21 hộ dân thuộc thị trấn Khe Tre và xã Hương Phú, huyện Nam Đông (Thừa Thiên-Huế) có nhà hướng ra mặt tiền đường tỉnh lộ 14B. Tuy nhiên, ngay sau lưng nhà họ là đường cao tốc nằm sát vách và nền đường cao hơn phần mái. Đường cao tốc đã hoàn thành và chờ nghiệm thu đưa vào sử dụng thì cũng là lúc các hộ dân này nơm nớp lo sợ vì sẽ phải sống trong tình trạng nguy hiểm.
Nơm nớp lo âu
Theo đó, sau khi triển khai đồng thời hai dự án đường cao tốc La Sơn - Túy Loan và La Sơn - Nam Đông (tỉnh lộ 14B), hạ tầng giao thông của huyện Nam Đông đoạn qua thị trấn Khe Tre được chỉnh trang. Nhưng cũng vì làm hai dự án này mà nhà cửa của 21 hộ dân nói trên nằm “kẹp” giữa hai tuyến đường.
Theo ghi nhận của chúng tôi, nền nhà của những hộ dân này thấp hơn đường cao tốc La Sơn - Túy Loan 4-10 m, trong khi mái taluy dương của đường cao tốc rất cao. Nếu nền đường cao tốc bị sụt lún (đặc biệt là vào mùa mưa lũ) thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của những ngôi nhà và người sống bên trong.
Ngoài ra tuyến cao tốc qua khu vực này có một khúc cua có độ cong lớn, khi các phương tiện lưu thông trên tuyến tiềm ẩn sự nguy hiểm cao vì các hộ dân sinh sống ngay bên dưới.
Nhà của 21 hộ dân nằm sát chân và thấp hơn đường cao tốc La Sơn - Túy Loan, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Ảnh: NGUYỄN DO
Nhà của ông Nguyễn Hoàng sát với đường cao tốc, trời mưa nước từ đường chảy tràn vào nhà. Ảnh: NGUYỄN DO
Ông Nguyễn Hoàng (40 tuổi, thị trấn Khe Tre) cho biết gia đình ông về khu vực này sống từ năm 2000. Khi tuyến đường La Sơn - Nam Đông xây dựng, gia đình rất phấn khởi vì nghĩ sẽ được buôn bán, sinh sống ở mặt tiền tuyến đường đẹp.
“Tuy nhiên, taluy tuyến cao tốc chạy ngay sau lưng nhà, mỗi lần có xe chạy đá văng vào nhà. Vào mùa mưa bão, nước từ tuyến đường đổ xuống như suối. Dù chưa đưa vào khai thác nhưng nhiều phương tiện đã đi qua đây gây ồn ào, cát đá trên mặt đường văng rơi vào mái nhà rất nguy hiểm” - ông Hoàng nói.
Theo ông Hoàng, khi chưa có đường cao tốc, hằng năm địa phương đều yêu cầu các hộ dân di dời để tránh nguy cơ sạt lở núi nhưng chưa có phương án cụ thể. Sau nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương, gia đình ông cùng các hộ dân có nguyện vọng tái định cư đến một nơi khác nhưng phải đảm bảo cơ sở hạ tầng, thuận tiện đi lại.
Tỉnh, huyện đang đề xuất di dời
Đặc biệt ngoài 21 hộ dân trên, dọc tuyến tỉnh lộ 14B còn có Trường THCS thị trấn Khe Tre cũng nằm trong diện đề xuất di dời do tiềm ẩn nguy cơ sạt trượt mái taluy dương. Theo đánh giá, nếu không có phương án di dời ngay từ bây giờ thì các phương tiện lưu thông sẽ đe dọa đến an toàn cho việc dạy, học của hàng trăm học sinh, giáo viên ở đây.
Ngày 22-7, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, cho biết qua nhiều lần họp, tiếp xúc cử tri, nguyện vọng của người dân dọc tuyến tỉnh lộ 14B đa phần đều muốn di dời, tái định cư để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, nguồn kinh phí địa phương có hạn và việc bố trí kinh phí thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT.
Ông Hồ nói: “Ngoài việc kiến nghị tỉnh, các sở, ngành thực hiện việc di dời 21 hộ dân dọc tuyến và Trường THCS thị trấn Khe Tre thì trước mắt, vào mùa bão UBND huyện sẽ ưu tiên, chú trọng việc di dời các hộ dân này đến nơi an toàn. Về lâu dài, địa phương đã có sẵn quỹ đất để bố trí tái định cư và di dời trường học đủ tiêu chuẩn quy định, hiện giờ chỉ còn chờ kinh phí từ Bộ”.
Trước đó, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có văn bản gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ủng hộ đề xuất, đề nghị với Bộ GTVT xem xét bố trí kinh phí để xây dựng khu tái định cư và di dời 21 hộ dân (13 hộ chính và tám hộ phụ). Theo đề xuất của UBND tỉnh, tổng kinh phí để di dời và xây khu tái định cư khoảng 25 tỉ đồng, bằng nguồn kinh phí của dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan.
Cần 25 tỉ đồng để di dời trường cấp 2 Trong văn bản gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng kiến nghị Bộ GTVT thống nhất chủ trương cho di dời Trường THCS thị trấn Khe Tre với kinh phí dự kiến khoảng 25 tỉ đồng, nhằm đảm bảo an toàn bền vững, lâu dài cho cán bộ, giáo viên, học sinh và hoạt động của trường. Văn bản nêu: Do trường này nằm cạnh đường cao tốc, mặt bằng trường thấp, nằm dưới chân taluy dương có mái dốc cao và chưa ổn định nên tiềm ẩn nguy cơ sụt trượt, gây mất an toàn trong mùa mưa lũ. Mặt khác, dự báo khi đường cao tốc đi vào khai thác sẽ gây tiếng ồn, phát sinh bụi bẩn, ảnh hưởng đến việc học tập, hoạt động của trường và sức khỏe của các cháu học sinh. |