Năm 2020, chị Trang Nhung, 37 tuổi, chủ cửa hàng thực phẩm online tại Hà Nội, tuyển Quân làm nhân viên song người này lấy số hotline cửa hàng làm tham chiếu vay tiền của công ty tài chính. "Khi sử dụng, Quân không hỏi ý kiến của tôi và công ty cũng không xác nhận lại việc này", chị Nhung cho biết.
6 tháng kể từ khi Quân nghỉ việc đến nay, chị liên tục nhận được cuộc gọi yêu cầu giục anh này trả tiền. Các cuộc gọi đến từ nhiều số, vào bất cứ thời gian nào, kể cả ban đêm.
"Họ nói chuyện với giọng điệu như ra lệnh. Tôi giải thích nhiều lần rằng không liên quan giao dịch vay tiền của Quân nhưng bên kia vẫn tiếp tục gọi điện quấy rối, khủng bố tinh thần", chị Nhung nói.
Với người kinh doanh online, việc bị khủng bố hotline là phiền phức lớn. Chị Nhung không phân biệt được cuộc gọi nào của khách hàng hay của bên đòi nợ nên bắt buộc phải nghe những lời khó chịu. Việc kinh doanh bị xáo trộn.
Hồi đầu tháng 7, công ty tài chính gọi điện thoại gia tăng sức ép và chị đáp trả gay gắt. Hôm sau, công ty này đăng hình ảnh và số điện thoại của chị công khai trên các trang mạng xã hội. "Tôi bị gọi là "đồng lõa" và họ liên tục bình luận vào các bài đăng bán hàng của cửa hàng để đòi tiền. Tôi không hiểu vì sao người tham chiếu mà bị "quấy rối" nhiều như vậy", chị Nhung bức xúc nói.
Ngày 22/7, đại diện công ty tài chính trên cho biết Quân đang có khoản vay 8 triệu từ ngày 25/8/2020 song không trả nợ và chối bỏ trách nhiệm.
"Công ty đã trao đổi với khách hàng nhưng bị bất hợp tác, do vậy phải công bố khoản nợ và thông tin về người tham chiếu để mọi người thấy và tìm cách liên hệ giục Quân trả tiền", người đại diện nói.
Công ty này cho rằng người tham chiếu phải chịu một phần trách nhiệm bởi đã đồng ý cho người vay lấy thông tin của mình. Khi khách hàng trốn nợ, công ty sẽ liên hệ người tham chiếu. Với các bài đăng về người tham chiếu trên mạng xã hội, đại diện công ty này khẳng định "chỉ gỡ xuống khi Quân trả nợ".
Hiện không ít công ty tài chính sử dụng thông tin người tham chiếu để đòi nợ. Nhân viên tư vấn của một hệ thống cửa hàng liên kết với các công ty tài chính, cho hay hầu hết công ty đều bắt buộc có số tham chiếu khi làm hồ sơ vay trả góp. Người vay phải cung cấp ít nhất hai số điện thoại của người thân, bạn bè, đồng nghiệp để tham chiếu thông tin; ưu tiên cha mẹ, vợ chồng, anh chị em ruột hoặc người có tên trong hộ khẩu.
Số điện thoại tham chiếu được dùng trong nhiều trường hợp. Công ty tài chính có thể liên hệ người tham chiếu để xác nhận thông tin xem có chính xác hay không. Nếu đến kỳ hạn mà người vay chưa thanh toán, công ty sẽ liên hệ với người tham chiếu để nhờ nhắc nhở, nhân viên tư vấn cho biết.
Theo luật sư Trần Sỹ Tiến, Công ty Luật Hà Nội VDT, nhiều người lầm tưởng rằng người tham chiếu phải có trách nhiệm xác nhận thông tin hoặc phải bảo lãnh khoản vay. Trên thực tế, pháp luật không có quy định nào bắt buộc họ thực hiện trách nhiệm trên. Người tham chiếu không có nghĩa vụ gì trong hợp đồng tín dụng. Theo quy định của pháp luật, họ không phải là người vay tiền và cũng không phải người bảo lãnh nên không có nghĩa vụ trả nợ thay, kể cả khi người vay không thể thanh toán theo hợp đồng.
Ông Tiến nói thông tin người tham chiếu chỉ để xác nhận tính trung thực của người vay tiền. Nếu bạn cho phép người khác lấy số điện thoại làm tham chiếu, công ty tín dụng có thể liên hệ để truy vấn một số thông tin liên quan người vay. Trường hợp không có sự đồng ý của bạn, không ai được tự ý lấy số điện thoại để làm tham chiếu bởi đó là thông tin cá nhân và được pháp luật bảo vệ.
Thông tư 18/2019/TT-NHNN quy định, công ty tài chính không được nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ đến người không có nghĩa vụ trả nợ. Do vậy, việc công ty tài chính liên tục nhắn tin, gọi điện cho người tham chiếu để thúc ép người vay trả nợ là trái pháp luật.
Nếu gọi điện quá nhiều lần để đe dọa cũng như thúc ép người tham chiếu, công ty tài chính có thể bị phạt hành chính 10-20 triệu đồng vì vi phạm quy định về biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ, theo khoản 3 điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Phương Anh
Xem thêm: lmth.9098234-gnud-nit-yav-gnod-poh-ueihc-maht-iougn-al-iv-iaot-neihp-pag/ten.sserpxenv