Sự đòi hỏi bức thiết của việc đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt khiến nhiều người kỳ vọng Mobile Money sẽ là bước đột phá trong thời gian tới. Tuy nhiên, đến nay, theo cơ quan chức năng, vẫn chưa có mốc cụ thể để triển khai trên thực tế và quy trình vẫn đang dừng lại ở thẩm định hồ sơ các doanh nghiệp xin cấp phép.
Mốc triển khai phụ thuộc chất lượng hồ sơ
Ngày 21.7, trao đổi với PV Báo Lao Động, một nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, sau khi nhận được thẩm định lần 1, các cơ quan chức năng đã có ý kiến gửi về cho 3 đơn vị. Hiện tại Ngân hàng Nhà nước mới chỉ nhận được hồ sơ bổ sung của Viettel. Các đơn vị còn lại là VNPT và Mobifone có thể trong 1 - 2 tuần tới sẽ trình lại các hồ sơ này.
Nói về hồ sơ xin cấp phép của các doanh nghiệp gửi lần đầu tiên, nguồn tin này cho biết "có đơn vị viết khá tốt, có đơn vị viết sơ sài". Và trong đề án Mobile Money sẽ có các cấu phần khác nhau, từng cơ quan chức năng sẽ thẩm định lĩnh vực phụ trách, sau khi thẩm định lần 1, doanh nghiệp sẽ sửa và gửi lại theo yêu cầu.
Trả lời về câu hỏi về mốc thời điểm cụ thể để chính thức triển khai Mobile Money trên thực tế, nguồn tin từ phía Ngân hàng Nhà nước nói: "Mốc thời gian phụ thuộc vào chất lượng hồ sơ của các đơn vị xin thí điểm. Các bộ ngành đều ủng hộ việc này vì đây là dịch vụ có nhiều lợi ích cho người dân. Nhưng do đây cũng là dịch vụ mới, chúng tôi cũng phải vừa làm, vừa suy nghĩ về nó. Có những điểm cần phải thận trọng, đặc biệt liên quan đến nạp - rút tiền.
Đồng thời theo quy định, trong vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước là đầu mối. Hồ sơ phải có sự chấp thuận của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an, cộng với Ngân hàng Nhà nước, sau đó mới có thể cấp phép thí điểm được".
Theo Quyết định 316 của Chính phủ, doanh nghiệp thực hiện thí điểm phải xây dựng cơ chế kiểm soát các giao dịch nạp, rút tiền mặt vào/ra tài khoản phát sinh tại các điểm kinh doanh đảm bảo nhận biết và kiểm soát được chính xác số tiền đã nhận; đối soát với tổng số dư tài khoản Mobile Money của khách hàng; đảm bảo số tiền các điểm kinh doanh đã nhận phải được nạp tương ứng theo tỉ lệ 1:1 vào tài khoản Mobile Money của khách hàng.
Trên thực tế, việc chuẩn bị cho Mobile Money đã được các doanh nghiệp triển khai từ rất sớm. Đơn cử như theo đại diện Viettel Digital - 1 trong 3 đơn vị xin cấp phép cho biết, hoạt động chuẩn bị cho Mobile Money đã được đơn vị này bắt đầu triển khai từ cách đây 2 năm, đơn vị này cũng đã hoàn thành việc test thử nghiệm nội bộ dịch vụ này với 40.000 nhân viên của tập đoàn.
Về phía VNPT, đơn vị này cho biết, để đảm bảo tính bảo mật cho khách hàng, hệ sinh thái thanh toán số VNPT Pay vừa chính thức được cấp chứng chỉ bảo mật quốc tế PCI DSS 3.2.1 sau khi vượt qua 12 nhóm tiêu chuẩn khắt khe của Hội đồng Tiêu chuẩn Bảo mật (PCI Security Standards Council). Còn với Mobifone, ngay vào thời điểm Chính phủ quyết định cho phê duyệt thí điểm Mobile Money hồi đầu tháng 3, đơn vị này cũng đã kịp được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Nhiều kỳ vọng bức thiết vào Mobile Money
Theo thống kê, hiện nay vẫn có khoảng 50% dân số Việt Nam chưa có tài khoản thanh toán tại ngân hàng. Và tính đến hết năm 2020, Việt Nam có 132,5 triệu thuê bao di động đang hoạt động. Do vậy, Mobile Money được kỳ vọng sẽ cung cấp một kênh giao dịch, phương tiện thanh toán nhanh chóng và thuận tiện thay vì phải trực tiếp đến các cơ sở của ngân hàng thực hiện giao dịch.
Các báo cáo quốc tế cũng cho thấy, tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, giao dịch qua di động tại Việt Nam được dự báo sẽ tăng tới 400% vào năm 2025 nhờ sự bùng nổ của kinh tế số. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, chỉ cần 20-30% trong tổng số khoảng 130 triệu thuê bao điện thoại di động hiện nay sử dụng dịch vụ thanh toán bằng điện thoại với hạn mức tối đa (10 triệu đồng) thì lượng giao dịch luân chuyển qua hệ thống Mobile Money của Việt Nam có thể lên tương đương hàng chục, hàng trăm nghìn tỉ đồng.
Theo phía Ngân hàng Nhà nước, Mobile Money nếu được quản lý tốt sẽ có những ảnh hưởng tích cực đến nền kinh tế và các đối tượng tham gia. Đối với các doanh nghiệp viễn thông triển khai dịch vụ sẽ góp phần phát triển và đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ và đối tượng khách hàng (ngoài các dịch vụ viễn thông truyền thống), nhờ đó, mở rộng thị trường, tăng doanh thu và nâng cao khả năng cạnh tranh.
Đáng chú ý, Mobile Money sẽ tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh đó, Mobile Money được phát triển dựa trên tận dụng hạ tầng viễn thông nên sẽ giảm các chi phí xã hội để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
"Thông qua đó triển khai Mobile Money, người dân sẽ dần quen với sử dụng các dịch vụ tài chính chính thức khác tại ngân hàng và các tổ chức trung gian thanh toán. Bên cạnh đó, dưới áp lực cạnh tranh buộc các tổ chức cung ứng phải nâng cao chất lượng, do đó khách hàng sẽ được trải nghiệm dịch vụ tốt hơn" - ông Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.
Xem thêm: odl.050339-eht-uc-com-oc-auhc-nav-yenom-elibom-meid-iht/et-hnik/nv.gnodoal