Thị trường dự đoán giá dầu thế giới sẽ tiếp tục tăng, nhưng tăng đến mức nào thì lại có các quan điểm khác nhau. Một số dự báo cho rằng giá dầu thô thế giới trong năm 2021 có thể lên đến khoảng 100 USD/thùng, nhưng cũng có nhiều người cho rằng dự báo như vậy là quá phóng đại.
Trên thực tế, chỉ cần giá dầu có thay đổi nhỏ thì điều đó sẽ tác động đến tất cả các lĩnh vực khác. Giá dầu thế giới tăng không những khiến giá dầu thô trên thị trường thế giới trở nên khó nắm bắt hơn, mà còn khiến sự phục hồi của thị trường các mặt hàng chiến lược quốc tế và nền kinh tế thế giới thời hậu đại dịch COVID-19 thêm khó dự đoán.
OPEC+ từng có thỏa thuận cắt giảm kỷ lục vào kỳ họp hồi cuối năm ngoái. |
Trong thời điểm then chốt và nhạy cảm này, Hội nghị Ủy ban giám sát chung cấp bộ trưởng (JMMC) của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) lần thứ 31 và Hôi nghị bộ trưởng OPEC+ lần thứ 18 được tổ chức tại Vienna (Áo) đã phát đi một số thông điệp, nhưng vẫn chưa chính thức quyết định sẽ giữ sản lượng ổn định hay tăng sản lượng. Quan sát thái độ của các bên, đặc biệt là thái độ của Saudi Arabia và Nga, hai quốc gia lãnh đạo OPEC+, nhiều khả năng các nước thành viên sẽ tăng sản lượng một cách thích hợp.
Một trong những nguyên nhân khiến giá dầu thô thế giới liên tục tăng là do tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 được đẩy mạnh, tình hình dịch bệnh bớt căng thẳng và nền kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi sau đại dịch khiến nhu cầu gia tăng, mặt khác do chính sách nới lỏng tiền tệ của các nước như Mỹ dẫn đến lạm phát toàn cầu, đặc biệt là khiến giá của các mặt hàng chiến lược tăng mạnh.
Các nước thành viên OPEC+ hiện đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan: Nếu họ tăng mạnh sản lượng dầu thô, có thể nhanh chóng phát huy vai trò kiềm chế giá dầu thế giới và ổn định thị trường dầu mỏ, nhưng việc làm như vậy cũng có thể khiến thỏa thuận hạn chế sản lượng mà họ từng phải trải qua một vài "cuộc đọ sức quyết liệt" mới đạt được mất hiệu lực, gây ra cuộc chiến mới về sản xuất và xuất khẩu dầu thô, khiến thị trường dầu mỏ thế giới lại rơi vào lộ trình giảm giá.
Tuy nhiên, do có khác biệt về chính trị, kinh tế, xã hội, nên các nước OPEC+ cũng có lập trường khác nhau về việc có tăng sản lượng hay không. Một số quốc gia muốn nhanh chóng nhân cơ hội này để gia tăng sản lượng dầu thô nhằm thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế ở trong nước, chủ trương thuận theo xu hướng tăng của giá và nhu cầu của thị trường, nhanh chóng tăng sản lượng và nguồn cung cho thị trường. Một số quốc gia khác lại lo ngại tình hình dịch COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, xuất hiện biến chủng mới, dẫn tới sự phục hồi kinh tế xã hội của một số nước sẽ chỉ xuất hiện trong ngắn hạn và sớm chấm dứt, nên OPEC+ cần thận trọng khi ra quyết sách, không thể tăng sản lượng một cách thiếu căn cứ, để lại rơi vào tình cảnh khó khăn.
Mỗi sự thay đổi về giá dầu đều có tác động ngay lập tức đến mọi mặt của nền kinh tế. |
Nhiều chuyên gia trong ngành dầu mỏ cho rằng trong bối cảnh buộc phải ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu tăng lên và các loại năng lượng xanh, mới gia tăng, xem xét từ xu hướng phát triển năng lượng thế giới trong dài hạn, nhu cầu về năng lượng hóa thạch sẽ giảm xuống, do đó việc duy trì thỏa thuận hạn chế sản lượng có lợi cho việc ổn định thị trường dầu mỏ thế giới. Ngược lại, việc tăng mạnh sản lượng dễ đẩy thị trường rơi vào vòng suy giảm mới.
Giữa "cơn bão" đọ sức của các quốc gia, OPEC+ đã có cách tiếp cận tương đối thận trọng. Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz Bin Salman chủ trương có thái độ thận trọng, cho rằng thị trường dầu thô thế giới mới gần trở lại trạng thái cân bằng sau khi trải qua các biến động của năm 2020, do đó, hiện nay việc tăng sản lượng là hành động không sáng suốt.
Tại Diễn đàn đầu tư của Mỹ cách đây ít lâu, Hoàng tử Abdulaziz Bin Salman cho biết một số người có thể đã dự báo quá lạc quan về sự phục hồi kinh tế và nhu cầu dầu thô của thế giới. Thỏa thuận tăng dần sản lượng trong tháng 3 sẽ hết hiệu lực vào tháng 8-2021. Trong giai đoạn này, có thể tạm thời không có biến động, chờ đến khi thỏa thuận hết hiệu lực mới tiếp tục gia tăng phù hợp sản lượng dầu thô. Đây có thể là bước đi hợp lý.
Với sự kiên trì và lãnh đạo của Saudi Arabia, OPEC+ đã đưa ra một số lựa chọn như tăng thêm trước khoảng 500.000 thùng/ngày vào tháng 8, sau đó xem xét tình hình để tiếp tục tăng sản lượng mỗi tháng, trong 3 tháng mới tăng thêm 2 triệu thùng.
Theo các nguồn tin, về nguyên tắc Nga cũng ủng hộ đề nghị tăng sản lượng một cách dè dặt của Saudi Arabia. Theo thông tin tại Hội nghị OPEC+, có thể thấy phần lớn các nước tham dự đều cho rằng mặc dù nhu cầu của các nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, Trung Quốc... phục hồi mạnh mẽ, nhưng một phần khu vực châu Âu vẫn trong tình trạng phong tỏa do chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại. Nếu OPEC+ bắt đầu tăng vọt nguồn cung vào mùa thu năm nay, khó tránh khỏi nhu cầu dầu thô thế giới lại sụt giảm, giá dầu lại rơi vào vòng xoáy giảm mạnh.
Huy Thông (Tổng hợp)Xem thêm: /407056-gnoul-nas-uig-mik-noum-CEPO/gtna-naul-hniB-neik-uS/nv.moc.dnac.gtna