kế 11,97 tỉ đồng tính đến 31-12-2019.